Bị buộc di dời, ai chịu trách nhiệm về thiệt hại cho các điểm liên kết tại Cung văn hóa Việt Tiệp?

Phản ánh đến các cơ quan báo chí, hàng trăm người lao động đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp (Cung văn hóa Việt Tiệp), Cung văn hóa thể thao Thanh niên (Cung văn hóa Thanh Niên) của Hải Phòng bức xúc cho biết là họ đang có nguy cơ mất việc làm khi Tết đang cận kề.

Cụ thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ yêu cầu “đóng cửa” di dời đi nơi khác để trả lại mặt bằng cho Cung văn hóa Việt Tiệp, Cung văn hóa Thanh niên.

“Lao động vất vả cả năm, người lao động chúng tôi chờ mong Tết đến được chủ lao động thưởng một hai tháng lương để có tiền lo tất cho gia đình. Nhưng giờ cơ sở kinh doanh bị buộc phải di dời, chúng tôi bị mất việc làm còn nói gì đến việc mong được thưởng Tết. Mong UBND TP. Hải Phòng cân nhắc lại để đảm bảo quyền lợi cho người lao động chúng tôi”- một đại diện cho người lao động ở đây bức xúc nói.

 Một điểm liên kết tại Cung văn hóa Việt Tiệp nằm trong diện phải giải tỏa. Ảnh: Nguyễn Khánh

Một điểm liên kết tại Cung văn hóa Việt Tiệp nằm trong diện phải giải tỏa. Ảnh: Nguyễn Khánh

Tìm hiểu được biết, ngày 16/12, UBND TP. Hải Phòng có thông báo hỏa tốc số 470/TB-UBND về việc Thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp với các ngành, đơn vị về giải tỏa một số địa điểm trong khuôn viên của Cung văn hóa Việt Tiệp và Cung văn hóa Thanh niên.

Theo đó lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo Cung văn hóa Việt Tiệp thực hiện chấm dứt ngay các hợp đồng cho thuê hoặc liên kết, thực hiện giải tỏa các điểm từ ngày 15/12 và hoàn thành trong tháng 12/2016. Lý do là vi phạm quy hoạch theo quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 21/6/2012 của UBND TP về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Cung văn hóa Việt Tiệp.

Không tự dưng mà thuê được

Việc này khiến các đơn vị ký hợp đồng liên kết với Cung văn hóa Việt Tiệp có nguy cơ phá sản vì nguồn vốn đầu tư đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng chưa kịp thu hồi và điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm lao động có nguy cơ mất việc làm. Do đó, họ đồng loạt gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan hữu trách, cơ quan báo chí.

Tìm hiểu của phóng viên, để khai thác tiềm năng, tăng nguồn thu cho Cung văn hóa Việt Tiệp,từ năm 2014 lãnh đạo đơn vị này đã ký các hàng chục hợp đồng liên kết kinh doanh với các đơn vị để mở các cơ sở kinh doanh trong khuôn viên Cung văn hóa Việt Tiệp, thời hạn hợp đồng kéo dài trung bình từ 5 năm đến 10 năm.

Trước khi ký kết các hợp đồng liên kết này, lãnh đạo Cung văn hóa Việt Tiệp được sự đồng ý của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, được sự đồng ý cho ký kết bằng văn bản của Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng, thậm chí còn được sự hướng dẫn của UBND TP. Hải Phòng.

Đơn cử như tại văn bản số 7713/UBND-QH ngày 10/10/2014 của UBND TP. Hải Phòng gửi UBND thành phố về việc sử dụng tài sản Nhà nước để góp vốn liên doanh, liên kết tại Cung văn hóa Việt Tiệp gửi Liên đoàn lao động TP. Hải Phòng nêu rõ: “Đề nghị Liên đoàn lao động thành phố…. Căn cứ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được UBND TP. phê duyệt chỉ đạo Cung văn hóa Việt Tiệp lập phương án liên doanh, liên kết, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định theo quy định”.

Về việc Cung văn hóa Việt Tiệp ký các hợp đồng liên kết với nhà đầu tư để tăng nguồn thu cho cung, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có văn bản số 148/TLĐ (ngày 3/2/2015) do ông Phan Văn Anh- Trưởng Ban Tài chính của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ký cũng ghi rõ: “Khoản 5, Điều 9 Quyết định số 1493/QĐ-TLĐ ngày 17/11/2009 của Tổng liên đoàn về việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa lao động thì Cung văn hóa Việt Tiệp được thực hiện việc liên doanh, liên kết để mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động”.

Văn bản này của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nêu rõ là: “Giao cho Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng chủ động chỉ đạo Cung văn hóa Việt Tiệp phối hợp với đối tác thực hiện”.

Tin tưởng vào các hướng dẫn chỉ đạo, sự đồng thuận của các cơ quan quản lý trên, hàng chục nhà đầu tư đã ký các hợp đồng liên kết với Cung văn hóa Việt Tiệp. Sau khi ký kết hợp đồng, họ đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào cơ sở hạ tầng để phục vụ hoạt động kinh doanh (có đơn vị đầu tư tới khoảng 2 triệu USD) để phục vụ hoạt động kinh doanh.

“Ngày 14/12, UBND TP. Hải Phòng tổ chức họp với các ban ngành thành phố, các điểm liên kết. Tại cuộc họp này lãnh đạo LĐLĐ thành phố, Cung văn hóa Việt Tiệp và đại diện các điểm liên kết đề nghị thành phố cho lùi thời hạn đến sau Tết nguyên đán 2017. Và việc giải tỏa các điểm vi phạm quy hoạch theo lộ trình và đảm bảo các quy định của pháp luật để giảm thiểu thiệt hại cho các đơn vị, giảm bớt khó khăn người lao động.

Nhưng đến ngày 16/12, UBND TP ban hành thông báo yêu cầu thực hiện chấm dứt ngay các hợp đồng cho thuê hoặc liên kết, thực hiện giải tỏa các điểm từ ngày 15/12 và hoàn thành trong tháng 12. Mệnh lệnh này gây khó cho chúng tôi, khiến chúng tôi không kịp trở tay để tìm địa điểm kinh doanh mới, người lao động đang làm việc cho chúng tôi mất việc”- đại diện cho hàng chục đơn vị đang liên kết kinh doanh ở đây bức xúc.

Thiệt hại trăm tỷ ai chịu?

Các cơ quan hữu trách ở Hải Phòng biết đã có quy hoạch nhưng vẫn chấp thuận chủ trương cho phép Cung văn hóa Việt Tiệp ký các hợp đồng liên kết để kêu gọi đầu tư kinh doanh.

Khi thời hạn hợp đồng liên kết vẫn còn hiệu lực, nhà đầu tư chưa kịp thu hồi vốn thì lại bất ngờ có văn bản hỏa tốc yêu cầu tháo dỡ, di dời để thực hiện cung thực hiện dự án chỉnh trang, trồng cây xanh… Vậy thiệt hại (có thể) hàng trăm tỉ đồng của các đơn vị đã đầu tư vào đây, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Tùng- Chủ tịch UBND TP nhưng được yêu cầu làm việc với Văn phòng UBND thành phố.

 Khu vui chơi được đầu tư với số tiền không nhỏ cũng buộc phải tháo dỡ, di dời. Ảnh: Nguyễn Khánh

Khu vui chơi được đầu tư với số tiền không nhỏ cũng buộc phải tháo dỡ, di dời. Ảnh: Nguyễn Khánh

Sáng 29/12, làm việc với phóng viên cán bộ Văn phòng UBND TP. Hải Phòng cho biết là tinh thần thực hiện như chỉ đạo của UBND thành phố, có 6 đơn vị buộc phải tháo dỡ di dời trước thời điểm 31/12/2016 (các đơn vị này được cho là vi phạm so với quy hoạch tại quyết định số 946); các đơn vị còn lại hạn chót là 31/3/2017 (các điểm liên kết này phù hợp với quy hoạch theo quyết định số 946). Vị cán bộ này cũng thông tin là dự án chỉ trang (lý do để UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các điểm liên kết phải dừng hoạt động, di dời) đến nay chưa được bố trí vốn.

Tìm hiểu của phóng viên cũng cho thấy, tại văn bản số 407 ngày 7/11/2016 của UBND TP. Hải Phòng cũng thể hiện là mới: “Giao cho Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế có kinh nghiệm, năng lực để lập dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp Cung văn hóa theo hướng hiện đại”.

Như vậy, rõ ràng đến nay dự án chưa có nhưng TP. Hải Phòng đã yêu cầu các đơn vị liên kết phải di dời, giải tỏa trước thời điểm kinh doanh” vàng”- Tết nguyên đán.

Việc biết có quy hoạch, nhưng tại sao Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng vẫn đồng ý cho Cung văn hóa Việt Tiệp ký hợp đồng liên kết, sau đó thu hồi gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ai phải chịu trách nhiệm? Chiều 29/12, trao đổi với phóng viên, ông Tống Văn Băng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hải phòng chỉ nói ngắn gọn là quan điểm làm theo chỉ đạo của thành phố và không trả lời về câu hỏi trách nhiệm.

Chiều cùng ngày, phóng viên cũng liên hệ với ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Cung văn hóa Việt Tiệp, nhưng khi vừa giới thiệu thì ông Bình nói đang bận họp và từ chối tiếp xúc.

Nguyễn Khánh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget