Mỗi khi nhìn thấy cháu nội, ông Hinh lại không cầm được nước mắt. Ảnh: Đức Tùy
“Sau lễ tang, cả gia đình tôi như rơi xuống vực thẳm”
Hơn 3 tháng sau vụ nổ taxi kinh hoàng ở Quảng Ninh khiến anh Đặng Văn Trung (SN 1987, lái xe taxi hãng Hoàng Minh, trú tại phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) tử vong tại chỗ, chúng tôi đã tìm về gặp lại gia đình nạn nhân. Tưởng chừng sau từng ấy thời gian sẽ làm cho nỗi đau và sự mất mát của gia đình ông Đặng Văn Hinh (SN 1954, bố anh Trung) vơi cạn. Tuy nhiên, những tháng ngày qua, những người thân của anh Trung đã nén đau thương gắng gượng để sống. “Từ ngày lo hậu sự cho con trai xong, cả gia đình tôi như rơi xuống vực thẳm, ai cũng bị hụt hẫng. Nếu không đi làm thì thôi, khi về đến nhà nhìn thấy di ảnh của con, ai cũng không cầm được nước mắt. Chỉ còn ít ngày nữa là đến 100 ngày của Trung, nhưng tôi vẫn cứ nghĩ con tôi vẫn còn sống. Khổ thân cháu quá, lúc mất cũng chẳng nói được câu nào cho người ở lại”, ông Hinh nói.
Nhìn cháu nội đang vui đùa hồn nhiên dưới bàn thờ của con trai, ông Hinh không cầm được nước mắt. Đến lúc này ông vẫn không hiểu tại sao tai họa lại dồn xuống gia đình để rồi cướp đi người con trai ngoan hiền. Cứ nghĩ đến con, ông lại thương người cháu nội và những câu nói cháu ông như xé lòng. “Thỉnh thoảng cháu hỏi tại sao bố đi làm mãi không thấy về. Thậm chí đến lúc ăn cơm, cháu bảo: “Bát này phần bố Trung đi làm về ăn sau”. Nghe cháu nói vậy, cả gia đình đều khóc”, ông Hinh nghẹn ngào.
Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Hinh luôn than phiền về người con trai xấu số và là người khổ nhất nhà. Từ nhỏ đến lúc lấy vợ, có con và đi làm, anh Trung luôn là người hiền lành dễ mến. Khi anh Trung gặp nạn, chị Hoàng Thị Thanh (SN 1995, vợ anh) chết ngất. Bởi lẽ, hai ông bà tuổi cao, bệnh tật, trong khi chỉ có anh Trung là trụ cột gia đình, giờ anh mất đi không còn chỗ nào trông cậy.
Cho đến hôm nay đã gần 100 ngày anh của Trung, nhưng chưa khi nào gia đình ông Hinh nguôi ngoai được nỗi đau. Chị Thanh đã không còn nước mắt để khóc thương chồng. Hàng đêm, chị lại giật mình, ú ớ gọi tên anh. Nhiều lúc, chị đã nghĩ quẩn khi đòi đến nhà người đã gây ra cái chết oan uổng cho chồng mình hỏi rõ nguyên nhân. Những lúc như vậy, vợ chồng ông Hinh lại động viên và ngăn cản hành động ngoài mong muốn của con dâu. Còn vợ ông Hinh là bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1959), có lẽ phải mất thời gian dài mới lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống.
Bà Chiến kể, mặc dù trong người có nhiều bệnh tật nhưng bà vẫn phải đi trông con thuê cho các gia đình ở quanh khu phố và ai thuê gì làm đó. Còn ông Hinh tiếp tục chạy xe ôm để có đồng ra đồng vào. Cũng từ khi anh Trung mất đến nay, chị Thanh thường xuyên ốm đau nên gia đình không cho chị đi rửa bát ở các quán ăn nữa.
Lá đơn cầu cứu viết gì?
Nói về cái chết của con mình, ông Hinh tâm sự, từ trước đến nay, con trai ông hiền lành, sống đức độ và rất tốt với mọi người thì không có lý gì người ta lại mang mìn lên xe rồi cho phát nổ. Ông Hinh cho rằng, trong chuyện này còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ và có uẩn khúc. “Hơn ba tháng nay, gia đình tôi không thấy gia đình gây ra cái chết cho con tôi đến hỏi thăm. Cho nên, khi con tôi mất được 10 ngày, tôi có làm đơn cầu cứu gửi đến Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả đề nghị cho biết nguyên nhân chính xác về cái chết của con tôi; Ai sẽ chịu trách nhiệm về cái chết này và mong muốn tạo điều kiện giúp đỡ con dâu có công việc ổn định cũng như chế độ đối với cháu tôi”, ông Hinh cho biết.
Sau khi nhận được đơn, cơ quan chức năng của TP Cẩm Phả đã đến nhà hỏi thăm động viên, đồng thời bố trí công việc cho vợ anh Trung đi làm hợp đồng tại một công ty môi trường của thành phố. Tuy nhiên, việc nói rõ ai sẽ chịu trách nhiệm và nguyên nhân thì cơ quan chức năng vẫn còn bỏ ngỏ.
Ông Hinh kể, gần đến Tết, gia đình lại càng buồn tê tái khi nghĩ đến cái chết oan khuất của anh Trung. Có nhiều năm, gia đình không có tiền sắm sửa và mua quần áo cho con, anh Trung phải ứng trước tiền lương đưa cho bố mẹ. Nhưng năm nay anh không còn nữa thì cuộc sống càng khốn khó hơn. “Chưa năm nào gia đình buồn như năm nay, chuẩn bị đến Tết mà gia đình không có tiền. Thậm chí, ngày con tôi mất, cả gia đình còn có hơn một trăm nghìn đồng, may mà có bà con khu phố cho mượn để lo tang lễ”, ông Hinh nghẹn ngào.
Ông Phạm Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Cẩm Thạch cho biết: “Từ khi xảy ra sự việc đến nay, từ lãnh đạo tỉnh, thành phố đến phường luôn quan tâm đến gia đình anh Trung. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện giúp cho con anh ấy được hưởng chế độ thì còn phải chờ chúng tôi tiến hành rà soát và xem xét”.
Khoảng 12h30 ngày 3/10, tại khu vực phường Cẩm Trung (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) xảy ra vụ nổ xe taxi khiến lái xe và hành khách tử vong tại chỗ. Theo đó, 2 người tử vong là lái xe taxi Đặng Văn Trung và hành khách là Lê Thành (50 tuổi, trú ở khu Hoàng Thạch, phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả) - đối tượng nghiện hút, cờ bạc, đang mang trong mình trọng bệnh và án 8 năm tù nhưng chưa thi hành án vì vắng mặt tại địa phương.
Đức Tùy
Đăng nhận xét