Tăng lương tối thiểu vùng từ 180.000 - 250.000 đồng/tháng
Từ 1-1-2017, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 180.000 đồng - 250.000 đồng/tháng so với hiện hành.
Lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động chính thức tăng từ ngày 1/1/2017. Mức lương tối thiểu được tăng theo từng vùng như sau:
Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng/tháng so với năm 2016);
Vùng II: 3.320.000 đồng/tháng (tăng 220.000 đồng/tháng so với năm 2016);
Vùng III: 2.900.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng/tháng so với năm 2016);
Vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng so với năm 2016).
Cho phép chuyển đổi giới tính
Ngày 1/1/2017, Bộ Luật Dân sự (BLDS) 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là bộ luật sửa đổi được cho là có nhiều điểm mới, tiến bộ so với luật cũ.
Theo đó, BLDS 2015 cho phép chuyển đổi giới tính đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính. Luật nêu rõ việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và luật khác liên quan (điều 36: Quyền xác định lại giới tính; điều 37: Chuyển đổi giới tính).
BLDS 2015 cũng quy định những quyền riêng tư như quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng, quyền bảo vệ bí mật gia đình hay được yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin tiêu cực về mình là không đúng sự thật...
Bỏ quy định cấm người đẹp chụp ảnh khỏa thân
Bỏ quy định cấm người đẹp chụp ảnh khỏa thân là điểm mới trong Thông tư 10/2016/TT-BVHTTDL, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Thông tư này sửa đổi từ Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu.
Theo Thông tư 10, bãi bỏ các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện, phổ biến, lưu hành gồm: Chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông; chụp ảnh, ghi âm, ghi hình hình ảnh tập thể, cá nhân thể hiện các tiết mục biểu diễn có nội dung vi phạm quy định tại điều 6 Nghị định 79/2012/NĐ-CP và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông; có hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật, vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thông hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu.
Quy định mức thu phí làm căn cước công dân
Thông tư số 256 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 và thay thế Thông tư số 170 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân (CCCD).
Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ CCCD phải nộp lệ phí.
Mức thu lệ phí cấp mới, đổi, cấp lại thẻ CCCD được quy định ở 3 mức như sau. Thu 30.000 đồng/thẻ được áp dụng cho công dân từ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ; đổi thẻ CCCD khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ CCCD.
Thu 50.000 đồng/thẻ được áp dụng trong trường hợp nếu thẻ CCCD bị hư hỏng không sử dụng được phải đổi thẻ; hoặc thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ.
Mức 70.000 đồng/thẻ được áp dụng đối với trường hợp xin cấp lại thẻ CCCCD khi bị mất, xin được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam sẽ thu ở CCCD.
Mẫu thẻ căn cước công dân. Ảnh: Zing
Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định trên.
Các trường hợp được miễn lệ phí gồm công dân dưới 16 tuổi; đổi thẻ khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh...
Lệ phí đăng ký, cấp biển số xe ô tô tối đa 20 triệu đồng
Từ 1/1/2017, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số đối với ô tô con không hoạt động vận tải hành khách dao động từ 2 triệu đến 20 triệu đồng/lần/xe tại TP Hà Nội và TP.HCM
Cũng theo Thông tư số 229/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ 1/1/2017, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số đối với ô tô con không hoạt động vận tải hành khách dao động từ 2 triệu đến 20 triệu đồng/lần/xe tại TP Hà Nội và TP.HCM; 1 triệu đồng/lần/xe tại các thành phố trực thuộc trung ương khác, các thành phố trực thuộc tỉnh và 200.000 đồng/lần/xe tại các địa phương còn lại.
Với các loại ô tô khác, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số là 150.000 đồng/lần/xe, riêng Hà Nội và TP.HCM, mức lệ phí tối đa là 500.000 đồng/lần/xe.
Với xe máy, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số được quy định như sau: Tại Hà Nội và TP.HCM, với xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống, lệ phí là từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lần/xe; trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng là 1-2 triệu đồng/lần/xe và trên 40 triệu đồng là 2-4 triệu đồng/lần/xe…
K.N(th)
Đăng nhận xét