Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (Hà Nội): Tiểu thương than khó bán hàng

Sau 5 tháng hoạt động, nhiều cửa hàng ở phố Lê Trọng Tấn rơi vào cảnh ế ẩm, doanh thu giảm sút. Ảnh: Như Quỳnh.

Sau 5 tháng hoạt động, nhiều cửa hàng ở phố Lê Trọng Tấn rơi vào cảnh ế ẩm, doanh thu giảm sút. Ảnh: Như Quỳnh.

Chủ cửa hàng vẫn…nhầm sang hàng khác

Sau 5 tháng hoạt động, ngày 30/10 PV Báo GĐ&XH đã có cuộc khảo sát về tình hình kinh doanh của các hộ dân trên tuyến phố “kiểu mẫu” Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội). Một số hộ kinh doanh mà chúng tôi tiếp xúc cho rằng, từ khi thành phố áp dụng biển quảng cáo hai màu thì hiệu quả kinh doanh của họ bị giảm sút, nhiều người đã tính đến chuyện nhượng cửa hàng để chuyển ra địa điểm khác. Đặc biệt nhiều chủ cửa hàng cho biết, họ thậm chí còn nhiều lần “đi lạc” khi không nhận ra cửa hàng của mình, lí do là vì biển hiệu quá giống nhau.

Trao đổi với chúng tôi, chị Hải Yến, chủ một cửa hàng quần áo cho biết, dù đã hoạt động được 5 tháng nhưng nhiều lần chị vẫn đi nhầm vào cửa hàng khác khi những biển hiệu được treo quá giống nhau. “Thứ nhất là biển cửa hàng rất khó phân biệt, thứ hai là nó không có đặc trưng riêng để nhận biết. Đến tôi là chủ, thỉnh thoảng vẫn bị nhầm, đi qua cửa hàng rồi quay lại. Vẫn biết là chủ trương của thành phố là tốt, tôi cũng đồng ý là từ khi lắp biển hiệu đồng bộ thì nhìn tuyến phố đẹp và văn minh hơn nhưng hiệu quả kinh doanh của chúng tôi lại bị giảm sút. Chính vì vậy, thời gian tới mong chính quyền sẽ có những điều chỉnh phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong việc buôn bán”, chị Yến chia sẻ.

Chị Thu Hà, chủ cửa hàng số 210 Lê Trọng Tấn cũng cho rằng biển hiệu đồng bộ hai màu xanh đỏ hoàn toàn không gây sự thu hút cho khách hàng. “Trước đây, nhà tôi để biển hiệu ở dưới, hai bên nhìn rất dễ nhận biết. Bây giờ đến ngay cả là chủ cửa hàng mà mỗi lần đến phố này còn phải căng mắt nhìn mãi mới nhìn ra cửa hàng của mình huống chi là khách hàng họ đi lướt qua rất nhanh. Có nhiều hôm đi nhầm vào cửa hàng khác mà không biết”, chị Hà nói.

Bảng hiệu giống nhau khó bán hàng?

Bác Xuân Tươi, một người có 7 năm kinh doanh trên phố Lê Trọng Tấn cảm thấy chưa hợp lý khi đồng bộ những biển hiệu .

Bác Xuân Tươi, một người có 7 năm kinh doanh trên phố Lê Trọng Tấn cảm thấy chưa hợp lý khi đồng bộ những biển hiệu .

Để đối phó với tình hình khó khăn, nhiều hộ kinh doanh cũng đã nghĩ ra nhiều cách để cho mọi người dễ dàng nhận biết cửa hàng của mình, từ đó thu hút khách đến với cửa hàng của mình. Một chủ cửa hàng quần áo dành cho đối tượng khách hàng từ 18 đến 22 tuổi cho biết, sau khi tuyến phố Lê Trọng Tấn với bảng hiệu quảng cáo đồng bộ được đưa vào sử dụng khoảng hai tháng, cửa hàng của anh cũng rơi vào cảnh ế ấm, thu không đủ chi. Vợ anh thậm chí còn nhiều lần nói anh nên nhượng lại cửa hàng để chuyển đi nơi khác nhưng anh đã khuyên vợ nên ở lại rồi tìm cách khắc phục, nếu lần này không được thì sẽ chuyển đi. Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh và vợ đã thuê người thiết kế thêm một bảng hiệu phụ kiểu “Handmade” với màu sắc rực rỡ và hình ảnh vui nhộn, bắt mắt đặt ngay ngoài cửa tiệm. Theo anh này, từ khi có thêm bảng hiệu phụ thì cửa hàng của anh bắt đầu đông khách, làm ăn đã có lãi. “Cái khó ló cái khôn, khó khăn thì mình phải tự tìm cách khắc phục vậy”, chủ cửa hàng này chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, cũng không ít tiểu thương tính đến việc rời phố nếu tình trạng ế ẩm tiếp tục kéo dài. “Sau ngày quy hoạch và đồng bộ hóa kiểu bảng hiệu tuyến đường này, lượng hàng bán ra không còn được nhiều như trước, khách hàng thưa vắng. Cửa hàng tôi giờ chỉ sống nhờ nguồn khách đặt hàng qua mạng. Nhà tôi là chi nhánh của một công ty gas lớn nên nếu thời gian tới không làm ăn được chắc họ cũng ngừng không hợp tác nữa. Hai bên nhà tôi đã có tới 3 cửa hàng đóng cửa chuyển địa điểm khác rồi”, bà Nguyễn Linh, chủ một cửa hàng gas chia sẻ.

Ông Xuân Tươi, chủ một cửa hàng bán sơn than thở: “Cửa hàng thuê 7 triệu đồng/tháng, làm mấy tháng nay chỉ đủ trả tiền thuê nhà, chẳng lời lãi gì. Giờ mà được đề đạt nguyện vọng thì chỉ mong mình được dựng các bảng hiệu to nhỏ khác nhau, để người ta còn làm nổi bật mặt hàng được bán, chẳng hạn bán sơn như tôi thì bảng nó phải có màu rực rỡ tạo ấn tượng thì người ta mới biết mà mua. Giờ bảng hiệu giống nhau như này nhìn ông bán sơn như bà bán quần áo thì sao mà làm ăn được”.

Anh Nam chủ cửa hàng quần áo trẻ em cho biết đã tính tới việc chuyển địa điểm khác.

Anh Nam chủ cửa hàng quần áo trẻ em cho biết đã tính tới việc chuyển địa điểm khác.

Còn anh Nam, chủ một cửa hàng quần áo trẻ em cũng ngao ngán: “Cửa hàng nổi tiếng rồi còn ảnh hưởng huống chi cửa hàng nhỏ như tôi. Thương hiệu thì màu sắc, logo là phải hoàn toàn đặc trưng, người kinh doanh họ phải bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc để thiết kế và áp dụng khuôn mẫu ấy cho việc phát triển kinh doanh sau này”.

Trước các phản ánh của tiểu thương trên phố Lê Trọng Tấn, một người có thâm niên trong nghề kinh doanh cho rằng, để có thể khẳng định một cách chính xác quy định đồng bộ biển hiệu khiến buôn bán ế ẩm, cần có một cuộc khảo sát cụ thể. Kinh doanh tốt hay không phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân, trong đó màu sắc, kích cỡ biển hiệu chỉ là một trong những yếu tố cần thiết để buôn bán được thành công. Nếu màu sắc biển hiệu tốt mà địa điểm không thuận lợi, ngành hàng chưa phù hợp với khu vực đó thì kinh doanh cũng không thể tốt được. Tuy nhiên, người này cũng cho rằng, vấn đề mà tiểu thương ở con phố trên phản ánh rất đáng được cơ quan chức năng lưu tâm xử lý. Phố đẹp thì ai cũng thích, cũng muốn, nhưng việc đảm bảo đời sống, kinh doanh của bà con cũng quan trọng không kém. Họ có kinh doanh tốt thì mới đóng được thuế cho nhà nước.

Phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) được xem là tuyến đường kiểu mẫu của Hà Nội, bởi các biển hiệu kinh doanh dọc con đường được thiết kế đồng bộ về màu sắc và kích thước. Ở phố này, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp được sử dụng mẫu biển hiệu chung do chính quyền quy định. Cụ thể, biển quảng cáo phải có chiều cao so với mặt đất 3.2m - 3.3m, màu sơn chỉ được sử dụng hai màu xanh và màu đỏ, chiều cao bảng biển hiệu là 1.1m. Bên cạnh đó, tuyến đường dài 1,5 km được mở rộng và trồng cây xanh thẳng tắp, các hệ thống dây điện, cáp viễn thông, truyền hình được hạ ngầm gọn gàng, tạo không gian quang đãng, văn minh.

Đ.Việt - N.Quỳnh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget