Bác sĩ lý giải vì sao số ca đau đầu, đột quỵ tăng mạnh

Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: T.Nguyên

Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: T.Nguyên

Lạnh sâu, đầu đau như búa bổ

Bệnh nhân Đ.T.V (60 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) đang phải nằm thở máy tại Khoa Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn). Theo người nhà bệnh nhân, bà V có tiền sử cao huyết áp, nhưng việc dùng thuốc không đều theo chỉ dẫn, chỉ khi nào thấy huyết áp tăng, nhất là khi trời lạnh, bà mới uống. Cách đây hai hôm, vào buổi tối, bà V vẫn tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, nhưng sáng hôm sau, con cháu không thấy bà dậy tập thể dục liền vào phòng gọi thì phát hiện bà đã bị đột quỵ. Gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu.

Theo ThS Dương Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), thời tiết thay đổi, “một ngày có bốn mùa” như hiện nay rất dễ khiến các bệnh lý về não “phát tác”. Chỉ vài tuần trở lại đây, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh lý về não tăng khoảng 15%. Phần lớn, số bệnh nhân nằm tại Khoa Phẫu thuật thần kinh cũng là do bị đột quỵ, tăng huyết áp do thay đổi thời tiết. Theo kinh nghiệm, thời tiết lạnh, rét kéo dài, tỷ lệ này có thể lên tới 40%. Số ca khám vì triệu chứng đau đầu, đau dây thần kinh cũng tăng.

Còn PGS.TS Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1 (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu vì đột quỵ. Riêng Phòng Cấp cứu 1, số lượng bệnh nhân cũng tăng khoảng 10 -15% so với ngày thường.

Ngoài đột quỵ, các bác sĩ cho hay, cứ thời tiết thay đổi, nhất là khi lạnh sâu, nhiều người đến bệnh viện khám vì đau đầu. Anh Nguyễn T.H (41 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt mỗi khi tỉnh giấc buổi sáng. “Cơn đau nhức rất khó chịu. Tôi cảm giác càng lạnh càng đau. Có khi cổ mỏi nhừ dù tôi không kê cao đầu lúc ngủ. Đau quá, nên sáng ra tôi cũng phải uống giảm đau, không thì cơn đau đầu đeo bám tôi cả ngày mất”, anh H chia sẻ.

Đau đầu, đột quỵ vì sao?

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, trời lạnh sâu, nhiều người thường có cảm giác như anh H. Việc này có thể liên quan đến hệ thống tiền đình ốc tai. Nhiều người gội đầu ban đêm hoặc sáng sớm nhưng không sấy khô tóc cũng thường có các triệu chứng này. Còn theo ThS Dương Trung Kiên, đau đầu khi trời lạnh có thể liên quan đến các bệnh do huyết áp. Khi thời tiết thay đổi có thể làm tăng huyết áp. Cơn tăng huyết áp kịch phát có thể gây ra những túi phình động mạch, vỡ mạch máu, gây ra những cơn đau đầu.

ThS Dương Trung Kiên khuyến cáo: “Panadol chỉ là thuốc giảm đau hạ sốt thông thường, chỉ trị được triệu chứng tạm thời mà không trị được tận gốc. Đau đầu có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do thoái hóa cột sống cổ làm giảm lưu lượng máu lên não, gây đau đầu. Khi tỉnh giấc, vận động trở lại cho người nóng lên, cổ mềm ra, bệnh nhân sẽ không còn cảm giác đau này. Do đó, không phải cứ thấy đau đầu là uống ngay thuốc giảm đau. Khi bệnh nhân thấy đau đầu quá ngưỡng chịu đựng, ảnh hưởng cuộc sống, công việc thì phải đi kiểm tra, chụp chiếu não để được bác sĩ can thiệp”.

Theo ThS Dương Trung Kiên, thực tế, những người huyết áp không ổn định có nguy cơ cao với những bệnh liên quan đến não. Còn những người có tiền sử cao huyết áp, họ biết cách phòng “hãm” huyết áp ổn định. Tất nhiên, vẫn không thể chủ quan, nhất là với người lớn tuổi, mạch đã bị xơ vữa, giòn, dễ bị tổn thương khi bị chèn mạch máu não.

Đặc biệt, không ít người bị cao huyết áp, khi uống thuốc được một thời gian, thấy huyết áp ổn định lại tự ý bỏ thuốc, hoặc chỉ khi thấy chóng mặt, đau đầu, tăng huyết áp mới lấy thuốc ra uống. Điều này rất nguy hiểm, bởi thuốc huyết áp được bác sĩ kê đơn đó là thuốc uống hàng ngày, uống đến hết đời do bệnh mãn tính, không phải là thuốc dùng trong cấp cứu huyết áp. Huyết áp ổn định bệnh nhân tự đo được, đó là do thuốc, chứ không phải do bệnh nhân đã hết bệnh. Do đó, những bệnh nhân này rất dễ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não.

“Chúng tôi gặp rất nhiều ca bệnh có tiền sử cao huyết áp, nhưng bỏ thuốc liên tục. Nhiều trường hợp buổi tối vẫn bình thường, nhưng sáng hôm sau đã chìm trong cơn đột quỵ, tai biến mạch máu não. Đó có thể là do người bệnh đi ngủ trong khi cơn tăng huyết áp đã có nhưng không biết, để chảy máu não quá nhiều, gây chèn ép, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, đột quỵ, rơi vào hôn mê. Hôm sau, người nhà phát hiện ra đưa đến viện thì đã muộn”, ThS Dương Trung Kiên nói.

Đáng chú ý, theo PGS.TS Mai Duy Tôn, có nhiều bệnh nhân đột quỵ ở vùng nông thôn, do hiểu biết còn hạn chế nên thường được đưa đến viện muộn hoặc người thân sơ cứu không đúng cách, khiến bệnh càng thêm nặng.

PGS. TS Mai Duy Tôn cảnh báo: “Với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là “vàng” nên khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong vòng ít nhất 4,5 - 6 giờ đầu để được điều trị tối ưu. Tuy nhiên trên thực tế, có không ít gia đình do chủ quan, thiếu hiểu biết đã không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu nhanh chóng mà lại để bệnh nhân ở nhà, dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì lúc đó đã muộn. Thậm chí, có trường hợp cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, đến Khoa Cấp cứu thường có tình trạng là suy hô hấp do viêm phổi, nhiều trường hợp ngừng tim trước khi đến bệnh viện”.

Nhận biết đột quỵ cách nào?

PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, khi thấy bệnh nhân đột ngột xuất hiện một trong các dấu hiệu: Đột ngột yếu, liệt, tê bì. Bệnh nhân đột ngột nói khó, bất thường về giọng nói hoặc không nói được. Đột ngột mất thị lực, bất thường thị lực một trong hai bên mắt, đau đầu dữ dội, hôn mê rối loạn ý thức. Ngoài ra, bệnh nhân có thể chóng mặt, thường kèm theo mất thăng bằng, mất phối hợp động tác…

Do đó, cách đơn giản nhất để nhận biết dấu hiệu của đột quỵ là yêu cầu người thân cười, nói, chào và quan sát. Hãy chú ý xem khuôn mặt có bị mất cân đối không, có tay bên nào bị yếu, liệt không, bằng cách bảo người đó giơ tay lên. Kiểm tra giọng nói của họ có thay đổi không, bằng cách bảo người đó lặp lại những từ đơn giản. Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường trên thì nghi ngờ đến 90% là đột quỵ và cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để được nhân viên y tế hỗ trợ đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng nhanh, càng tốt.

Thu Nguyên

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget