Cách phân biệt ngộ độc khuẩn Salmonella

Các chuyên gia khuyến cáo: Cách hữu hiệu nhất để phòng chống loại khuẩn này là nấu kỹ thịt gia cầm, gia súc, trứng. Ảnh: T.L

Các chuyên gia khuyến cáo: Cách hữu hiệu nhất để phòng chống loại khuẩn này là nấu kỹ thịt gia cầm, gia súc, trứng. Ảnh: T.L

Khuẩn Salmonella có thể gây hoại tử ruột, nhiễm trùng máu

Liên quan đến việc sử dụng thịt, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phân tích: Quy trình chuẩn để có được thịt sạch là sau khi giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, thịt sẽ được chuyển vào khu làm mát ở nhiệt độ từ 0 – 4 độ C trong thời gian 8 – 12 giờ đồng hồ. Sau đó mới được pha lóc, đóng khay thịt mát hoặc đóng gói thành phẩm đưa vào cấp đông.

Tuy nhiên, với thói quen ra chợ mua thịt tươi sống được bày bán, thậm chí là tận tay sờ nắn miếng thịt để tự cảm nhận độ tươi sống của miếng thịt của đại đa số người tiêu dùng thì thịt theo chuẩn trên chưa có chỗ đứng trên thị trường hiện nay. Theo ông Đăng, người tiêu dùng nên thay đổi tập quán, thói quen từ sử dụng thịt nóng sang sử dụng thịt mát, cấp đông.

ThS Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết: Hầu hết người nhiễm khuẩn Salmonella xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau đầu, sốt và đau bụng từ vài tiếng hoặc 1-3 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Các triệu chứng kéo dài 4-7 ngày, cơ thể người bệnh (nhất là người già và trẻ nhỏ) cũng nhanh mất nước. “Đây cũng là điểm phân biệt giữa ngộ độc do Salmonella với các loại ngộ độc do độc tố tụ cầu khác chỉ gây tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng”, ThS Nguyễn Trung Cấp nói.

Hiện các cơ sở y tế tuyến dưới có thể điều trị được bệnh này, chỉ những trường hợp diễn biến quá nhanh, nặng mới chuyển tuyến trên, tuy nhiên số trường hợp này không nhiều. Cách đây vài năm, một nam thanh niên do ăn thức ăn đường phố nhiễm khuẩn Salmonella đưa đến viện khi bệnh đã nặng, được chẩn đoán bị hoại tử ruột. “Một số trường hợp tiêu chảy nặng cần nhập viện do vi khuẩn lan từ ruột vào máu, gây nhiễm trùng máu hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Lúc này, nếu không chữa trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh, bệnh nhân có nguy cơ tử vong”, ThS Nguyễn Trung Cấp cho biết.

“Thủ phạm” của rất nhiều vụ ngộ độc tập thể

Theo ThS Nguyễn Trung Cấp, khuẩn Samonella là “tác giả” của hàng trăm ca ngộ độc thực phẩm tập thể.

Điển hình như mới đây, vào tháng 2/2017, bữa cơm đám cưới tại một gia đình ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang đã khiến gần 100 người phải nhập viện. Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm và thực phẩm của các nạn nhân trong vụ ngộ độc đã phát hiện thấy vi khuẩn Salmonella. Hoặc ngay đầu tháng 3/2017 là vụ ngộ độc tập thể khiến gần 40 người ở Đắk Lắk vì ăn bánh mỳ kẹp thịt có nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột E.coli và Salmonella... Theo ThS Nguyễn Trung Cấp, nguồn nước bẩn là một trong những con đường gây bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, cụ thể là thức ăn ôi thiu thường gặp khuẩn Salmonella.

“Cũng do nguồn nước bẩn là một trong những con đường truyền nhiễm khuẩn nên có khi thức ăn dù đã được nấu chín, nhưng lại được đựng trong đồ bẩn (bát, khay, đĩa...), nên khi ăn phải vẫn bị ngộ độc, hoặc bị ruồi, gián bò vào rãnh nước bẩn sau đó đậu vào, cũng có thể khiến người ăn phải nhiễm khuẩn. Mặt khác, có thể bản thân con lợn, bò, gà… đó không hề nhiễm khuẩn nhưng vì nước ở lò mổ không đảm bảo nên lại vô tình truyền khuẩn trong quá trình giết mổ”, ThS Nguyễn Trung Cấp nói.

Để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella, các chuyên gia khuyến cáo khi giết mổ gia cầm, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay. Không ăn thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella như trứng sống, thịt hoặc gia cầm chưa chín kỹ hoặc sữa chưa tiệt trùng, tiết canh, thịt tái. Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ.

Rửa tay bằng xà phòng thật kỹ sau khi đi vệ sinh, thay tã, chạm vào động vật và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây lan các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột. Rửa thớt và kệ bếp dùng để chế biến thịt hoặc gia cầm ngay sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác.

Chưa có vaccine phòng Salmonella

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh dịch bệnh Mỹ (CDC), Salmonella được nhà khoa học Mỹ Salmon phát hiện và đã gây ra bệnh tật cho nhân loại suốt 125 năm nay. Hầu hết người nhiễm khuẩn Salmonella xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, sốt và đau bụng từ 12 đến 72 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Các triệu chứng kéo dài 4-7 ngày, bệnh nhân thường tự khỏi mà không cần can thiệp y tế. Một số trường hợp tiêu chảy nặng cần nhập viện do vi khuẩn lan từ ruột vào máu hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Lúc này, nếu không chữa trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

Vì chưa sản xuất được vaccine Salmonella, CDC khuyến cáo cách hữu hiệu nhất để phòng chống loại khuẩn này là nấu kỹ thịt gia cầm, gia súc, trứng; không sử dụng các món có trứng sống hoặc sữa chưa qua tiệt trùng. Rửa tay sạch sẽ và vệ sinh bề mặt cũng như dụng cụ nhà bếp với nước xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với thịt sống.

V.N

Thu Nguyên

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget