Sau “chiến dịch” đòi lại vỉa hè tại Hà Nội: Đường lớn thông thoáng nhưng nhiều ngõ nhỏ kẹt cứng

Tình trạng ùn tắc giao thông tại phố Duy Tân (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nhật Tân

Tình trạng ùn tắc giao thông tại phố Duy Tân (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nhật Tân

Ngõ nhỏ “ngạt thở” vì quá nhiều bãi đỗ

Khởi phát từ quận Hoàn Kiếm, “chiến dịch” đòi lại vỉa hè cho người đi bộ được diễn ra đồng loạt ở các quận, huyện của TP Hà Nội. Sau một tháng triển khai, không những cơ sở kinh doanh, bán hàng ăn, quán nước lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bị xử lý mà nhiều bãi trông xe sai phép trên các đường lớn cũng dần được xoá bỏ. Không còn được đỗ xe thoải mái, vô tội vạ như trước đây, nhiều chủ phương tiện chấp nhận tìm điểm xa hoặc men vào các con ngõ nhỏ.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, quanh cụm chung cư tái định cư của phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) là các bãi đỗ xe của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Các bãi đỗ xe này không chỉ khai thác dưới lòng đường, mà còn tận dụng vỉa hè các khu chung cư để cho xe đỗ. Những con ngõ dẫn vào các tòa chung cư vốn đã rất nhỏ hẹp, nay hai bên lòng đường đều xuất hiện hàng dài phương tiện ô tô khiến việc đi lại của cư dân gặp nhiều khó khăn.

Tại tòa nhà N1 của cụm chung cư này, bãi ô tô kéo dài từ đầu ngõ đến cuối ngõ 64 đường Nguyễn Phong Sắc. Không còn vỉa hè, người đi bộ buộc phải luồn lách dưới lòng đường chật cứng xe ô tô. Theo chia sẻ của bà Lê Thị Tâm (cư dân tòa nhà N1), tình trạng con ngõ dày đặc các phương tiện ô tô xuất hiện trong khoảng gần một tháng trở lại đây. Mỗi chiều tối, các phương tiện chạy vòng các khu chung cư tìm bãi đỗ xe, đường xá cũng trở nên đông đúc, ồn ào gấp bội so với trước đây. “Giờ đây, buổi tối chúng tôi không dám cho bọn trẻ xuống đường và sân chung cư chơi vì phương tiện đi lại rất nguy hiểm. Kể cả có người lớn đi cùng thì cũng khó tìm được nơi cho bọn trẻ vui đùa vì sân chung cư hay các khu vực thông thoáng đã bị tận dụng hết làm nơi đỗ xe rồi”, bà Tâm nói.

Cách đó không xa, tại phố Duy Tân (quận Cầu Giấy), hàng loạt con ngõ nhỏ đã bị tận dụng tối đa để biến thành các bãi đỗ xe. Ví dụ tại ngõ 76, bãi gửi xe của tòa nhà CMC kéo dài từ đầu đến cuối ngõ, tràn kín vỉa hè. Vào giờ cao điểm, do xe máy, ô tô đỗ kín vỉa hè buộc người đi bộ xuống lòng đường... Một số người dân cho biết, trước đây chỉ có ô tô của cư dân trong khu vực gửi, tuy nhiên bây giờ người ở khắp nơi đến đây gửi xe gây ùn ứ cả khu vực. “Sau khi ban ngành chức năng Hà Nội ra quân đòi lại vỉa hè thì tình trạng “khát” chỗ gửi xe trở nên trầm trọng. Trong khi đó, việc quy hoạch các bãi gửi xe thì cứ bàn mãi mà chẳng triển khai. Vô hình chung, lợi ích của cộng đồng bị “nhường chỗ” cho lợi ích của doanh nghiệp khai thác điểm trông giữ xe. Thực trạng này khiến không gian ở nhiều khu vực đường ngõ của cư dân bị quá tải, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông”, ông Hoàng Văn Long, một cán bộ về hưu tại phố Duy Tân cho biết.

Bài toán chờ đáp án?

Nhiều bãi đỗ xe quây kín cụm chung cư tái định cư của phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) khiến giao thông ùn ứ.

Nhiều bãi đỗ xe quây kín cụm chung cư tái định cư của phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) khiến giao thông ùn ứ.

Theo ước tính, tại Hà Nội có hơn 500.000 ô tô, chưa kể số lượng xe của ngoại tỉnh hằng ngày ra vào thành phố. Con số thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, các bãi đỗ xe hiện nay mới chỉ đáp ứng được từ 10 đến 15% nhu cầu của người dân, do đó việc “đỏ mắt” để tìm một chỗ gửi xe hiện nay chuyện dễ nhận thấy ở Hà Nội. Trước thực trạng thiếu hụt về quỹ đất cho các bãi đỗ xe tập trung, việc các đơn vị khai thác điểm đỗ xe “tận dụng” mọi khoảng trống để kinh doanh đang khá phổ biến. Cùng với đó là sự nhốn nháo trong việc hình thành, hoạt động của không ít bãi xe không phép mà vừa qua cơ quan chức năng đã rà soát, phát hiện, xử phạt, bãi bỏ.Với thực trạng này, nếu không có một bài toán tổng thể để giải quyết vấn đề bãi đỗ xe thì tình trạng dẹp chỗ này, “phình” chỗ kia sẽ khó chấm dứt.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giao thông đô thị Phan Hùng Sơn cho rằng, dù hoạt động trông giữ xe mang lại lợi nhuận cao nhưng rất hiếm đơn vị, doanh nghiệp đầu tư bài bản, quy củ. Có vẻ như, nó càng lộn xộn, càng bát nháo thì tình trạng thất thu cho nhà nước càng cao và các đối tượng làm ăn gian dối càng dễ bề kiếm chác. “Theo phân cấp mà thành phố quy định, hầu hết các điểm trông giữ xe dưới lòng đường do Sở GTVT cấp phép, trừ một số tuyến giao về cho quận, huyện quản lý. Còn thẩm quyền cấp phép trông giữ xe trên vỉa hè thuộc về UBND các quận, huyện. Dường như cơ quan chức năng chỉ cấp phép mà hậu kiểm chưa sát sao nên các điểm trông giữ xe vẫn còn nhộm nhoạm”, ông Phan Hùng Sơn nói.

Đối chiếu với quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe trong địa bàn TP Hà Nội trong thời gian vừa qua, ông Sơn cho rằng: “Dù đơn vị lập dự án đã đầu tư nhiều chi phí, thời gian nghiên cứu cũng như tập hợp ý kiến của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực, tiếc rằng quy hoạch ấy chưa được triển khai nghiêm túc, vì thế đến nay, việc tính toán dành 2 -2,5% diện tích xây dựng đô thị cho bãi đỗ xe chỉ là số liệu đẹp trên giấy”.

Đánh giá về sự quá tải của phương tiện cơ giới trên địa bàn Hà Nội, ông Phạm Hoài Chung - Giám đốc Trung tâm phát triển giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược phát triển GTVT) cho biết, hiện tại quỹ đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội chỉ tăng khoảng 3,9%/năm về chiều dài và 0,25% về diện tích mặt đường. Với số lượng phương tiện cơ giới tăng như hiện nay, nếu chỉ tính 60% số lượng phương tiện của TP Hà Nội lưu thông thì diện tích mặt đường vượt quá 236% khả năng cho phép. Do vậy, ông Chung cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa các điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố là rất cần thiết. Đây cũng là công nghệ được các nước trên thế giới, các đô thị lớn ứng dụng từ lâu.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, để đầu tư một điểm trông giữ xe hiện đại, văn minh đòi hỏi chi phí cao và đặc biệt là phải mất 20-30 năm mới thu hồi được vốn nên rất ít doanh nghiệp mặn mà. Thực tế là trong nhiều năm qua, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao tiềm năng của dịch vụ trông giữ xe tại Hà Nội nhưng khi vào cuộc, khảo sát kỹ hơn, họ đã bỏ cuộc.

Cao Tuân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget