Người thầy lớn rất đỗi tự hào của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Sáng 30/3, Bộ Y tế tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS Hoàng Đình Cầu, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế (giai đoạn 1971-1990).

Phát biểu tại đây, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, bà tự hào vì được học tập và làm việc tại Trường Đại học Y Hà Nội trong thời kỳ GS Hoàng Đình Cầu là hiệu trưởng (giai đoạn 1985-1989).

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa cho gia đình cố Giáo sư Hoàng Đình Cầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa cho gia đình cố Giáo sư Hoàng Đình Cầu.

GS Hoàng Đình Cầu (1917 - 2005) tốt nghiệp nội trú năm 1944, xuất phát điểm là nhà ngoại khoa, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật lồng ngực, đặc biệt là phẫu thuật phổi. Tuy nhiên, sau đó, GS Hoàng Đình Cầu lại đi sâu vào vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu, y - xã hội học và y tế cơ sở. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đó là chuỗi hoạt động của một con người vừa là nhà khoa học, vừa là nhà giáo, thầy thuốc, vừa là nhà quản lý xuất sắc.

 GS Hoàng Đình Cầu tại phòng làm việc ở nhà. Ảnh chụp vào tháng 6/2005. Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình: V.Thu

GS Hoàng Đình Cầu tại phòng làm việc ở nhà. Ảnh chụp vào tháng 6/2005. Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình: V.Thu

Liên hệ với thực tiễn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, trong thời gian qua, ngành Y tế không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, đặc biệt là đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh được thực hiện quyết liệt.

Theo Bộ trưởng, đây chính là y đức trong cuốn sách cùng tên mà thầy Hoàng Đình Cầu là người biên soạn và là cuốn sách “nằm lòng” của rất nhiều thế hệ sinh viên.

"Nỗ lực của ngành y tế trong thời gian qua chính là hiện thực hóa những quan niệm về y đức mà thầy đã viết cách đây nhiều thập kỷ" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng chăm sóc sức khỏe ban đầu chính là xương sống để đảm bảo chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người dân, đây cũng là vấn đề mà ngành Y tế nhiệm kỳ này và thời gian tới tập trung đổi mới: Chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở gắn với mô hình y học gia đình, gắn với phòng khám bác sĩ gia đình. Ý tưởng này được GS Hoàng Đình Cầu trình bày trong một hội nghị quốc tế vào năm 1979.

"Khám chữa trong bệnh viện trên tháp cấu trúc chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm ở dưới là sức khoẻ, chất lượng cuộc sống, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, là y tế cơ sở, là mạng lưới bác sĩ khoa học y học gia đình và bác sĩ gia đình. Và ngành y tế sẽ phải tập trung vào điều này" – Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định, từ khi đất nước còn trong thời kỳ bao cấp thì GS Hoàng Đình Cầu đã đưa ra vấn đề bảo hiểm y tế. Và trong suốt thời gian qua, ngành y tế đang tiến tới lộ trình thực hiện bảo hiểm toàn dân (hiện nay đã đạt trên 80%).

Chỉ có bảo hiểm y tế toàn dân mới có nguồn tài chính vững bền để lo được cho người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi đúng như tâm nguyện của thầy Cầu: "Cả đời tôi tâm nguyện chỉ phục vụ cho những người nghèo khổ, những hoàn cảnh khó khăn và nạn nhân của chiến tranh".

88 năm cuộc đời, với hơn 60 năm y nghiệp, GS Hoàng Đình Cầu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, Danh nhân Y học Việt Nam; được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cùng nhiều huân chương, Huy chương và phần thưởng cao quý khác.

Tên tuổi của Giáo sư được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Vương quốc Anh) ghi vào Từ điển Tiểu sử quốc tế và Hội đồng xuất bản tiểu sử danh nhân Marquis (Hoa Kỳ) ghi vào tiểu sử danh nhân, ông là một trong số 65 thầy thuốc của thế giới được Tổ chức Thầy thuốc thế giới vinh danh (Caring Physicians of the wold).

Năm 1947, khi mới 30 tuổi, ông tham gia kháng chiến. GS Hoàng Đình Cầu đảm trách rất nhiều chức vụ như: Hiệu trưởng Trường Y sĩ Liên khu 3-4 (Trường Y đầu tiên của nước ta, giai đoạn 1949-1953), Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (1954-1955), Vụ trưởng Vụ Huấn luyện - Bộ Y tế (1959 - 1970), Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội (1985-1989), Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực đào tạo (1971-1990).

Ông từng là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam (nay là Tổng Hội Y học Việt Nam).

Ông được đánh giá là một trí thức lớn, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, đồng thời là một nhà khoa học giàu tài năng sáng tạo, một nhà lãnh đạo tận tâm, một thầy thuốc của nhân dân và vì nhân dân, được ví như “Lão thần trụ cột của ngành Y Việt Nam”.

Võ Thu

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget