Việt Nam trong tốp 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới

Trung tâm DS - KHHGĐ quận Thanh Xuân (Hà Nội) phối hợp Trung tâm Y tế quận tư vấn và khám sức khỏe cho NCT phường Khương Trung. Ảnh: Minh Hạnh

Trung tâm DS - KHHGĐ quận Thanh Xuân (Hà Nội) phối hợp Trung tâm Y tế quận tư vấn và khám sức khỏe cho NCT phường Khương Trung. Ảnh: Minh Hạnh

Rất sợ cô đơn, dễ mắc bệnh trầm cảm

Theo BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ, NCT rất dễ cảm thấy bị bỏ rơi và quên lãng vì sự cách biệt giữa các sinh hoạt thời trẻ và tuổi già.

Do sức khỏe giảm sút, dễ mắc bệnh mãn tính nên NCT thường sinh buồn bực, phiền não, tâm lý sống thừa. Sự suy giảm trí nhớ, giác quan khiến NCT khó hoặc chậm nhận biết sự việc nên thấy mình yếu kém, lạc lõng, tâm lý tự ti an phận. Họ cảm thấy cuộc sống hiện tại khó hòa hợp, dễ tủi thân, ngại giao tiếp, gây tâm lý cô đơn. Từ chỗ mất đi những khả năng đã có như không thể lái xe, không tự nấu ăn, không tự chăm sóc vệ sinh cơ thể… NCT phải lệ thuộc vào người khác nên lo lắng quá độ và lúc nào cũng đòi hỏi con cái quan tâm, chăm sóc. Họ rất dễ gắt gỏng khi con cái bê trễ trong việc đáp ứng những nhu cầu của mình. Vì vậy, con cái cần cư xử một cách tế nhị nhằm tránh làm các cụ có cảm giác bị hắt hủi hay ngược đãi.

Tất cả những lý do trên khiến NCT bắt đầu cảm thấy mình không còn có ích như trước và trở nên lo lắng quá độ nên có những xáo trộn tâm lý như phát bệnh trầm cảm hoặc trở nên lo lắng hay đa nghi.

Theo kết quả Điều tra Quốc gia về NCT năm 2011 cho thấy, hơn 60% số NCT có tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc. Các bệnh mãn tính thường gặp ở NCT là bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, tắc nghẽn mạch phổi, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ... phải điều trị suốt đời. Bên cạnh đó, già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi về hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống... và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe. NCT đang phải đối diện gánh nặng “bệnh tật kép” và các bệnh mãn tính, cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời.

“Lòng tự trọng của NCT dễ bị tổn thương; NCT dễ tủi thân, cáu kỉnh vô cớ, hờn dỗi; cảm giác hụt hẫng lúc về hưu; sự cô đơn và mong được quan tâm chăm sóc... Nhìn chung NCT có những thay đổi tâm lý phần lớn thuộc về tâm lý tiêu cực. Vì vậy, đối với NCT cần phải chú ý giữ gìn và bồi dưỡng tâm lý tích cực, duy trì sự lành mạnh về tâm lý. Người thân và những người chăm sóc NCT cần có được sự hiểu biết về những thay đổi sinh lý, tâm lý và đặc điểm bệnh lý ở NCT để chăm sóc sức khỏe NCT một cách tốt nhất”, BS Mai Xuân Phương nói.

Ứng phó với thách thức của xã hội già hóa

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục DS - KHHGĐ (Bộ Y tế), Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy, thời gian quá độ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ở Việt Nam là 15 năm. Theo ước tính NCT ở nước ta hiện khoảng 10 triệu người, dự báo đến năm 2050, số NCT này sẽ tăng lên 32 triệu người, đưa nước ta trở thành quốc gia “siêu già” trên thế giới. Điều này sẽ tạo ra những thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững của quốc gia và nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe NCT.

Để ứng phó với một xã hội già hóa, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025”. Mục tiêu của Đề án nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT, thích ứng với giai đoạn già hóa dân số góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đề án được coi là một giải pháp kịp thời nhằm chăm sóc sức khỏe NCT, góp phần phát huy vai trò NCT, ứng phó những thách thức của một xã hội già hóa. Theo đó, các giải pháp, nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu chú trọng vào các nội dung: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho NCT; xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT; hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe NCT.

Nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ của Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 đã được phê duyệt, Bộ Y tế vừa có Công văn số 1439/BYT-TCDS (ngày 24/3/2017) kèm theo Hướng dẫn xây dựng Đề án/kế hoạch hoạt động đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện Đề án một cách hiệu quả nhất.

Đề án “Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025” được triển khai trên toàn quốc, gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tập trung triển khai ở các tỉnh thành phố có tỷ lệ NCT cao; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; NCT có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn.

Đề án được thực hiện từ 2017 đến 2025 và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2017 – 2020 tập trung chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng. Giai đoạn 2 từ 2021-2025 sẽ tổng kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của Đề án đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT...

Những nội dung chính trong Công văn số 1439/BYT-TCDS

Công văn số 1439/BYT-TCDS (ngày 24/3) của Bộ Y tế gửi các địa phương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện những nội dung công việc sau:

1. Chỉ đạo Sở Y tế (đầu mối là Chi cục DS-KHHGĐ) phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng Đề án/kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện (nội dung hướng dẫn xây dựng Đề án được gửi kèm theo).

2. Bố trí kinh phí của địa phương để thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và theo đúng qui định của Luật ngân sách Nhà nước.

3. Tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án sau khi được phê duyệt, trong đó giao Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ):

4. Là cơ quan chủ trì thực hiện, quản lý và điều phối thực hiện Đề án; phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

5. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả các hoạt động của Đề án với các hoạt động của các Chương trình/Dự án của Hội Người cao tuổi, Sở LĐTB&XH và các ngành khác có liên quan đang thực hiện trên cùng địa bàn đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Công văn đề nghị UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện Đề án của địa phương nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi.

Mai Anh



Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget