Bố anh Lê Văn Ba (thứ hai từ trái qua) cùng người thân mong ngóng điều kỳ diệu sẽ đến với con trai. Ảnh: Ngọc Hưng
Chuyến đi định mệnh
Chúng tôi tìm đến thôn 8, xã Nga Thiện sau khi nhận được thông tin về 4 thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu Hải Thành 26 ở Vũng Tàu. Một không khí buồn đau bao trùm lên xóm nhỏ nghèo khó nhất nhì của xã Nga Thiện. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp của gia đình ông Lê Văn Viên (SN 1962) - bố của thợ máy Lê Văn Ba (SN 1994) tiếng khóc bi thương của người thân cứ văng vẳng. Anh Ba là một trong 9 thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu Hải Thành 26. Trưa 28/3, khi đọc tin có một chiếc tàu vận tải bị chìm trên hải trình từ Hải Phòng đi Cần Thơ trên các trang báo điện tử, ông Viên nghĩ có chuyện chẳng lành nên đã gọi điện thoại điện cho con. Nhưng khác với những lần gọi điện trước, tổng đài báo số thuê bao của anh Ba không liên lạc được…
Nuốt nước mắt vào trong, ông Viên kể, sau khi học xong lớp 12, anh Ba học cao đẳng cơ khí ở Hà Nội. Tốt nghiệp chưa xin được việc làm nên anh cùng anh Kiên (người hàng xóm) đi làm thợ máy trên tàu Hải Thành 26. “Ba đi từ tháng 11 năm ngoái đến Tết thì mang về cho gia đình được 4 triệu đồng. Hết Tết, Ba đi hôm mùng 9 tháng Giêng. Đấy là chuyến thứ ba kể từ ngày Ba làm thợ máy cho tàu Hải Thành 26. Trước khi xảy ra tai nạn 2 ngày, Ba có gọi điện về nhà hỏi thăm sức khoẻ mọi người trong gia đình. Ba cũng thông báo là tàu vận tải chở hàng hóa từ Hải Phòng đi Cần Thơ, khoảng mấy ngày nữa là sẽ chở gạo ngược ra Hải Phòng rồi cùng với Dương (bạn cùng tàu và cũng là hàng xóm) về thăm gia đình. Ấy vậy mà…”, ông Viên nghẹn lời.
Ở sát vách nhà thuyền viên Lê Văn Ba, gia đình thuyền viên Mai Văn Dương cũng đang ngóng tin từng giờ, cầu mong có một điều thần kỳ sẽ tới. Anh Dương và anh Ba là bạn thân, tốt nghiệp nghề điện tử ở Hà Nội nhưng chưa xin được việc làm nên anh theo các anh em, bạn bè trong xóm đi làm tàu vận tải biển. Biết tin con trai đang mất tích, bà Nghiêm Thị Thuận khóc miết. Bà Thuận nghẹn lời cho biết, anh Dương là con thứ hai trong gia đình. Vốn là người nhanh nhẹn lại chịu khó nên anh không ngại bất kỳ việc gì, bởi thế nên khi anh Kiên (người cùng xóm) rủ đi tàu biển Dương đã đồng ý đi ngay.
Bà Thuận nghẹn ngào: “Khi nghe tin Dương mất tích, tôi bàng hoàng. Gia đình nghèo khó nên cũng không thể vào với con nhanh được. Đến chiều qua, công ty nơi Dương làm việc gọi điện nói là đã mua vé cho người thân vào Vũng Tàu nên gia đình đã cử người thím của Dương đi vào đấy để chờ tin. Tôi cầu mong điều thần kỳ sẽ đến với Dương và các anh em trên tàu…”.
Những dự định còn dang dở…
Chị Lê Thị Mạnh bế con trai con nhỏ thất thần kể từ khi nghe tin dữ về người chồng Nguyễn Trường Đại.
Căn nhà nhỏ còn nguyên mùi sơn mới của gia đình anh Nguyễn Trường Đại (SN 1982) mấy ngày qua luôn có người ra vào thăm hỏi. Anh Đại là thuỷ thủ trên tàu Hải Thành 26 bị chìm rạng sáng 28/3. Mấy ngày nay, nghe tin chiếc tàu của chồng mình bị chìm, chị Lê Thị Mạnh (SN 1988, vợ anh Đại) không ăn, không ngủ, người gầy rộc đi. Chị Mạnh và anh Đại nên duyên vợ chồng đã được 6 năm và có một con trai 4 tuổi. Vì kinh tế gia đình khó khăn, vợ yếu, con đang còn nhỏ lại hay phải đi viện chữa bệnh nên anh Đại phải một mình bươn chải lo cho cuộc sống gia đình.
Đi làm xa nhưng có thời gian là anh lại nhanh chóng bắt xe về nhà. Mới đây, anh về lắp cho vợ con cái cổng sắt ngoài ngõ rồi lại tất bật lên đường, bắt xe ra Hải Phòng cho kịp giờ xuất bến. “Ngày nào cũng vậy, dù bận rộn vợ chồng tôi cũng liên lạc 2 lần. Trước hôm xảy ra tai nạn, anh gọi về thông báo sắp được nhận lương. Anh cũng nói, tháng lương lần này không đủ để trả nợ làm nhà nhưng sẽ mua cho mẹ tôi một chiếc xe đạp để tiện đón cháu (con trai vợ chồng anh Đại) mỗi lúc đến trường, vậy mà giờ anh đang ở đâu…”, giọng chị Mạnh đứt quãng.
Vẻ mặt chị Mai Thị Vân (SN 1981, vợ anh Vũ Thế Kiên - sỹ quan máy trên tàu Hải Thành 26) thất thần. Định hình hồi lâu chị mới có thể nhớ lại phút giây chị nhận hung tin từ bạn của chồng về việc tàu của anh Kiên gặp nạn. Chị không tin vào những gì mình nghe. Chỉ đến khi chị nghe chính quyền thông báo đổ sụp, như quặn thắt đớn đau.
Kết hôn với chị Vân xong, anh Kiên đi học ở trường hàng hải với ước mơ “cưỡi” tàu biển, lướt trên những con sóng để ngắm nhìn biển lớn. “Anh ấy nói đến mùng 4/3 âm lịch này anh sẽ về để sang mộ cho ông nội. Lo việc cho ông xong anh ở nhà với mẹ con một vài ngày rồi mới đi. Ấy thế mà, trời không chiều lòng người, mai là đến ngày sang mộ cho ông nội rồi mà giờ không biết anh sống, chết thế nào. Nếu chẳng may điều xấu đến thì ai sẽ cùng tôi nuôi các con khôn lớn”, chị Vân nức nở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Duy Ly - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nga Thiện cho biết, 4 thuyền viên trên địa bàn xã hiện mất tích tuổi đời còn rất trẻ. Trong đó, 2 thuyền viên con còn nhỏ, gia cảnh rất khó khăn; 2 thuyền viên còn lại chưa lập gia đình, mới tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, những dự định trong tương lai còn dang dở. Sau khi nhận được thông tin đau xót trên, UBND xã đã vào thăm hỏi động viên các gia đình. Ông Ly cho biết: “Chúng tôi đã cử người các ban ngành đoàn thể đến hỏi han, giúp việc cho gia đình. Đồng chí Bí thư Huyện uỷ cũng đã đến chia sẻ, động viên các gia đình có người đang gặp nạn. Sau khi có kết quả tìm kiếm, UBND xã sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể. Dù hy vọng sống sót hết sức mong manh nhưng tôi vẫn mong điều diệu kỳ sẽ đến với các thuyền viên tàu Hải Thành 26”.
Đêm 27/3 tại vùng biển có tọa độ 10 độ 18,9 phút vĩ độ Bắc, 107 độ 45,6 phút kinh độ Đông, cách mũi Vũng Tàu khoảng 43 hải lý về phía Đông, tàu Hải Thành 26 có 11 thuyền viên đang di chuyển thì va chạm với tàu khác, sau đó chìm nhanh xuống biển. Sau khi vụ việc xảy ra, tàu Petrolimex 14 của Trung tâm 3 đang hoạt động gần đó nhận được tin báo đã đến hiện trường hỗ trợ và cứu được 2 người là thuyền trưởng Nguyễn Viết Thắng và sĩ quan boong Hoàng Tiến Khôi. Sau 2 ngày tìm kiếm, chiều 30/3, thi thể anh Lương Văn Quỳnh - Đại phó tàu Hải Thành 26 được tìm thấy.
Ngọc Hưng
Đăng nhận xét