“Bí quyết” xã hội hóa công tác dân số

Việc xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ đã góp phần giúp cho nhiều phụ nữ được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn. Ảnh: P.V

Việc xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ đã góp phần giúp cho nhiều phụ nữ được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn. Ảnh: P.V

Nỗ lực của ngành Dân số

Để doanh nghiệp đồng hành cùng ngành DS-KHHGĐ nhằm gia tăng nguồn lực phục vụ người dân luôn là bài toán không dễ tìm đáp án. Vì vậy, dù chủ trương kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực Y tế - Dân số tại TPHCM được khởi động từ trước năm 2010, nhưng đến năm 2011, Chi cục DS-KHHGĐ địa phương này mới lần đầu tiên tiếp nhận nguồn lực ngoài ngân sách từ Công ty CP Dược phẩm Hoa Linh. Nguồn lực mà Hoa Linh đồng hành từ thời điểm đó tới nay là những sản phẩm thân thiết với chị em phụ nữ và nếu “quy ra thóc” là không hề nhỏ.

Theo ông Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, mỗi năm Hoa Linh hỗ trợ quà tại hai sự kiện lớn của ngành mà Chi cục tổ chức với 1,6 triệu phần quà (trị giá 50.000 đồng/phần), bên cạnh đó là nhân bản 1,2 triệu tờ rơi phục vụ truyền thông dân số. “Riêng với Phòng khám SKSS-KHHGĐ miễn phí của Chi cục, mỗi năm Hoa Linh hỗ trợ 10-15 triệu đồng tiền mặt, tặng 23.500 phần quà đến nữ công nhân, sinh viên trong các cuộc truyền thông và khám lưu động, mỗi phần quà cũng trị giá 50.000 đồng. Nguồn lực mà Hoa Linh tiếp sức đã giúp Chi cục tổ chức chăm lo ngày càng hiệu quả tới nữ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Yến nói.

Đến năm 2015, một nguồn lực mạnh mẽ khác cả về tài chính lẫn chuyên môn y tế, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang tiếp tục hòa vào dòng chảy xã hội hóa công tác DS -KHHGĐ của TPHCM. Với nguồn lực mới này, cả tiền mặt lẫn dịch vụ y tế mà Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang tiếp sức (năm 2015 là 1 tỷ đồng, năm 2016 hơn 3,9 tỷ đồng), Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM đã triển khai hàng loạt hoạt động thiết thực cho người dân tại khắp các quận/huyện.

“Ngoài các buổi nói chuyện chuyên đề về tầm soát u xơ tử cung và ung thư cổ tử cung, phòng chống đột quỵ cho người cao tuổi tại 12 quận/huyện… ngành Dân số và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang còn tổ chức kiểm tra sàng lọc, hỗ trợ điều trị u xơ tử cung miễn phí cho phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn lực đến từ đơn vị này còn giúp Chi cục trao tặng 50 máy đo đường huyết cho các tổ chức tình nguyện viên tham gia chăm sóc người cao tuổi già yếu, neo đơn…”, ông Phạm Chánh Trung, Phó phòng Dân số, Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM cho hay.

Theo chia sẻ của ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, lĩnh vực này gặp vô vàn khó khăn trong việc kêu gọi doanh nghiệp chung tay chung sức. Vì vậy, tập thể lãnh đạo Chi cục DS- KHHGĐ đã nỗ lực kêu gọi xã hội hóa theo hướng ưu tiên tập trung vào mối quan hệ với các doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm phù hợp với ngành.

“Để đi đến quyết định hợp tác theo hướng xã hội hóa thì phía Chi cục phải thuyết phục được doanh nghiệp lợi ích hài hòa và lâu dài khi tham gia phục vụ cộng đồng. Điều này không hề dễ dàng chút nào”, ông Trị chia sẻ về cả khoảng thời gian dài nỗ lực tìm kiếm nguồn lực ngoài ngân sách. “Tuy nhiên, những ngày qua đã có nhiều tín hiệu vui cho thấy, bài toán thu hút xã hội hóa hoạt động DS-KHHGĐ tại TPHCM sắp có lời giải”, ông Trị phấn khởi thông tin.

Hiệu ứng “hữu xạ tự nhiên hương”

Mới đây, Tổ chức Sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) đã chủ động tìm đến Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM nhằm hỗ trợ đơn vị này có thêm nguồn lực phục vụ hoạt động truyền thông và phòng tránh thai ở nữ giới. Đây thực sự là tín hiệu vui đối với bài toán thu hút xã hội hóa hoạt động DS-KHHGĐ tại TPHCM. Sự chủ động của SCDI, theo cách nào đó đã phản ánh hiệu quả hoạt động của ngành Dân số địa phương này trong thời gian qua, đã thực sự tạo hiệu ứng “hữu xạ tự nhiên hương”.

Một tín hiệu vui khác còn được ông Trần Văn Trị chia sẻ: “Một số doanh nghiệp đã lên tiếng sẽ tham gia hoạt động xã hội hóa cùng Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM trong năm 2017. Hiện, phía Chi cục và các doanh nghiệp đang thảo luận một số vấn đề liên quan để tiến tới quyết định cuối cùng. Hy vọng năm 2017, bên cạnh những doanh nghiệp đã đồng hành cùng Chi cục như Hoa Linh, Phúc An Khang, SCDI mà chúng tôi đang gắng duy trì sự hợp tác, sẽ có thêm doanh nghiệp khác đồng hành”.

Rõ ràng, nỗ lực duy trì sự hợp tác của Công ty CP Dược phẩm Hoa Linh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang từ phía Chi cục đã tạo hiệu ứng rất tốt trong cộng đồng. Theo ông Trần Văn Trị, nỗ lực khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đến từ các đơn vị là để giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế (công nhân, cư dân nhập cư…) thụ hưởng chế độ an sinh xã hội tốt hơn.

Ông Hồ Thành Trí, Giám đốc bộ phận sự kiện thuộc Công ty CP Dược phẩm Hoa Linh chia sẻ: “Hơn 5 năm, giữa Hoa Linh và ngành DS-KHHGĐ TPHCM có mục tiêu chung là nỗ lực chăm lo cộng đồng. Đồng hành với các hoạt động này, chúng tôi đã góp phần giúp cho nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, được hỗ trợ thiết thực trong cuộc sống. Sắp tới, chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng ngành Dân số thành phố với nhiều sự thay đổi trong hoạt động sao cho thiết thực hơn nữa”.

"Nối dài cánh tay phục vụ cộng đồng"

ThS.BS Mai Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang chia sẻ: “Đồng hành cùng lĩnh vực Dân số suốt thời gian qua tại TPHCM là sự “nối dài cánh tay phục vụ” của đơn vị đến với cộng đồng. Hiện các hoạt động phối hợp chăm lo sức khỏe người dân có hoàn cảnh khó khăn, người già có hoàn cảnh neo đơn, các cuộc truyền thông về Y tế - Dân số… giữa hai đơn vị vẫn đang diễn ra. Phối hợp cùng nhau, chúng tôi đều vươn xa hơn trong hoạt động chuyên môn của mình. Trong khi chúng tôi tiếp thêm nguồn lực tài chính, dịch vụ y tế kỹ thuật cao giúp Chi cục thì ngược lại, phía Chi cục cũng giúp chúng tôi tiếp cận nhanh và nhiều người hơn, hiệu quả hơn”. Với sự chung tay, chung sức bằng cả tấm lòng vì cộng đồng của những đơn vị tiên phong gắn kết với Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, cùng với những tín hiệu vui từ nhiều doanh nghiệp khác đã được lãnh đạo Chi cục thông tin, chắc chắn bài toán xã hội hóa nguồn lực sẽ được ngành Dân số TPHCM tìm ra đáp án hợp lý nhất.

Thanh Giang



Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget