Sáng 30/11, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp tổ chức lễ mít tinh truyền thông phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam năm 2016.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.
Trung bình, mỗi nước mất từ 04-1,6% GDP quốc gia cho phòng chống kháng thuốc. WHO nhận định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.
Đại diện WHO nhấn mạnh, nếu không có những hành động cụ thể để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh , thì tới năm 2050, mỗi năm sẽ có 10 triệu người chết vì các loại siêu vi khuẩn, tăng đáng kể so với con số 700.000 người một năm hiện nay và cao hơn số người tử vong vì ung thư, tiểu đường, tiêu chảy hay tai nạn giao thông.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Lễ mít tinh. Ảnh: T.Dũng
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại, làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị. Tại nước ta, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo, đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới. WHO xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.
Cũng theo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thực trạng kháng thuốc kháng sinh như trên là do nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc còn hạn chế, sử dụng kháng sinh ngay cả khi không có chỉ định.
Mặt khác, do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sĩ, người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Không ít dược sĩ bán thuốc không đúng quy định. Còn bác sĩ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp hoặc lạm dụng kháng sinh đắt tiền, thế hệ mới.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế, sử dụng thuốc hợp lý và an toàn trong cả khám chữa bệnh, trồng trọt và chăn nuôi, kế hoạch phòng chống kháng thuốc thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc chứ không chỉ riêng ngành y tế.
Võ Thu
Đăng nhận xét