Nhiều khu vực xả rác bừa bãi dù đã có biển cấm. Ảnh: Chí Cường
Có thể phạt 7 triệu đồng/lần vứt rác bừa bãi
Từ ngày 1/2/2017 tới, các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt nặng. Đây là những quy định mới trong nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt rất cao. Trong đó, phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, các điểm thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt từ 5.000.000 - 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Với các mức trên cho thấy, mức phạt các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường đã tăng cao so với nghị định cũ được ban hành năm 2013.
Thẩm quyền xử phạt các hành vi nêu trên theo quy định trong nghị định 155/2016 là Chủ tịch UBND cấp xã phường, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh, người đứng đầu lực lượng Công an nhân dân các cấp, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Lực lượng thanh tra chuyên ngành của Bộ TN&MT. Ngoài ra, theo điều 51 thì lực lượng được xử phạt còn có: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thanh tra chuyên ngành thủy sản, Quản lý thị trường, Thuế, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa có quyền xử phạt theo thẩm quyền.
Chỉ đứng ra "xử" khi có "điểm nóng"
Khu vực các bến xe, các điểm công cộng là nơi thường diễn ra hành vi phản cảm như tè bậy, vứt rác bừa bãi. Những hành vi này đã gây ra hậu quả nhãn tiền về ô nhiễm môi trường mà việc xử phạt hành vi phản cảm nêu trên của lái, phụ xe, hành khách thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND, Trưởng công an phường, xã, huyện. Giám đốc BX Mỹ Đình, ông Nguyễn Quốc Uy cho biết, việc đảm bảo vệ sinh công cộng tại khu vực bến xe rất quan trọng. Ngoài việc tạo ra không gian sạch, việc đảm bảo vệ sinh nơi đây còn giúp ngăn ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm vì là nơi lưu thông của nhiều người đến từ nhiều vùng miền, khu vực khác nhau trên phạm vi lớn. Để đảm bảo vệ sinh, khi bến xe ký hợp đồng phục vụ đối với các nhà xe đều có điều khoản yêu cầu chấp hành việc bảo vệ môi trường. Lái, phụ xe nào xả rác, “tè bậy” mà bị bắt sẽ phải đối diện với hình phạt từ chối phục vụ, không cho xe vào bến.
“Bến xe không có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính người vi phạm, tuy nhiên, nếu ai vứt rác, vệ sinh bừa bãi mà camera hoặc lực lượng giám sát phát hiện thì sẽ phải chịu hình thức khắc phục hậu quả. Họ sẽ phải nhặt, thu gom, mua nước và dụng cụ lau dọn sạch sẽ nơi xả rác, vệ sinh sai quy định. Ngoài hình thức này, các hành khách vi phạm sẽ bị công an chuyên trách túc trực tại bến xe xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền”, ông Uy cho biết.
Theo phân cấp xử lý vi phạm thì những người đứng đầu UBND cấp xã, phường là nơi gần dân nhất và là nơi sẽ xử phạt nhiều nhất. Tuy nhiên, khi tham khảo về việc xử phạt các hành vi này, một số lãnh đạo phường, xã cho rằng khó để làm triệt để vì không có lực lượng chuyên trách. Phường, xã chỉ đứng ra “xử” khi có “điểm nóng” và người dân bị ảnh hưởng “tố”. Về điểm khó này, Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty TNHH Luật Everest (Hà Nội) cho rằng, cấp xã phường không khó để xử việc xả rác, vệ sinh bừa bãi. “Tại sao nhiều nước trên thế giới họ làm được? Trong nước, một số tỉnh thành làm được như ở Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Theo tôi chỉ cần thay đổi cách làm, thay vì bố trí một lực lượng chăm chăm đi “rình” khắp ngõ ngách thì chỉ cần tuyên truyền, nhờ sự hỗ trợ, giám sát của người dân và có thể áp dụng cách giám sát qua hình ảnh rồi “phạt nguội”. Cấp phường, xã chỉ cần thu thập thông tin vi phạm và “xử điểm” một vài vụ. Thậm chí, cá nhân, hộ gia đình nào cố tình vi phạm nhiều lần thì có thể nêu tên trên hệ thống phát thanh, dán ảnh vi phạm lên bảng tin của khu dân cư thì sẽ sớm có biến chuyển, vì với những hành vi này phạt tiền không “uy lực” bằng “đánh” vào danh dự”, luật sư Phạm Ngọc Minh nói.
Không chỉ người dân vi phạm bị phạt mà tổ chức, cá nhân không bố trí nơi vệ sinh đúng quy định cũng bị phạt nặng. Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hoạt động quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, lễ hội, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác không có đủ công trình vệ sinh công cộng, phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định…
Minh Anh
Mức phạt “khủng” nhất lên đến 1 tỷ đồng
Phạt tăng thêm từ 40% đến 50% số tiền phạt so với mức phạt tiền tương ứng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp gây ô nhiễm môi trường hoặc có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường xung quanh; xả chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường. Cùng đó, hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông cũng sẽ bị phạt từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đăng nhận xét