Nữ tỷ phú đô-la duy nhất của Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú đôla tự thân duy nhất tại Đông Nam Á. Ảnh:Forbes
Đầu tháng 3 vừa qua, tạp chí Forbes vừa công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017 với tổng cộng 56 gương mặt (so với 42 người năm 2016). Trong đó, lần đầu tiên Việt Nam và Nhật Bản có một nữ tỷ phú.
Theo đánh giá của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (46 tuổi), Tổng Giám đốc hãng hàng không VietJet đang sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.
Bà Thảo là nữ tỷ phú đô-la đầu tiên của Việt Nam và cũng là nữ tỷ phú đô-la duy nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Quan điểm kinh doanh mới mẻ
Với CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, không có thành công nào đến dễ dàng
Lớn lên không thiếu thốn vật chất, đối với CEO Vietjet kiếm tiền chưa bao giờ là mục đích. Điều mà bà quan tâm là làm sao cho doanh nghiệp có chỗ đứng, sản phẩm làm ra chất lượng tốt cho người sử dụng, nhân viên được đãi ngộ tốt hơn.
Bà cho rằng mọi việc đã được đẩy đi như vậy, để mọi người cùng làm việc, cùng cống hiến. Vì vậy bà cho biết trở thành tỷ phú không phải là mục tiêu.
“Gần đây tôi bắt đầu phải làm quen với danh xưng tỷ phú. Thú thực tôi chưa quen. 30 năm làm doanh nhân, tôi chưa bao giờ đếm xem mình có bao nhiêu tiền, trở thành triệu phú hay tỷ phú từ lúc nào”, bà Thảo nói.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản ròng khoảng 1,7 tỷ đô la Mỹ
“Làm việc chăm chỉ có lẽ là thói quen đã ăn vào máu của tôi gần 30 năm nay. Đối với tôi, thách thức không phải đến từ cá nhân mình mà từ đội ngũ làm dự án.
Tôi phải động viên, phải hướng dẫn để mọi người có thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiếp thu những thông tin mới của thị trường quốc tế mà đưa vào dự án, nhẫn nại để cùng nỗ lực đi đến cùng”, bà kể về 800 ngày chuẩn bị thủ tục IPO cho Vietjet.
Kể từ khi IPO, cổ phiếu của Vietjet Air đã tăng tới 47%. Hiện hãng có tới 35 triệu khách hàng và 45 chiếc máy bay, thực hiện 300 chuyến bay/ngày với 63 đường bay trong nước và hàng chục chuyến bay quốc tế. Đồng thời, hãng cũng đạt được nhiều hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đô-la Mỹ.
Vietjet từng được Bloomberg gọi là ‘hãng hàng không bikini’, xuất phát từ sự kiện biểu diễn bikini trên máy bay nhân dịp khai trương đường bay đến Nha Trang năm 2012. Hoạt động này bị Cục hàng không phạt 20 triệu đồng vì hành vi biểu diễn bikini không xin phép.
“Mọi người gọi đó là chiêu marketing nhưng hoàn toàn là một tai nạn nghề nghiệp. Chúng tôi làm vậy vì muốn đưa đến thông điệp hành khách hay nhân viên của mình có quyền mặc theo cách mà người ta thích.
Người khác có thể thích hay không thích, nhưng tinh thần của chúng tôi là nếu mang lại niềm vui cho khách hàng thì mình cũng hạnh phúc”, bà Thảo trần tình sau 5 năm xảy ra tai nạn.
Tiểu sử bà Nguyễn Thị Phương Thảo khiến nhiều người thán phục và kính nể
Dù sự tăng trưởng của Vietjet khiến nhiều người phải ngỡ ngàng song với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tất cả đều nằm trong kế hoạch. Với bà, không có sự thành công nào đến một cách dễ dàng mà đó là kết quả từ quá trình lao động vất vả cùng đam mê đủ lớn.
Làm mọi việc bằng tất cả tinh thần của một doanh nhân khi về nhà
Ngoài điều hành Vietjet, bà Thảo cũng điều hành một loạt công ty khác trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đầu tư, địa ốc, năng lượng. Tuy nhiên, nữ tỷ phú đôla cho biết mình có được cách riêng để cân bằng công việc và cuộc sống. Đó là mang chất phụ nữ vào kinh doanh và mang những chuẩn mực công việc, kiến thức hàn lâm về nhà.
“Có thể mọi người nghĩ tôi là người rất bận rộn, nhưng tôi vẫn có lịch cuối tuần đi xem phim với đứa con lớn, tắm và bế ẵm đứa con bé. Tôi làm mọi việc bằng tất cả tinh thần của một doanh nhân khi về nhà. Cùng với đó là chất phụ nữ trong công việc.
Ngay cả những việc nghe có vẻ không phụ nữ lắm như hoạch định chiến lược hay quan hệ với các đối tác, định chế, tài phiệt, chính trị gia”, nữ tỷ phú đô-la kể về cuộc sống của mình và cho biết bản thân luôn nỗ lực gấp 3 bình thường để có thể vừa điều hành các doanh nghiệp vừa chu toàn các công việc thuộc về gia đình, xã hội.
“Là phụ nữ, mà là phụ nữ Á Đông, làm sao thì cũng phải hài hòa mong muốn của mẹ chồng, họ hàng bên chồng và gia đình mình. Làm sao cũng phải giữ được nề nếp văn hóa, nét ăn, nét ở, nét giao tiếp, từ những việc nhỏ nhất như nhớ các ngày quan trọng, quà cáp thế nào khi về quê. Mình cũng phải có đủ thời gian để làm mọi việc đó.
Khi làm thì còn phải làm bằng cái tâm, sự chân thành, hiểu biết và trân trọng với xung quanh. Tất cả đều cần sức khỏe và thời gian. Thôi thì hãy nỗ lực gấp 3 bình thường vậy”, bà Thảo kết luận.
Lily (t/h)
Đăng nhận xét