Người đưa yoga từ Ấn Độ về Việt Nam

Vài năm trở lại đây, bộ môn yoga ở Việt Nam được phát triển khá rầm rộ với nhiều trường phái khác nhau. Thế nhưng, với chị Nguyễn Thanh Hương, từ khi yoga còn chưa được số đông nhận diện thì chị đã là một trong 2 giáo viên người Việt đầu tiên ở Hà Nội có chứng chỉ về yoga của Ấn Độ. Cùng với đó, với cái gốc là một nghệ sĩ xiếc được học hành và đào tạo bài bản, chị Hương đã có những tìm tòi sáng tạo riêng khi kết hợp những tinh túy nhất của xiếc vào yoga, khiến cho bộ môn này dễ tập và mềm dẻo hơn.

Nghe chị Nguyễn Thanh Hương kể mới thấy, đam mê của chị với xiếc và yoga thật đáng nể mà nếu không có nghị lực, ý chí và tình yêu với nghệ thuật thì chị sẽ khó có động lực để theo đuổi.

Với 9 năm học tập tại Liên bang Nga, chị Hương từng đào tạo nên nhiều thế hệ học trò đạt thành tích cao ở các kỳ liên hoan quốc tế và trong nước

Với 9 năm học tập tại Liên bang Nga, chị Hương từng đào tạo nên nhiều thế hệ học trò đạt thành tích cao ở các kỳ liên hoan quốc tế và trong nước

Một may mắn với chị Nguyễn Thanh Hương là từng được học hỏi và trải nghiệm ở nhiều nước trên thế giới để trau dồi nghề nghiệp. Ngay từ khi còn trẻ, chị đã là một học sinh xuất sắc được cử sang Liên bang Nga học tập. Chín năm học tập ở nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật, ngay từ khi còn là sinh viên, chị đã đoạt giải thưởng mang tên Karandas với chuyên nghành Thăng bằng - Mềm dẻo. Về nước, chị được mời giảng dạy tại trường Xiếc Việt Nam nhưng bộ môn chị tham gia giảng dạy lại về erobic - khi đó cũng còn khá mới ở trong nước.

Dạy được hơn 1 năm, mối nhân duyên đưa chị đến với yoga thật tình cờ. Chị nhớ lại: "Tôi có một ông thầy là người Mỹ, biết tôi học xiếc, ông đã khuyên tôi rằng: "Xiếc có sự tinh túy trong vận động, mềm dẻo, linh hoạt trong động tác, em vận dụng cái gốc sẵn có của mình để học yoga". Câu nói của ông thầy người Mỹ đã khích lệ chị, khiến chị trăn trở và dẫn đến quyết tâm sang châu Âu tầm sư học đạo. Học được một thời gian, chị nghĩ, tại sao mình không học ở chính cái nơi sản sinh ra nó để lĩnh hội cả tinh thần và ý nghĩa của nó một cách đầy đủ nhất? Vậy là chị quay về Ấn Độ để học hỏi từ các chuyên gia yoga. Nghĩ lại đến giờ chị vẫn thấy mình quá liều, vì Ấn Độ tuy là cái nôi của yoga nhưng cũng là đất nước đầy rẫy những nguy hiểm với phụ nữ. "Có lẽ vì quá say nghề và tuổi trẻ thì luôn muốn được thử thách, mạo hiểm nên những nguy cơ khi đó không làm mình nản chí"- chị tâm sự.

Chị Nguyễn Thanh Hương và những ngày tháng học tập yoga tại Ấn Độ

Chị Nguyễn Thanh Hương và những ngày tháng học tập yoga tại Ấn Độ

Trở về nước, với chứng chỉ về yoga trong tay, chị Nguyễn Thanh Hương khá tự hào vì là một trong số ít những giáo viên ở Hà Nội có chứng chỉ về yoga của Ấn Độ. Sự khổ công rèn luyện đã không phụ công chị khi các lớp học do chị đứng lớp luôn đầy ắp học viên. Do yoga khi đó vẫn còn khá mới mẻ và thuộc hàng "sang chảnh" nên các lớp học của chị phần lớn được mở ở các trung tâm 5 sao và học viên phần lớn là người nước ngoài. Sau nhiều năm, yoga đã được phổ cập đến mọi tầng lớp, mọi đối tượng người dân nhưng với kiến thức chuyên sâu về yoga từ căn bản đến nâng cao, các lớp của chị vẫn chưa lúc nào "giảm nhiệt".

Các cơ sở của chị vẫn duy trì ở các trung tâm, tòa nhà văn phòng, các Đại sứ quán hay khách sạn lớn như Daewoo, Hanoi club, Sofitel Plaza, Summerset, Coco Village (Làng văn hóa Việt-Nhật), Rose Garden hay ở các CLB sức khỏe ở khu chung cư cao cấp... Bên cạnh đó, chị còn đảm nhiệm các lớp dạy nâng cao cho giáo viên yoga.

 Mỗi ngày, chị Nguyễn Thanh Hương lại miệt mài truyền đạt tình yêu yoga của mình với các học viên

Mỗi ngày, chị Nguyễn Thanh Hương lại miệt mài truyền đạt tình yêu yoga của mình với các học viên

Hỏi chị, với 17 năm kinh nghiệm, sao không mở một trung tâm cho riêng mình? Chị cười: "Cũng có nhiều người nói với tôi như vậy và nếu làm thì cũng không quá khó. Nhưng đảm đương nhiều thứ cùng lúc tôi sợ mình không chuyên tâm hết được. Mỗi ngày đứng vài lớp thế này tuy cũng khá mệt nhưng giống như tinh thần của yoga, tôi luôn tìm thấy niềm vui sống khi đứng lớp để truyền đạt niềm đam mê của mình cho các học viên. Còn hiện tại, tôi hạnh phúc khi được làm công việc mà mình yêu thích".

Dù đã là giáo viên yoga kỳ cựu nhưng với khát khao cháy bỏng, chị Nguyễn Thanh Hương vẫn dành quỹ thời gian ít ỏi của mình để cập nhật những kiến thức mới. Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ hè, trong lúc đồng nghiệp được nghỉ ngơi thì chị lại "xách balo lên và đi" để học nâng cao. Chị bảo, phải hi sinh thôi, vì kiến thức về yoga là vô cùng và luôn được cập nhật. Mới đây, chị vừa hoàn thành một khóa học mới ở Malaysia. Hiện tại, chị đang theo đuổi trường phái Yoga trị liệu.

Hiện chị Nguyễn Thanh Hương đang mở rộng các lớp dạy về yoga trị liệu

Hiện chị Nguyễn Thanh Hương đang mở rộng các lớp dạy về yoga trị liệu

Nói về yoga trị liệu, chị Nguyễn Thanh Hương cho biết: Yoga trị liệu hỗ trợ rất nhiều cho sức khỏe con người. Nhiều phương pháp và kiến thức mình đang tiếp tục nghiên cứu và theo học chưa được biết đến tại Việt Nam và đang được những nước phát triển ứng dụng trị liệu vài năm nay, đem lại hiệu quả rất cao.

Yoga theo nguồn gốc chữ Phạn nghĩa là “hợp nhất”, tức là sự kết hợp giữa thể xác với tâm trí, con người với vũ trụ. Khi tập trung cao độ, tâm trí sẽ tạm thời được giải phóng khỏi những lo âu, suy tính, áp lực trong đời sống hàng ngày. Tâm trí được nghỉ ngơi sẽ mang lại cho người tập một tinh thần thư thái, sảng khoái, cảm nhận về cuộc sống tươi đẹp hơn. Còn Yoga trị liệu là một phương pháp điều trị của khoa học, giúp điều trị và đầy lùi nhiều bệnh tật. Ngay cả người đang gặp vấn đề về vận động, xương khớp thì yoga trị liệu là một giải pháp hữu hiệu và ngày càng thu hút đông đảo các học viên tham gia. Tuy nhiên, chị Hương cũng khuyên rằng, với yoga trị liệu, thách thức nằm ở chỗ người tham gia cần phải có giáo viên giỏi về cả kiến thức và ứng dụng thực hành trong vận động với cơ thể, được hướng dẫn để học cách lắng nghe cơ thể và tôn trọng sức khỏe bản thân.

Không chỉ là giáo viên có tiếng trong lĩnh vực yoga, ở nghề tay phải là xiếc, chị Nguyễn Thanh Hương cũng đạt được những thành tích đáng nể. Trong vai trò là Trưởng bộ môn Thăng bằng, chị đã đào tạo nên nhiều thế hệ học sinh-sinh viên tài năng, từng gặt hái được nhiều thành tích tại các cuộc thi xiếc trong nước và quốc tế.

M.N

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget