Thiên tai khó lường, trên “nóng”, dưới “nguội”

Cơn bão số 1 và số 2 xảy ra tại Lào Cai vào tháng 8/2016 khiến13 người chết và mất tích. Trong ảnh là người dân bị cô lập do cầu dân sinh bị lũ cuốn trôi. Ảnh: C.T

Cơn bão số 1 và số 2 xảy ra tại Lào Cai vào tháng 8/2016 khiến13 người chết và mất tích. Trong ảnh là người dân bị cô lập do cầu dân sinh bị lũ cuốn trôi. Ảnh: C.T

Những con số đau lòng

264 người chết và mất tích, gần 5.500 ngôi nhà bị đổ, sập trôi, hơn 360.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, hơn 820.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 39.700 tỷ đồng… là những hậu quả nặng nề do thiên tai năm 2016 để lại. Cũng tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn diễn ra chiều 17/4, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho biết, trong năm 2016, thiên tai trên cả nước đã diễn biến vô cùng phức tạp, dồn dập từ đầu năm tới cuối năm, từ hạn hán, xâm nhập mặn đến mưa, bão thất thường.

Đặc biệt, hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016 mới chấm dứt. Đây được nhận định là đợt khô hạn, xâm nhập mặn kỷ lục trong vòng 90 năm qua tại Việt Nam, là nguyên nhân khiến nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng âm.

“Thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm sản xuất bị đình trệ, sức khỏe cộng đồng dân cư vùng thiên tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng và là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp bị tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016, làm giảm tăng trưởng quốc gia”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Xu hướng thiên tai ngày càng cực đoan, trong khi đó quy mô xã hội ngày càng lớn cả về dân số và nền kinh tế nên nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai phải nỗ lực rất lớn mới đáp ứng được yêu cầu. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong năm 2017, có khoảng 3-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Nền nhiệt trong cả năm 2017 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, đặc biệt ở phía Bắc. Lượng mưa trên cả 3 miền đều có xu hướng giảm và đến muộn, tại miền Bắc nhiều khả năng còn mất lũ tiểu mãn trên hệ thống sông Hồng, sông Lô…

Ông Nguyễn Xuân Cường nhận định, trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến khó lường thì công tác dự báo, cảnh báo còn nhiều hạn chế, các bản tin dự báo, cảnh báo chưa được cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Bộ máy phòng chống thiên tai tại các địa phương, bộ ngành phần lớn là kiêm nhiệm, nên công tác tham mưu hỗ trợ, chỉ đạo điều hành chưa đạt kết quả cao. Hơn nữa, ý thức chấp hành luật pháp trong phòng chống thiên tai tại một số cơ quan, tổ chức và người dân còn chưa cao dẫn đến nguy cơ rủi ro thiên tai gia tăng.

Vẫn còn lúng túng khi ứng phó với thiên tai

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 2016 là năm có nhiều thiên tai, kéo dài từ đầu đến cuối năm. Đây cũng là năm ghi nhận nhiều “kỷ lục” về thiên tai. “Đợt rét tháng 1/2016, 40 địa điểm được ghi nhận có tuyết, có nơi hàng trăm năm mới xuất hiện lại. Các cơn bão, đợt mưa hay hạn hán, xâm nhập mặn đều diễn biến phức tạp, trái mọi quy luật, khó dự báo. Điều này chứng tỏ hệ quả của biến đổi khí hậu đang hiển hiện”, ông Hải nói.

Theo đó, trong năm 2017, lũ ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện nhiều hơn nhưng đỉnh lũ tương đương năm 2016. Đỉnh lũ trên các sông Trung Bộ, Tây Nguyên tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2016. Khu vực Nam Bộ ít khả năng xuất hiện lũ sớm. Trước những dự báo trên, nhà chức trách khẳng định công tác dự báo khí tượng thủy văn trong năm 2017 sẽ chú trọng cảnh báo thiên tai.

Liên quan tới vấn đề phòng chống và ứng cứu thiên tai, đại diện văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho rằng, mặc dù thiên tai diễn ra hàng năm nhưng hiểu biết và nhận thức của người dân còn rất giản đơn và chủ quan. Đáng nói, từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố rất ráo riết, rất “nóng”, nhưng từ cấp quận, huyện trở xuống thì “nguội”. Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể còn hạn chế.

Đối phó với diễn biến thời tiết bất thường

TS.Ngô Quang Toàn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học và Công nghệ biển (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) chia sẻ: “Những năm gần đây thiên tai xảy ra ít hơn, tuy nhiên thiệt hại thì vô cùng nặng nề và diễn biến hết sức cực đoan. Ngay như Quảng Ninh – khu vực được đánh giá là tương đối an toàn vẫn xảy ra trận mưa lũ lịch sử với thiệt hại chưa từng có. Tại khu vực Ninh Thuận, dù hạn hán xảy ra trong thời gian ngắn nhưng độ khắc nghiệt thì chưa từng có. Hình thái thời tiết này chứng tỏ, thời tiết ngày càng diễn biến bất thường”.

Những thiên tai lớn trong năm 2016

- 10 cơn bão, 7 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn hẳn so với trung bình nhiều năm. Trong đó, 4 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

- 24 đợt không khí lạnh. Đợt không khí lạnh mạnh ngày 21/1/2016 ghi nhận nhiệt độ thấp kỷ lục trong 40 năm và gây ra mưa tuyết, băng giá diện rộng ở vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

- 22 đợt mưa lớn diện rộng trên cả nước. Tháng 10 đến 12/2016, mưa lớn dồn dập gây lũ lớn, ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh Trung Bộ.

- 5 đợt lũ trên các sông Bắc Bộ; 7 trận lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, đợt lũ quét và sạt lở do ảnh hưởng của bão số 2, 3 gây thiệt hại nghiêm trọng tại Lào Cai và Yên Bái.

- 16 đợt lũ trên các sông ở Miền Trung, Tây Nguyên. Lũ lớn, đặc biệt lớn xảy ra diện rộng và kéo dài, gây ngập lụt nghiêm trọng ở Trung Bộ.

Cao Tuân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget