Tài xế cán tử vong thiếu tá CSGT đối diện với hình phạt gì?

Liên quan đến vụ tài xế điều khiển xe tải cán chết thiếu tá CSGT Lê Quang Minh (41 tuổi, thuộc PC67, Công an tỉnh Đồng Nai), hiện cơ quan CSĐT - Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” và đang tiếp tục củng cố hồ sơ để điều tra hành vi sai phạm của lái xe Trần Mạnh Thống (25 tuổi).

Theo đó, tối 15/4, tại trạm thu phí cầu Đồng Nai, đoạn thuộc Km1872, tuyến quốc lộ 1 thuộc KP 10, phường An Bình, TP Biên Hòa, tổ tuần tra kiểm soát của Phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai đang làm nhiệm vụ đã chặn chiếc xe tải thùng do tài xế Thống điều khiển, chạy hướng ngã tư Vũng Tàu đi TP.HCM.

Khi tổ tuần tra kiểm soát ra hiệu lệnh dừng xe, Thống không chấp hành mà cho xe chạy tiếp. Thấy vậy, thiếu tá Lê Quang Minh đã đuổi theo.

 Hiện trường vụ việc. Ảnh: T.L

Hiện trường vụ việc. Ảnh: T.L

Khi đến trước trạm thu phí cầu Đồng Nai, thiếu tá Minh bắt kịp và yêu cầu tài xế dừng xe. Tuy nhiên, Thống tranh cãi với thiếu tá Minh rồi vẫn lái xe đi tiếp. Thiếu tá Minh bám vào gương chiếu hậu bên trái xe tải yêu cầu tài xế chấp hành thì không may trượt ngã rồi bị bánh sau xe tải cán chết.

Sau khi gây tai nạn, Thống chạy về phía cầu Đồng Nai rồi xuống sông lẩn trốn. Khoảng 30 phút sau, khi thấy vắng người, Thống lên bờ đến nhà người quen rồi ra trình diện công an.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Luật sư La Văn Thái – Giám đốc công ty Luật TNHH Tầm Nhìn & Thịnh Vượng cho biết, nếu người tham gia giao thông chủ động dùng phương tiện giao thông để tấn công, nhằm gây thiệt mạng cho người thi hành công vụ thì người lái xe sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS.

Còn nếu người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, cản trở, tấn công người thi hành công vụ thì có thể bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 BLHS.

 Trần Mạnh Thống tại cơ quan cảnh sát điều tra.

Trần Mạnh Thống tại cơ quan cảnh sát điều tra.

“Cần phải nói rằng các hành động không chấp hành, cản trở và chống người thi hành công vụ đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi này không được pháp luật cho phép, đồng thời cộng đồng cũng lên án. Ở đây các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ các tình tiết có liên quan để có hướng xử lý đúng đắn, tạo sự răn đe chung cho xã hội”, luật sư Thái cho hay.

Một vấn đề cũng được luật sư Thái đặt ra qua vụ việc đáng tiếc xảy ra đối với thiếu tá Minh là, cơ quan công an cần có những quy định cụ thể trong việc không truy đuổi đối với hành vi vi phạm giao thông chưa đến mức gây nguy hiểm, nghiêm trọng.

“Thực tế, việc truy đuổi các phương tiện vi phạm như ô tô tải này là rất nguy hiểm và cũng đã có nhiều trường hợp CSGT bị thương, thậm chí tử vong. Do đó, theo tôi, với những trường hợp vi phạm không quá nghiêm trọng, không gây nguy hiểm thì CSGT không nên truy đuổi mà nên dùng các biện pháp ghi, chụp lại, quay camera để phạt nguội sẽ tốt hơn”, vị chuyên gia pháp lý nêu rõ.

Điều 257 - BLHS: Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm".

Nhật Tân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget