Biết rõ vận chuyển "cái chết trắng" đồng nghĩa với mạo hiểm với tính mạng, nhưng vì tiền, nhiều chị em đã bất chấp dấn thân. Đến khi hối hận thì đã quá muộn, những kẻ ôm tiền "kếch xù" từ ma túy thì đã cao chạy xa bay, còn gánh tội sẽ trút lên phận đời những người xách thuê.
Hạnh bật khóc, mong muốn được giảm nhẹ hình phạt để sớm được về nuôi con.
Sáng 17/4, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với Ngô Thị Hạnh (SN 1983, Nghệ An) về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy.
Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt Ngô Thị Hạnh 15 năm tù giam. Do đang mang bầu tháng thứ 9, bị cáo cho biết “theo lịch thì vài ngày nữa sinh” nên được tạm hoãn thi hành án.
Theo cáo trạng, ngày 21/10/2016, Ngô Thị Hạnh nhận được điện thoại của một người đàn ông tên Sua, hẹn gặp ở cây xăng nằm trên đường tránh TP.Vinh. Sau cuộc gặp gỡ, Hạnh nhận lời vận chuyển ma túy với mức tiền công Sua hứa trả cho Hạnh sau khi hoàn thành nhiệm vụ là 10 triệu đồng.
Theo lời chỉ dẫn của Sua, Hạnh tới chỗ cất giấu ma túy để lấy hàng và đưa đến đến điểm hẹn nhưng không gặp được ai để trao hàng.
Đợi mãi không thấy người đến nhận, Hạnh đi vào một ngõ hẻm nhỏ gần đó và cầm gói ma túy gác trên tường rào một nhà dân, rồi tiếp tục đứng chờ. Cùng lúc này, tổ công tác thuộc Đội cảnh sát điều tra Công an TP. Vinh xuất hiện. Thấy vậy, Hạnh vội vàng vứt gói hàng vào phía trong tường rào nhằm phi tang nhưng bất thành.
Tại phiên tòa, Hạnh đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hạnh bật khóc cho biết "chỉ vài ngày nữa bị cáo sẽ sinh con", vì vậy mong muốn được giảm nhẹ hình phạt để sớm ra tù và nuôi 3 đứa con.
Được biết, Hạnh có chồng nhưng đã ly hôn và đang nuôi 2 đứa con nhỏ. Trước đó, Hạnh từng có 1 tiền án về tội Buôn bán trái phép chất ma túy.
Nguyễn Thị Lý và Trần Thị Thanh Lan sau phiên tòa phúc thẩm.
Trước đó, TAND TP.HCM và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xét xử hàng loạt vụ án "vận chuyển trái phép chất ma túy" đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo trong các vụ án phải lãnh mức án tù chung thân đến tử hình.
Được biết, năm 2011, Trần Thị Kim Chi gặp lại người bạn cũ tên Nguyễn Thị Hoàng Lan (48 tuổi, Bình Phước). Biết Lan gia cảnh khó khăn, Chi tỏ vẻ cảm thông, muốn giúp đỡ người bạn cũ. Chi giới thiệu để Lan được ra nước ngoài lấy mẫu quần áo, điện tử... cho "công ty" với khoản tiền công trên dưới 10 triệu đồng/lần.
Quanh năm không biết đến "mùi tiền", trong phút chốc được bạn giới thiệu ra nước ngoài mở mang kiến thức, lại được trả công hậu hĩnh nên Lan mừng như bắt được vàng.
Sau vài lần chuyển hàng với những hành tung mờ ám, sự im lặng khó hiểu, Lan biết rõ mình đã nằm trong đường dây vận chuyển ma túy. Nhưng vì thấy tiền kiếm được quá dễ, Lan vẫn lao vào như con thiêu thân.
Không chỉ tiếp tục con đường phạm tội, Lan còn giúp Chi kéo thêm Nguyễn Thị Lý đi vào vết xe đổ. Tương tự như Lan, Nguyễn Thị Lý cũng được Chi giúp đỡ, tạo "công ăn, việc làm" bằng việc ra nước ngoài xách linh kiện iPhone (thực chất là ma túy) sang nước thứ ba để kiếm tiền. Tuy nhiên, khi vụ việc bị phát hiện, Chi đã kịp thời cao chạy xa bay, trút lại tội lỗi cho 2 người đàn bà nghèo.
Trước tòa, thu mình trong phòng xử, sau khi nghe Tòa y án chung thân với Lý, y án tử hình với Lan, hai bị cáo như đổ quỵ
Trong làn nước mắt, Lý khẩn khoản: "Con bị cáo còn quá nhỏ, bị cáo không có tiền, thiếu hiểu biết nên mới hành động nông nổi. Bị cáo xin tòa xem xét cho bị cáo, xin cho bị cáo có cơ hội cải tạo, có cơ hội được gặp mặt con nhỏ".
Nghe những gì Lý nói, Lan cúi gằm ân hận trước sự thật phũ phàng. Vì tiền mà 2 người bạn nghèo trở thành kẻ thí mạng còn Chi đã cao chạy xa bay. Lan chết lặng khi lên xe về trại. Còn Lý quay lại dặn người thân "nhớ làm đồ chay cúng cho con" như muốn bớt phần day dứt.
Nhiều người đến dự phiên tòa đã không cầm được nước mắt khi tiếng kêu xé lòng của đứa trẻ: "Mẹ ơi... Trả lại mẹ cho tôi. Trả lại mẹ cho tôi đi"...
Chị Vũ Thị Thường cho biết: Nếu như lúc đó chị tỉnh táo thì cuộc đời không phải vướng lao lý.
May mắn hơn các trường hợp trên, chị Vũ Thị Thường (SN 1968, nghệ An) đã can đảm đứng lên làm lại cuộc đời bằng con đường chân chính.
Nhắc về quá khứ một thời lầm lỡ, chị Thường thoáng buồn. Chị nói, cũng vì gia đình nghèo đói, lại thiếu hiểu biết nên mới phải trả cái giá quá đắt như vậy. Nếu như lúc đó chị tỉnh táo thì cuộc đời không phải vướng lao lý.
Chị kể, gia đình nghèo, khó khăn chồng chất khó khăn trong khi 2 đứa con lần lượt ra đời. Chị đã xoay đủ nghề để kiếm sống, từ chăn nuôi đàn vịt, buôn bán mớ rau ngoài chợ nhưng gia đình vẫn không qua được cơn bĩ cực.
Năm 1996, trong một lần ra chợ, nghe phong thanh nhiều người kháo nhau chuyện đi buôn “hàng trắng” tận biên giới Kỳ Sơn, mỗi chuyến lời cả trăm ngàn đồng, chị Thường mon men dò hỏi tin tức để tìm mối “làm ăn”.
Sau lần đầu thực hiện trót lọt, chị tiếp tục hành trình ngược lên thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) lần hai và bị cơ quan chức năng bắt giữ khi đang vận chuyển gói ma túy 2kg trên địa bàn xã Mỹ Thành. Chị bị bắt trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bà con lối xóm, đặc biệt là với chồng con, bởi quá trình tham gia vận chuyển ma túy, chị giấu biệt không cho ai biết.
Chị nhớ lại: “Ngày tôi bị bắt, đứa con gái đầu vừa tròn 5 tuổi, còn con trai út mới hơn 3 tuổi. Nhìn các con ngơ ngác nhìn mẹ bị bắt đi mà lòng tôi quặn thắt. Tôi đã có lỗi lớn với chồng, con, nhất là người mẹ già. Rồi khi nghe tòa tuyên án 12 năm tù giam, tôi hoa mắt, ù tai không nghe thấy gì nữa. Tôi hoang mang vô cùng, nghĩ mình sẽ chết mòn trong nhà giam”.
Những ngày ở Trại giam số 5 (Bộ Công an), đóng chân ở Yên Định (Thanh Hóa), được sự động viên của các cán bộ quản giáo và đặc biệt là sự cần mẫn thăm nuôi, động viên của chồng và hai con, chị đã dần lấy lại được tinh thần. Đầu năm 2004, sau 9 năm cải tạo, chị được đặc xá trước thời hạn.
Ngay khi thấy chị Thường mãn hạn tù trở về, một số đối tượng xấu thấy gia cảnh như vậy nên đã ra sức rủ rê chị trở lại con đường cũ, hứa hẹn cho nhiều tiền bạc. Trước cám dỗ cuộc đời ấy, lần này chị Thường đã thức tỉnh và kiên quyết nói không.
Sau hơn 10 năm đổ mồ hôi công sức, thành quả của vợ chồng chị Thường đang có mà ai cũng ao ước. Với chị, thành công lớn nhất là chăm lo được cho con cái ăn học đàng hoàng. Con gái đầu đã tốt nghiệp đại học và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Con trai thứ hai đã có nghề nghiệp ổn định.
Chị chia sẻ, chuỗi thời gian 9 năm cách biệt với thế giới bên ngoài đã làm cho chị nhận thức được nhiều điều nên đã tự hứa sẽ đoạn tuyệt với quá khứ đen tối.
Thiếu tá Nguyễn Quang Tuệ, Phó trưởng Công an huyện Yên Thành từng cho hay, chị Thường là người phụ nữ can đảm, đã vượt qua được mặc cảm quá khứ lầm lỗi, trở về đời thường vươn lên làm giàu chân chính. Đó là một tấm gương cho những người lầm lỗi noi theo.
M.H (th)
Đăng nhận xét