“Cơn sốt” thời thượng
Các cấp độ cay của mỳ quả thực là thách thức đối với nhiều thực khách.
Cô Nguyễn Tú Anh, Từ Liêm, Hà Nội, cho biết ngày 20/11 năm ngoái, những học sinh cũ trở về trường thăm cô và nhất định rủ nhau đi thưởng thức mỳ cay.
“Mấy đứa giới thiệu và ca ngợi hết lời: Cô ơi đi ăn thử đi, ngon và rẻ, quán lại đẹp và các cấp độ cay thì tuyệt cú mèo. Thấy bùi tai, thế là mấy cô trò cùng nhau lên đường. Tuy nhiên để được ẩm thực món mỳ cay này cũng là một quá trình gian nan,” cô Tú Anh nhớ lại.
Do không đặt chỗ trước, hơn hai chục cô trò đi lòng vòng mấy quán mỳ, đến đâu cũng bị từ chối. Cuối cùng phải sang quận Long Biên, cô, trò vào được một quán mỳ Sasin cũng đã hơn một giờ chiều.
Mỳ cay có nhiều cấp độ, tuy nhiên để đạt cấp độ 12 thì rất ít người có thể đạt được.
“Phải nói thật, mình không ăn được cay nên các con gọi cho cô bát mỳ không độ, mà cũng đã cay rồi. Mấy đứa gọi đến các cấp độ 2, 3 thì không biết cay đến mức nào. Song, nhìn các con, đứa nào đứa nấy sì sụt ăn, cái miệng phồng lên thổi thổi, nước mắt thì long lanh như trực tràn ra, … trông rất đáng yêu,” cô Tú Anh mỉn cười nói.
Mỳ cay là món ăn được yêu thích tại Hàn Quốc, du nhập vào Việt Nam hơn một năm trở lại đây với các chuỗi chuyển nhượng thương hiệu như mỳ cay Seoul, Gochu, Sasin, Nami, Hana…, ban đầu là tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đến Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.
Các bạn trẻ không chỉ tới quán mỳ cay để ẩm thực mà còn là nơi tụ tập bạn bè.
Cơn sốt “mỳ cay” lan nhanh chóng giới trẻ, như một trào lưu họ truyền tai nhau, bình luận “ầm ĩ” trên các trang mạng xã hội, cuốn theo cả giới truyền thông vào cuộc.
Cay là chủ đạo
“Cay’ trở thành yếu tố hấp dẫn nhất trong câu chuyện. Ban đầu là tò mò về các cấp độ cay, sau đó là trải nghiệm và thử thách độ ăn cay của bản thân và của bạn bè.
Bạn Nguyễn Quốc Hưng, học sinh lớp 12, Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ, các bạn cùng lớp trao đổi và thách thức nhau xem ăn được tới cấp độ mấy của mỳ cay. Tò mò, Hưng cùng các bạn đến một quán mỳ thuộc chuỗi Hana.
Mỳ cay có mức giá phải chăng, phù hợp với các đối tượng là sinh viên, học sinh.
“Lần đầu tiên, em gọi bát mỳ cay cấp 2, nói thật là cay không còn cảm nhận được vị ngon của nước dùng. Bỏ bát mỳ thì ngại, em đành phải cố ăn hết, song uống không biết bao nhiêu là nước," Hưng nói.
Tuy nhiên đối với những người thích ăn cay, thì có lẽ trải nghiệm các cấp độ cay của mỳ là một thách thức thú vị.
Bạn Nguyễn Phương Thảo, một du học sinh từ Australia về thăm nhà nhân dịp Tết âm lịch và được bạn bè dắt đi ăn mỳ cay. Thảo vốn là người nghiện ăn cay và có thể ăn nhiều quả ớt chỉ thiên trong các bữa ăn, nên khi được giới thiệu về món mỳ này đã tỏ ra rất hào hứng.
“Quá chủ quan, đến cửa hàng em gọi luôn tô mỳ cay cấp 5, khi ăn thật sự là nóng ran miệng. Càng ăn càng ngấm, nước mắt, nước mũi tự dưng cứ trào ra. Uống hết hai ly trà sữa chân châu mà miệng vẫn nóng, quả thật là một trải nghiệm tuyệt đỉnh. Nhưng những lần sau đi ăn, em chỉ gọi mỳ cay cấp 2 thôi, có như vậy mới cảm nhận được vị ngon của bát mỳ,” Thảo thành thật nói.
Theo cách tính khoa học, các thang độ cay được tính theo độ scoville, với những người ăn khá cay thì thường ở mức 500 – 1.000 scoville, mức cay nóng lên tới 1.500 – 5.000 scoville, trường hợp cay bỏng lưỡi trong khoảng 15.000 – 30.000 scoville…, tuy nhiên trên thực tế vẫn có những loại ớt có mức cay cực kỳ cao khiến người ăn nhiều thiêu đốt, bốc hỏa thậm chí là bùng nổ, với mức thang cay 100.000 scoville.
Dư Tôn Danh - bếp trưởng kiêm quản lý của quán Sasin trên phố Nguyễn Văn Cừ , Long Biên, Hà Nội cho biết, gia vị cay do bên chuyển nhượng thương hiệu cung cấp cho cửa hàng, các cấp độ được đo bằng máy. Thông thường cấp độ 5 là đã rất thách thức với những người có trình độ ăn cay cao.
“Khi giới thiệu thực đơn, nhân viên của cửa hàng đã chủ động tư vấn các cấp độ cay phù hợp và khuyến cáo một số trường hợp không nên dùng cấp độ cao quá, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Hầu hết khi đến cửa hàng, các bạn trẻ thường gọi mỳ cay cấp độ 2 hoặc 3. Đối với những người không ăn được cay thì cấp độ 0 cũng đã được xem là một trải nghiệm rồi, bởi đã gọi là mỳ cay thì bản thân nước dùng đầu tiên cũng đã cay rồi,” bạn Danh nhấn mạnh.
Mỳ cay đang… “nguội”
Không khí ồn ào, chen chúc tại các quán mỳ cay ở thời điểm cuối năm ngoái đã nhanh chóng qua đi. Kể cả những quán nổi tiếng vốn rất đông nghẹt khách thì nay cũng đã “thoáng” hơn rất nhiều.
Bạn Dư Tôn Danh quản lý của quán Sasin, phố Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội cho biết, kinh doanh đã bắt đầu khó khăn khi thực khách đang dần vắng bóng.
Chị Nguyễn Thu Hà, Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, hai đứa con chị (một học cấp hai, một học cấp ba) cũng thỉnh thoảng rủ mẹ đi ăn mỳ cay. Chiều các con nên chị mới tới, bởi theo thói quen ẩm thực của chị thì mỳ cay không hấp dẫn đến độ có thể gây ra những cảm giác thèm thuồng và nhớ nhung.
“Bát mỳ vốn lấy vị cay là chủ đạo vì thế các hương vị khác gần như bị át đi, do đó để tạo thành một món ăn thường xuyên và lôi cuốn là không dễ,” chị Hà nhận xét.
Người quản lý thở dài khi khách hàng không còn lui tới tấp nập như thời điểm mới mở cửa hàng, chỉ vài tháng trước.
Không có quan điểm giống như người lớn, cháu Nguyễn Thùy Trang, học sinh cấp ba, Ba Đình, Hà Nội cho rằng, bên cạnh thưởng thức mỳ cay thì các bạn trẻ đến các quán này vì nó được thiết kế với phong cách rất trẻ trung, có thể vừa ăn, vừa uống và tán chuyện bạn bè.
Tuy nhiên, Trang cũng phải công nhận, các nhóm bạn của mình đã không còn quá “cuồng” ăn mỳ cay như hồi mới xuất hiện tại Hà Nội.
“Các cửa hàng ăn, uống… thiết kế phù hợp với giới trẻ hiện có quá nhiều, vì vậy các quán mỳ cay giờ đây cũng chỉ là trong những lựa chọn tụ tập của họ. Hơn nữa không phải ai cũng thích ăn cay, mà nếu thích ăn cay phải những món ăn vặt truyền thống hấp dẫn cũng có vô khối,” Trang nói.
Một tối thứ Sáu, bần thần nhìn những nhóm khách hàng lác đác vào quán, Dư Tôn Danh không khỏi thở dài. Nhớ lại cách đây mấy tháng, khách hàng không đặt chỗ trước thì cửa hàng chỉ có thể từ chối. Vậy mà giờ, doanh thu mỗi ngày quá thấp, lo trả tiền nhà và nhân viên cũng khá căng thẳng.
Sau mỳ cay là sự xuất hiện của mỳ bay.
Dư cho biết, ngoài những món mỳ cay có sẵn trong danh mục thì nay để thu hút thêm khách cửa hàng đã bán thêm các loại lẩu và các loại nước uống cũng phong phú hơn. Tuy nhiên về lâu về dài, cửa hàng đang tính đến một số các phương án kinh doanh khách bắt kịp nhu cầu và phong cách giới thượng khách “vốn thay đổi rất nhanh” này.
Bên cạnh mỳ cay, mỳ bay cũng xuất hiện, thu hút các bạn trẻ thích khám phá. Song tương tự như người bà con của mình, các thượng khách tìm đến quán chủ yếu bằng sự hiếu kỳ.
“Cháu cùng mấy bạn đi gần chục cây số để thưởng thức bằng được món mỳ bay. Nguyên nhân là các bạn trong lớp đưa ảnh lên facebook thấy kỳ lạ và hấp dẫn quá. Nhưng đi một lần là được rồi ạ, bởi quán khá xa, trong khi gần khu vực trường học có quá nhiều quán cảnh đẹp có thể tụ tập cùng bạn bè,” Trang nói.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực mang tính “trào lưu” với phân khúc khách hàng là những người trẻ tuổi thật sự là rủi ro không ít. Danh đã phải thốt lên, “giờ mới thấy là mạo hiểm, em có cảm giác như đang trải qua một canh bạc”.
Theo Vietnam+
Đăng nhận xét