Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Giáo sư Hoàng Đình Cầu: Tấm gương lao động quên mình, truyền ngọn lửa y đức

GS Hoàng Đình Cầu và các em nhỏ ở làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội, ảnh chụp tháng 4/2005. (Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình): V.Thu

GS Hoàng Đình Cầu và các em nhỏ ở làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội, ảnh chụp tháng 4/2005. (Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình): V.Thu

“Lão thần trụ cột của ngành Y Việt Nam”

Cố Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương từng chia sẻ: Ngay khi hòa bình lập lại (1954), BS Hoàng Đình Cầu (lúc này là Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn) được đi tu nghiệp ở Moscov (Liên Xô cũ) từ năm 1955-1958. Vừa về nước, vị bác sĩ ngoài 40 tuổi ấy đã bắt tay vào việc xây dựng Khoa Phẫu thuật phổi đầu tiên ở miền Bắc (ở Bệnh viện Xanh Pôn), và từ đó trở thành người lập ra ngành phẫu thuật phổi ở Việt Nam. Tại đây, hàng trăm bệnh nhân bị lao xơ hang phổi mạn tính, ho ra máu nặng đã được mổ cắt xẹp thành ngực và cắt phổi. "Cảm thông sâu sắc với nỗi đau của người bệnh, nhiều đêm anh thức trắng bên giường bệnh để theo dõi trong phòng hậu phẫu và cũng đã nhiều lần hiến máu để có thể kịp thời cứu sống bệnh nhân trong tình huống hiểm nghèo, vì tự thâm tâm anh coi đó là lẽ sống, là hơi thở cần thiết cho hoạt động hành nghề mà mỗi người thầy thuốc phải trải qua", cố Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương từng chia sẻ như thế trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh GS Hoàng Đình Cầu (năm 1997).

Ký ức về người thầy tận tụy, giàu tài năng sáng tạo Hoàng Đình Cầu trong bao thế hệ học trò, hậu thế là người có sức làm việc đáng nể, với "hai ngày làm việc trong một ngày" (ban ngày và nửa đêm về sáng). Thời điểm ông đang là Vụ trưởng Vụ Khoa học - Đào tạo, ông còn "kiêm" thêm 7-8 chức vụ, đều là cấp trưởng. Học trò Nghiêm Xuân Đức (nguyên Chuyên viên cao cấp Bộ Y tế) nhớ lại một ngày làm việc của GS Hoàng Đình Cầu diễn ra như sau: Buổi sáng ở Bệnh viện A (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương), ở đó ông là Giám đốc kiêm Trưởng khoa phẫu thuật phổi. Buổi trưa ông đi xe về Vụ Khoa học - Đào tạo họp hoặc làm việc trực tiếp với các chuyên viên của Vụ. Đầu giờ chiều, ông lại đi xe sang Trường Đại học Y Hà Nội, ở đó ông là Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật thực hành, có thời gian ông là Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội. "Chúng tôi nói vụng với nhau: Thật ra Thầy chỉ làm Vụ trưởng trong 2 giờ nghỉ trưa", BSCK 2 Nghiêm Xuân Đức nhớ lại.

Với tư cách là chuyên gia sâu về bệnh học ngoại khoa lồng ngực, phổi, trung thất, GS Hoàng Đình Cầu cũng vận dụng sáng tạo những thành tựu y học mới nhất đương thời trong lĩnh vực mổ phổi kết hợp với việc đúc kết các kỹ thuật mổ, chỉ định phẫu thuật linh hoạt phù hợp với Việt Nam. Hàng chục năm tâm huyết, ông đã tạo được nền móng vững chắc cho ngành phẫu thuật phổi ở Việt Nam, đưa chuyên ngành này lên tầm quốc tế. Đặc biệt, GS Hoàng Đình Cầu là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật châm tê trong phẫu thuật phổi ở Việt Nam, mang lại hiệu quả rất tốt. "Người mở đường" với đôi bàn tay đầy sinh lực, trí tuệ minh mẫn và trái tim nhạy cảm đó đã mổ thành công cho hơn 2.000 bệnh nhân bị các bệnh về phổi, màng phổi, đặc biệt một số thể lao, ung thư phổi.

Năm 1970, ở tuổi 53, BS Hoàng Đình Cầu đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Y tế, khi đó, Bộ trưởng là BS Vũ Văn Cẩn. PGS.TS Nguyễn Đình Kim (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương) - người có hơn 20 năm phụ mổ cho GS Hoàng Đình Cầu - chia sẻ, khi đó, dù rất bận làm quản lý, song GS Hoàng Đình Cầu vẫn thu xếp thời gian để làm chuyên môn, mỗi tuần GS vẫn mổ từ 2-3 ca. Có những ngày bận ở Bộ Y tế, GS mổ từ 7h sáng, kể cả những sáng Chủ nhật. GS là người theo dõi bệnh nhân rất sát sao, ông mổ ca nào là theo dõi kỹ, vào thăm hỏi bệnh nhân thường xuyên. Mà số lượng bệnh nhân được ông mổ thì rất nhiều. "Thầy nói với chúng tôi: "Tôi dành thời gian tốt nhất cho bệnh nhân", PGS.TS Nguyễn Đình Kim nhớ lại.

Nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý y tế tài năng

Với tư cách là một nhà quản lý y tế, GS Hoàng Đình Cầu đã có những đóng góp to lớn trong việc đặt nền tảng và xây dựng đội ngũ cán bộ y tế đông đảo ngày nay. Bắt đầu là hiệu trưởng Trường Y sĩ Liên khu 3-4 (Trường Y đầu tiên của nước ta, giai đoạn 1949-1953), Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (1954-1955), Vụ trưởng Vụ Huấn luyện - Bộ Y tế (1959 - 1970) cho tới lúc làm Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội (1985-1989) rồi Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực đào tạo (1971-1990), ông luôn dành nhiều tâm huyết xây dựng đội ngũ thầy thuốc chất lượng để chăm sóc, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân. BSCK2 Nghiêm Xuân Đức nhớ lại, GS Hoàng Đình Cầu có mối quan tâm đặc biệt với việc phát triển giáo dục học y học và đổi mới phương pháp dạy học trong các trường y tế. Từ đó, giúp xây dựng một đội ngũ từ sơ cấp, trung cấp, đại học, sau đại học, từ đào tạo trong nước đến chọn ngành gửi đi học ở nước ngoài đủ đông, đủ mạnh. Lực lượng cán bộ hùng hậu đó có thể tiếp cận với trình độ kỹ thuật quốc tế để có những cống hiến, ghi danh Việt Nam trên bản đồ y học thế giới. Ông cũng có các chương trình huấn luyện, đào tạo cán bộ y tế cơ sở rất có tác dụng trong việc cung cấp cán bộ phục vụ kịp thời cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Y tế, GS Hoàng Đình Cầu đã dành nhiều tâm huyết xây dựng các mạng lưới y tế cơ sở với khoảng 100 trạm y tế trên cả nước được trang bị và hoạt động tốt để phục vụ sức khỏe nhân dân ngay từ cơ sở. Ông là người đã dày công xây dựng hệ thống lý luận về quản lý ngành Y tế, từ y tế cơ sở đến Trung ương, góp phần đưa chăm sóc sức khỏe ban đầu vào vị trí ưu tiên trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cố Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương từng đánh giá, với tư cách là nhà khoa học, GS Hoàng Đình Cầu có những đóng góp phong phú trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào hai cụm chủ đề: Y sinh học và Y xã hội học. Trong đó, GS Hoàng Đình Cầu "được coi là nhà Y xã hội học đầu tiên có nhiều đóng góp về lý luận và thực tiễn thuộc các vấn đề: Chăm sóc sức khỏe ban đầu, tổ chức y tế và mạng lưới y tế cơ sở, quản lý y tế, bảo hiểm sức khỏe nông thôn...". Những công trình nghiên cứu y học ứng dụng hiệu quả, được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Ông là người đã biên soạn rất nhiều giáo trình, tài liệu để dạy và học y khoa bằng tiếng Việt ngay từ những ngày đầu xây dựng Trường Y sĩ Liên khu 3 - 4 (Trường Y đầu tiên của nước ta dạy học bằng tài liệu tiếng Việt). Ông cũng là người biên soạn từ điển nhiều nhất và sớm nhất trong ngành Y tế cách mạng Việt Nam, nổi bật là việc biên soạn cuốn Danh từ Y dược Pháp - Việt, Danh từ y học Nga - Việt, góp phần quan trọng đưa tiếng Việt vào giảng dạy bậc đại học ở nước ta, cùng với đó là Từ điển Bách khoa phổ thông (4 tập) và Bách khoa thư bệnh học (4 tập)...

Năm 1982, GS Hoàng Đình Cầu được cử kiêm chức Chủ tịch Ủy ban điều tra hậu quả của chất độc da cam (UB10-80), tiếp tục công việc mà Giáo sư Tôn Thất Tùng đã đặt nền móng. Sau 18 năm, công trình đã có kết luận và được các nhà khoa học trên thế giới thừa nhận.

GS Hoàng Đình Cầu cũng là người luôn gắn bó với quần chúng, với đời thường, dù ông từng là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam (nay là Tổng Hội Y học Việt Nam). Ông còn là Chủ nhiệm Hội hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức, cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới, Trưởng đoàn Y tế Việt Nam tham dự nhiều khóa Đại hội đồng Y tế thế giới và Tây Thái Bình Dương, Trưởng đoàn đại biểu Y tế Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế về Chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự Hội nghị quốc tế về dân số...

88 năm cuộc đời, với hơn 60 năm y nghiệp, GS Hoàng Đình Cầu được ghi nhận là “Lão thần trụ cột của ngành Y học Việt Nam”. Ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, Danh nhân Y học Việt Nam; được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cùng nhiều huân chương, Huy chương và phần thưởng cao quý khác. Tên tuổi của Giáo sư được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Vương quốc Anh) ghi vào Từ điển Tiểu sử quốc tế và Hội đồng xuất bản tiểu sử danh nhân Marquis (Hoa Kỳ) ghi vào tiểu sử danh nhân, ông là một trong số 65 thầy thuốc của thế giới được Tổ chức Thầy thuốc thế giới vinh danh (Caring Physicians of the wold).

GS Hoàng Đình Cầu sinh ngày 1/4/1917 trong một gia đình công chức có truyền thống hiếu học ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An – quê hương của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Học xong trung học, ở tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, cùng tấm lòng nhân ái, chàng trai Hoàng Đình Cầu đã theo học ngành Y với ước mơ chữa bệnh, cứu người. Với tư chất thông minh, cần cù sau 7 năm học tập say mê và nỗ lực, BS Hoàng Đình Cầu tốt nghiệp trường Đại học Y dược khoa Hà Nội, trở thành bác sĩ nội trú các bệnh viện Hà Nội vào năm 1944, sau đó về làm trợ lý giảng dạy Bộ môn Giải phẫu của Nhà trường, phẫu thuật viên Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức). Năm 1947, khi mới 30 tuổi, ông tham gia kháng chiến, được cử làm Hiệu trưởng Trường Y sĩ Liên khu 3-4. Từ đây đã khởi đầu cho chuỗi gần 60 năm hoạt động miệt mài, tận tụy của người con xứ Nghệ cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Võ Thu

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget