Sau 30 năm hợp nhất với huyện Giao Thủy, thực hiện Nghị định 19/NĐ-CP ngày 26/02/1997 của Chính phủ, ngày 01/4/1997 huyện Xuân Trường được tái lập và chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Ngày đầu tái lập, cán bộ công nhân viên của huyện Xuân Trường phải làm việc trong điều kiện khó khăn trong các cơ sở tạm bợ với điều kiện thiếu thốn.
Theo ông Đặng Ngọc Cường, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường, những năm đầu tiên Xuân Trường đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Cụ thể, xuất phát điểm kinh tế của huyện thấp, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nhỏ bé, tốc độ phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) chậm; huyện không có tiềm năng từ biển, hạ tầng KT-XH và đời sống của đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn.
Khó khăn là vậy, nhưng với quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo, đến nay KT–XH của huyện Xuân Trường đã vươn lên mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2016, kinh tế tăng gần 10 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế có những bước chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng nông nghiệp đã giảm từ 47,3% xuống còn 13,89%; công nghiệp tăng từ 21,9% lên 54,58%; cơ cấu nền kinh tế năm 2016 là công nghiệp – xây dựng đạt 54,58%, dịch vụ 31,53%, nông nghiệp 13,89%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm đạt trên 10%.
Sản xuất nông nghiệp - một trong hai mũi nhọn truyền thống đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất làm thay đổi tư duy sản xuất, tập quán, thói quen canh tác của nông dân. Năng suất lúa bình quân 20 năm đạt 126,4 tạ/ha/năm; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác năm 2016 đạt 99 triệu đồng, tăng gần 4 lần so với năm 1997 (năm 1997 đạt 25,5 triệu đồng). Sản xuất nông nghiệp hàng hoá được chú trọng phát triển.
Mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp sạch đang được Xuân Trường nhân rộng. Đã có 140ha rau sạch được tập đoàn Vingroup triển khai ở xã Xuân Hồng.
Đáng chú ý, Xuân Trường là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định xây dựng thành công mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Năm 2016, Tập đoàn VinGroup đã đầu tư triển khai thực hiện Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 140 ha tại vùng đất bãi xã Xuân Hồng. Chăn nuôi phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Năm 2016, chăn nuôi chiếm 46% (năm 1997 chiếm 16%) trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Từ một huyện thuần nông, đến nay huyện Xuân Trường đã trở thành điểm sáng của tỉnh Nam Định về phát triển CN-TTCN. Toàn huyện có 04 cụm công nghiệp với diện tích 52 ha, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề, các doanh nghiệp phát triển; các làng nghề thủ công truyền thống được duy trì và phát triển. Từ chỗ chỉ có 13 doanh nghiệp khi tái lập huyện đến nay toàn huyện có trên 400 doanh nghiệp đang hoạt động và hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động với thu nhập ổn định. Giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2016 đạt 3.175 tỷ đồng, tăng gần 54 lần so với năm 1997 (năm 1997 đạt 59,2 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 42,18% trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, năng động, tăng cả về số lượng, chất lượng; thị trường được mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của huyện. Năm 2016, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 31,6 triệu USD, tăng 28,7 lần so với năm 1997; thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn đạt 184,028 tỷ đồng, gấp 8,68 lần so với năm 1997 (21,2 tỷ đồng) và đạt cao nhất từ khi tái lập huyện đến nay.
Tổng vốn đầu tư công trên địa bàn huyện 20 năm qua đạt gần 4.500 tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án có ý nghĩa chính trị to lớn được đầu tư xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo và thúc đẩy KT-XH huyện phát triển như: Hệ thống hạ tầng khu Trung tâm huyện, Quần thể lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Đền Liệt sỹ huyện; đường 32m, đường 50, đường 489, Hệ tiêu Nam Điền, tường kè Ninh Cơ, kiên cố hóa hệ thống kênh cấp I (Đồng Nê, Trung Linh, Trà Thượng, Sông Rộc), nâng cấp và kiên cố hoá toàn tuyến đê Hữu Hồng, đê tả Ninh Cơ, kênh Cát Xuyên, kênh Thanh Quan, sông Sò; Trụ sở làm việc của huyện và các xã, thị trấn, nhiều trường học, trạm y tế, đường giao thông, chợ nông thôn, công trình nước sạch, hệ thống truyền tải điện... được đầu tư kiên cố hoá, cải tạo, nâng cấp, xây mới đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng - KT-XH trên địa bàn.
Vấn đề xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được huyện xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện. Sau hơn 6 năm triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, với cách làm sáng tạo và bước đi phù hợp, thực hiện phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ; người dân là chủ thể, nhà nước định hướng, hướng dẫn, tổ chức và hỗ trợ thực hiện; lấy thôn xóm, tổ dân phố làm địa bàn chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM”. Tổng mức huy động cho xây dựng NTM đến nay là trên 1 nghìn tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước các cấp là trên 400 tỷ đồng, nhân dân đóng góp là trên 300 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác là gần 300 tỷ đồng. Đến hết năm 2015, đã có 12 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM; năm 2016 có thêm 05 xã đã được thẩm định để công nhận đạt chuẩn NTM; các địa phương còn lại gồm Xuân Tân, Xuân Châu, Xuân Thủy đang tích cực đẩy mạnh hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Phấn đấu năm 2017, huyện Xuân Trường đạt chuẩn NTM.
Cùng với phát triển kinh tế, nhiệm vụ phát triển Văn hóa - Xã hội được quan tâm, chăm lo tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của huyện. Trong đó, Giáo dục - Đào tạo được xác định là một trong 2 mũi nhọn truyền thống được ưu tiên trong chiến lược phát triển KT-XH của huyện. Đến nay, toàn huyện có 05 trường THPT, 01 Trung tâm GDTX, 21 trường THCS, 28 trường Tiểu học và 20 trường Mầm non. Trong đó, có 02/5 trường THPT, 12/21 trường THCS, 15/20 trường Mầm non, 28/28 trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia; 01 trường Mầm non, 10 trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. Chất lượng giáo dục toàn diện của huyện được duy trì, đảm bảo thực chất, đồng đều ở các cấp học. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở các cấp học đều đạt cao; thành tích học sinh giỏi luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng ngày một tăng và có nhiều thủ khoa toàn quốc. Trường THPT Xuân Trường và THPT Xuân Trường B được xếp vào tốp 200 trường có tỷ lệ học sinh thi đỗ Đại học, Cao đẳng cao nhất toàn quốc. Ngành GD-ĐT huyện nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu thi đua tiên tiến của tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác Y tế, DS-KHHGĐ luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng, được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới khang trang với nhiều thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong huyện. Đến nay, 20/20 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế, trong đó có 17/20 xã, thị trấn đạt chuẩn giai đoạn II; 100% thôn, xóm (tổ dân phố) có y tế thôn. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 13,64%. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng cao.
Toàn huyện có trên 3.000 lao động được dạy nghề và giải quyết việc làm mới. Tỷ lệ hộ nghèo năm 1997 là 22,5% đến năm 2016 giảm xuống còn 3,6%. Các đối tượng chính sách và người có công được quan tâm chăm lo, đến nay, tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống ngang bằng với mức sống bình quân của khu dân cư.
Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền Xuân Trường trở thành 1 trong những huyện đứng Top đầu trong phong trào thi đua của tỉnh Nam Định. Năm 2016, nhân dân và cán bộ huyện Xuân Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì. Đặc biệt, cũng trong dịp này Xuân Trường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận Chùa Keo – Hành Thiện (gồm chùa Keo trong và chùa Keo ngoài) là di tích Quốc gia đặc biệt.
Ông Bùi Văn Hảo, Bí thư đảng ủy huyện Xuân Trường cho biết, đạt được những thành tựu trên trước hết là sự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo cũng như toàn thể nhân dân trong huyện. Tương lai, Xuân Trường sẽ phấn đấu chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa về KT-XH, bên cạnh ngành nông nghiệp truyền thống Xuân Trường phấn đấu đưa sản xuất công nghiệp thành mũi nhọn của địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho bà con nhân dân.
Ngày 1/4, UBND huyện Xuân Trường sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện. Buổi lễ cũng là dịp huyện Xuân Trường đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ công nhận Chùa Keo – Hành Thiện (gồm chùa Keo trong và chùa Keo ngoài) là di tích Quốc gia đặc biệt.
Đỗ Lực
Đăng nhận xét