Làm gì khi mắc bệnh “lẩy bẩy như tàu chuối khô”?

 Chứng run tay chân tuy không nguy hiểm đến mức đe dọa tính mạng nhưng lại gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày, nên người cao tuổi cần đi khám sức khỏe định kỳ. Ảnh minh họa: D.N

Chứng run tay chân tuy không nguy hiểm đến mức đe dọa tính mạng nhưng lại gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày, nên người cao tuổi cần đi khám sức khỏe định kỳ. Ảnh minh họa: D.N

Nhún nhảy để không bị phát hiện

“Tôi bị run tay chân từ lâu rồi nhưng không đi khám, đến nay di chuyển rất khó khăn, có nhiều khi mất thăng bằng rồi tự ngã”. Bà Nguyễn Thu Hồng, 65 tuổi (ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể về bệnh với những người cao tuổi cùng đi khám với bà tại Khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai.

Ban đầu, bà Hồng thấy mỗi lần ngồi xuống đứng lên, chân tay run nhẹ phải đứng một lúc mới có thể đi lại bình thường. Cho rằng do ngồi lâu bị tê chân tay nên bà không để ý. Một thời gian sau, hiện tượng lặp đi lặp lại nhiều và mức độ run càng lớn, bà mới thấy lo. Đến khi đang ngồi hoặc nằm, chân tay vẫn run rẩy, bà mới nói với người thân đưa đi khám bệnh.

Bà Thương, 68 tuổi (ở Mỹ Hào, Hưng Yên) thì kể chuyện hài hước cười ra nước mắt. Bà bị run chân tay cách đây 2 năm và nghĩ là mình bị run là do “di truyền” nên không đi khám. Bà kể: “Tôi thấy cụ tôi, bà tôi, rồi mẹ tôi đều bị mắc bệnh run chân tay khi cao tuổi nên tôi nghĩ, đó là bệnh di truyền có tránh cũng chẳng được. Ngày trước thấy các cụ bị run, đi phải dựa vào tường, vào ghế rồi chống gậy thấy rất bất tiện. Tôi không muốn con cháu thấy mình run rẩy nên vừa đi vừa nhún nhún như là tập thể dục cho nó đỡ đau xương cốt. Tuần trước, chân run quá bước lên bị ngã gãy cả tay. Giờ vừa điều trị bó bột tay, vừa điều trị cả về thần kinh đấy”.

Đi cùng với bà Thương, chị Ngọc - con gái bà tâm sự: “Thấy các cụ bị như thế này, thương nhưng cũng bực lắm. Các cụ toàn giấu bệnh vì nghĩ không muốn phiền đến con cháu, sợ bị coi là già lẩm cẩm. Bệnh giờ nặng thế này, cụ khổ, con cháu càng khổ hơn”. Chị Ngọc kể, có ông bác cũng mắc bệnh run tay chân, không muốn bị phát hiện còn có sáng kiến là lấy bẹ cau ốp vào bắp chân để đi cho vững. Có lần, ông buộc bẹ cau vào chân bằng dây cao su đi ăn cỗ từ sáng đến chiều, chân bị buộc chặt quá máu không lưu thông, đến tối về sưng to, suýt bị hoại tử phải cắt chân. “Mình cũng đã dặn cậu em trai để ý mẹ nhưng cậu ấy không phát hiện ra vì mẹ tôi bảo chân tay bình thường, chẳng qua đi lại nhún nhảy cho nó khỏe thôi”. Bà Thương nghe con gái nói, cười ngại ngùng rồi trích dẫn thơ: ““Mẹ già lẩy bẩy như tàu chuối khô”, cứ khi nào các cô đến tuổi chúng tôi, khắc biết”.

Cần điều trị ngay khi phát hiện ra bệnh

Thực tế, phần lớn người cao tuổi rất hay giấu bệnh vì không muốn trở thành gánh nặng của con cháu, không thích bị coi là già bệnh tật, vô dụng. Nhiều người giấu bệnh bằng cách ngồi yên một chỗ, ít đi lại nên dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp nhanh hơn.

Có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh gặp phải tình trạng run tay chân. Biểu hiện run rất đa dạng và phong phú, có thể bao gồm: Lắc theo nhịp bàn tay, cánh tay, đầu, chân, thân, hoặc giọng nói run run... Ngoài ra, triệu chứng run có thể xảy ra khi mệt mỏi, stress, lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên, khi triệu chứng run xảy ra không kèm với những thay đổi về trạng thái cảm xúc, xảy ra thường xuyên thì có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý.

Run có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở những người trung niên, người già. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là như nhau. Run có thể là bệnh hoặc là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau như: Bệnh Parkinson, hội chứng Parkinson (do đột quỵ não, chấn thương sọ não, thiếu máu não mạn tính…), rối loạn thần kinh thực vật và run lành tính... Bệnh Parkinson thường kèm theo một triệu chứng như người cứng ngắc, khó cử động, tay xoay vòng không giữ vững được, dáng đi giật cục. Bệnh Parkinson có thể gây run tay chân rất mạnh và nhanh, cả lúc người bệnh nghỉ ngơi và vận động. Ngoài ra, khi mắc bệnh này, nhiều người thường gặp ảo giác và mau quên.

Người bị bệnh run tay chân còn do rối loạn thần kinh thực vật, suy giảm chức năng não bộ. Người bị mắc bệnh xơ vữa động mạch não, cận u, teo não thứ phát, dùng thuốc chống động kinh phenytoin quá liều hoặc nghiện bia rượu thường có nguy cơ bị suy giảm chức năng não bộ rất lớn. Còn đối với người bị bệnh run lành tính thì có tới hơn 50% khả năng là do trong gia đình từng có người mắc bệnh. Những cơn run tay chân lành tính có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu vì kèm theo các triệu chứng đầu gật gù, môi lưỡi run và khó thực hiện những vận động đơn giản như cầm nắm)... Tuy vậy, xuất phát điểm của các tình trạng run vẫn là sự suy giảm, rối loạn chức năng của hệ thần kinh vận động, do quá trình thoái hóa, lão hóa, tổn thương não gây ra.

Chứng run tay chân tuy không nguy hiểm đến mức đe dọa tính mạng nhưng lại gây rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, gây mất tự tin cũng như làm cho người bệnh trở nên khép kín và dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm; những trường hợp bệnh tiến triển nặng bệnh nhân thậm chí khó có thể tự thực hiện được các sinh hoạt cá nhân. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh run chân tây cần điều trị kịp thời ngay từ thời điểm phát hiện ra. Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thần kinh nội, ngoại theo dõi và đưa ra các phương án trị liệu một cách tốt nhất.

Những biện pháp có tác dụng phòng ngừa run tay chân

- Hạn chế rượu, bia. Rượu, bia làm tăng tốc độ suy giảm thần kinh, gây thiếu hụt vitamin B1 trầm trọng khi nghiện nặng. Rượu làm tăng rối loạn sự điều phối thần kinh-cơ trong vận động, làm nặng thêm mức độ run khi mắc bệnh.

- Tích cực sử dụng các loại rau củ quả trong chế độ dinh dưỡng. Ðặc biệt là các loại rau củ quả có màu xanh đậm như rau ngót, rau cải, súp lơ, bắp cải, su su, cải cúc, các loại củ quả có màu sặc sỡ như gấc, bí ngô, cam, cà rốt... vì chúng là nguồn chứa các hoạt chất chống ôxy hoá tự nhiên được cho là có tác dụng chậm lại sự suy thoái của bộ não điều khiển. Vốn giàu vitamin E, vải, đu đủ, đào, lê được khuyên dùng nhằm hạn chế sự tiến triển của bệnh.

- Thông báo kịp thời cho bác sĩ những biến cố do tác dụng phụ run tay của thuốc trong quá trình điều trị một bệnh khác. Những người đang sử dụng thuốc điều trị chống trầm cảm loại lithium, thuốc chống động kinh loại phenytoin có thể xảy ra những tác dụng phụ trên hệ thần kinh-cơ. Sử dụng những thuốc này kéo dài hoặc tùy tiện, có thể gây ra run tay mức độ nặng.

- Giảm căng thẳng, lo âu vì. Lo âu là một yếu tố tâm lý ảnh hưởng nhiều đến mức độ run. Ở người già, sự thay đổi tâm lý luôn là một vấn đề thường trực, nhất là trạng thái hay lo nghĩ. Trong các trường hợp bị run tay thì vấn đề khó khăn trong vận động càng làm cho những lo âu trở nên trầm trọng. Càng lo nghĩ càng run, càng cố gắng điều chỉnh thì càng làm tăng cường độ. Trong các trường hợp run do suy giảm chức năng não bộ thì vấn đề tâm lý càng đóng vai trò ảnh hưởng lớn. Chúng ta cần hết sức giúp đỡ để những yếu tố tâm lý không làm trầm trọng thêm bệnh.

- Thực hiện các bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, đủ cường độ, đều đặn để làm tăng lưu thông máu lên não. Các bài tập dành cho đầu và cổ có tác dụng làm giảm mức độ nặng của bệnh.

BS Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y)

Mai Anh

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget