Cán bộ y tế tăng cường hoạt động tiêm phòng dịch cho gia cầm. Ảnh minh họa
Khả năng xâm nhập là hoàn toàn có thể
Tại đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, diễn biến tình hình dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc rất phức tạp, hiện đang tiến sát biên giới Việt Nam với tốc độ đột biến gia tăng về cả đường đi địa lý và số ca mắc, số ca tử vong. Từ tháng 10/2016 trở lại, đã ghi nhận 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9, với tỷ lệ tử vong cao (khoảng hơn 40%), với 4 chùm ca bệnh. Trong số 13 tỉnh, thành phố của Trung Quốc ghi nhận ca mắc, có tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta. Tổ chức Y tế thế giới cho hay, các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người. Dịch bệnh này thường tăng cao vào mùa Đông – Xuân, Tết… và liên quan chặt chẽ đến tình hình tiêu thụ gia cầm, di chuyển… Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào mắc dịch cúm A/H7N9. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định khả năng xâm nhập của dịch cúm A/H7N9 vào nước ta là hoàn toàn có thể, nhất là trong mùa Đông – Xuân là mùa dịch cúm với các điều kiện thích hợp như thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ... Cùng với đó là tình trạng nhập lậu, buôn bán gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam cho dù chúng ta đã nỗ lực kiểm soát...
Đối với dịch cúm A/H5N1, theo thông báo của Tổ chức Thú y Quốc tế (OIE), trong tháng 1/2017 đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Campuchia) là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta. Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 3 địa phương gồm: Xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và trong ngày 20/2, đã ghi nhận ổ cúm tại 3 hộ gia đình thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chính quyền tại đây đã tiêu hủy 4.600 con vịt (mắc dịch cúm A/H5N1 từ 15/2). Cũng trong ngày 20/2, UBND huyện Trực Ninh đã ra quyết định công bố dịch. Với dịch cúm A/H5N6, 2 tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận ổ dịch tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Tại cuộc họp, đại diện các Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP HCM cho hay, ở Việt Nam hiện lưu hành cúm mùa với 3 chủng là Cúm A/H3N2 (chiếm 44,4%), cúm B (chiếm 43,3%), cúm A/ H1N1 (12,2%). Báo cáo tình hình giám sát, ông Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông tin, công tác giám sát dịch cúm cũng như những trường hợp viêm phổi nặng, viêm đường hô hấp cấp tính nặng là thường quy của hệ thống y tế dự phòng. Năm 2016 đã giám sát được 3.540 trường hợp lấy mẫu bệnh phẩm, nhưng tất cả đều âm tính với các loại A /H7N9, A/H5N1, chỉ có cúm màu thông thường, như cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B…“Các viện đều chuẩn bị trang thiết bị, con người, hóa chất, sinh phẩm, chẩn đoán xác định nhanh, đều sẵn sàng đáp ứng xét nghiệm cúm nói chung, trong đó các loại cúm nguy hiểm như hiện nay”, ông Dương cho biết.
Ngành Y tập trung cao độ phòng dịch cúm A/H7N9
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã có Công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người, trong đó Bộ Y tế đề nghị tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Xây dựng các kịch bản phòng chống dịch, tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm và kịp thời thông báo cho ngành Y tế địa phương khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa lây truyền sang người.
“Với 12 điểm kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc và đến nay chưa ghi nhận ca nào, tới đây, ngành Y tế tăng giám sát trên người, đặc biệt với khu vực giao lưu khách du lịch như Nha Trang, các khu vực giáp với vùng biên giới Trung Quốc… Đồng thời, mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát, thay vì như trước đây chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng. Bên cạnh đó, sẽ tính đến phương án xét nghiệm mẫu cộng đồng, ưu tiên người vận chuyển, giết mổ, tiếp xúc với gia cầm, chợ nhỏ lẻ, đầu mối… Đây là lần phải tập trung cao độ vì dịch cúm A/ H7N9 lần này có rất nhiều điểm khác”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, rất cần phải vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong. “H7N9 trên thủy cầm không có triệu chứng, nên có thể con vịt đó trông hoàn toàn khỏe mạnh nhưng thực chất là có chứa mầm bệnh. Do đó, ăn tiết canh vịt rất nguy hiểm”, GS.TS Nguyễn Thanh Long khuyến cáo.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, nếu gà đông lạnh hay trứng gà đã nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 hay A/H5N1 thì vẫn hoàn toàn có khả năng lây bệnh sang người giống như cơ chế lây truyền từ gia cầm sống nhiễm bệnh sang người. Ông Trần Đắc Phu cho biết, dù là gia cầm sống hay gia cầm đông lạnh, trứng gia cầm khi nhập khẩu, giao thương trên thị trường đều phải có kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì mới được coi là đảm bảo chất lượng. Còn tất cả các sản phẩm từ gia cầm sống đến thịt gia cầm đông lạnh, trứng gia cầm, nếu nhập lậu qua các đường tiểu ngạch, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì người tiêu dùng đều không nên sử dụng.
Cần mở rộng tiêu chuẩn giám sát
Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, các cơ sở xét nghiệm cần tăng cường lấy mẫu trên người, đặc biệt ở khu vực biên giới gần các nước đã có dịch. Theo đó, cần mở rộng tiêu chuẩn giám sát để tăng độ nhạy chủ động khống chế, phòng dịch, không chờ phải có người dân biểu hiện nặng mới kiểm tra. Cùng đó, phải lấy mẫu thí điểm xét nghiệm ở cộng đồng, đặc biệt ở những người buôn bán, tiếp xúc, vận chuyển gia cầm…
“Thịt gà đông lạnh, trứng gà, khi được luộc chín sẽ tiêu diệt được virus nhưng trong quá trình vận chuyển và chế biến không loại trừ virus cúm gia cầm vẫn có thể lây lan, lây truyền bệnh. Đông lạnh không có tác dụng tiêu diệt được virus cúm gia cầm nên sử dụng sản phẩm gà đông lạnh, trứng gia cầm nhiễm virus H7N9 thì người tiêu dùng vẫn có thể nhiễm bệnh như thường”, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay...
Thu Nguyên
Đăng nhận xét