Người mẹ bị trầm cảm sau sinh?
Liên quan đến câu chuyện người mẹ đánh mắng, bỏ con ở siêu thị vì làm mất gói kẹo gây xôn xao cộng đồng mạng mấy ngày qua. Chiều 20/2, chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị T. (mẹ đẻ chị H.T.H.) cho biết suốt hai ngày qua, cả gia đình bà rất đau lòng về sự việc này.
Theo người thân mấy năm nay chị H. có nhiều dấu hiệu bất thường về tâm lý.
Theo bà T., ngày 19/2, ngay sau khi biết tin con gái đánh cháu ngoại xôn xao dư luận, bà ngay lập tức rời quê lên thành phố. Bản thân bà cũng là người mẹ có con nên bà vô cùng đau lòng khi mấy năm nay con gái bà có nhiều bất thường và có dấu hiệu nghi trầm cảm sau sinh.
Con gái quấy khóc khiến tâm trạng chị H. cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Bà T. cho biết, đứa con đầu của chị H. bị chết lưu thai, khi mang thai đứa con thứ 2, chị H. có nhiều dấu hiệu bất thường, đến giờ sinh thì bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh trầm cảm, không thể sinh được nên 28 tuần bác sĩ đã tiến hành hội chẩn.
"Vào phòng mổ nó không cho bác sĩ đỡ đẻ và bảo phải 1 tuần nữa mới sinh. 28 bác sĩ trong viện phải bó tay. Sau đó, hai bác sĩ tâm lý cùng với gia đình phải rất vất vả động viên để con sinh mổ thành công. Sau ca mổ, biết hoàn cảnh gia đình nên các bác sĩ miễn phí hoàn toàn, không lấy tiền mổ", bà T. chia sẻ.
Tính cách chị H. cũng trở nên dần dần khác thường, hay cười nói một mình, cộng thêm đó là người con gái hay quấy khóc khiến chị càng lo lắng cho con nên quyết nghỉ công việc ở nhà chăm con. Mọi việc trông chờ vào đồng lương của chồng.
Hằng ngày chị ở nhà chăm con và lo cơm nước cho chồng con.
Chị H. cũng khép mình, ít giao tiếp với mọi người xung quanh.
"Tôi cũng đã chạy hết các cửa bệnh viện để mong sao chữa được bệnh cho con nhưng không được. Thấy con như thế tôi rất đau lòng. Ở trong chăn mới biết chăn có rận, chỉ có lòng mẹ mới hiểu con thế nào. Gia đình tôi nghèo cũng vì lo chạy chữa cho con", bà T. tâm sự.
Theo bà T., lo cho con gái nên ngày nào bà cũng điện thoại hỏi han thường xuyên.
"Tôi cũng động viên con gái đưa cháu về quê ít hôm, chiều nay H. cũng đã đưa con về nhà. Tuy nhiên, nó về chỉ một hai ngày rồi lại lên chỗ trọ ở với chồng. Nhiều hôm 1h đêm nó cũng lên với chồng, nó yêu thương chồng lắm nên không khuyên nó ở lại với tôi được", bà T. nói tiếp.
Người thân đau lòng vì những lời bình luận ác ý trên mạng xã hội
Chia sẻ với chúng tôi, ông B. (63 tuổi, bố đẻ chị H.) cũng buồn rầu khi nói về con mình. Ông B. cho biết chưa khi nào ông yên lòng khi thấy con gái ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường như vậy. Ông càng đau lòng hơn khi trên mạng xã hội mọi người chưa hiểu câu chuyện phía sau đã bình luận ác ý.
Người thân động viên chị về quê tiện chăm sóc, chữa bệnh nhưng được 1, 2 ngày chị H. lại lên Hà Nội.
"Bệnh viện lớn nào vợ chồng tôi cũng cố đưa con đến, con lại nói "làm gì có bệnh mà chữa trị", lấy thuốc con cũng không uống. Nhiều lúc nghĩ tới con cháu mà đứt từng khúc ruột", ông B. kể.
Theo ông B., ông vốn là thương binh, lại nhiễm chất độc da cam nên cũng nghi con gái bị ảnh hưởng, cộng thêm những áp lực trong cuộc sống, công việc, gia đình, con cái... "Cháu ngoại thi thoảng hay lăn ra ăn vạ rồi hay quấy khóc nên nhiều khi H. cũng bị stress. Tôi chỉ cầu mong sao con cháu khỏe mạnh thôi", ông B. tâm sự.
Theo Định Nguyễn (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)
Đăng nhận xét