Bếp than và dây điện bao vây bên trong và ngoài ngôi nhà số 3 Trần Nguyên Hãn.
Cháy không có đường chạy
Ngôi nhà cũ nát số 3 Trần Nguyên Hãn (quận Hoàn Kiếm) trước đây chỉ có 5 hộ chính chủ. Qua nhiều năm sinh sống, hiện nay ngôi nhà này đang phải gánh khoảng 18 hộ dân với hơn 100 người.
Ông Lê Hùng ở phòng 102, tòa nhà trên 100 tuổi này, thở dài ngao ngán: “Ngôi nhà quá xuống cấp vì bị cơi nới, cải tạo để mở thêm mặt tiền ở phố bên cạnh. Trước đây, nó được gọi là biệt thự cổ, xây dựng nên bởi người Pháp, nhà có tầng hầm. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản nhà năm 1954, các hộ dân đã sử dụng diện tích này để làm thêm tầng nữa. Tổng cộng, có khoảng 7 hộ dân cải tạo để mở mặt tiền ra phía đường Tông Đản. Vì thế, nếu nhìn ngôi biệt thự từ phía đường Tông Đản, nền nhà ở đây thấp hơn vài mét so với nền của các hộ gia đình đường Trần Nguyên Hãn. Nền nhà của các hộ cải tạo cũng bị võng, biến dạng”. Bản thân ban công nhà ông cũng bị bịt vì hộ dân bên cạnh đua ra thêm cái “chuồng cọp” khiến nhà ông không còn cả chỗ để… “thở”.
Ở bên trong, ngôi nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt, nhiều mảng tường bị sạt, hệ thống cửa bằng gỗ đã mục nát. Nhiều hộ dân xây chằng chịt các khung sắt, “lô cốt” và ống nước lớn bé khác nhau. Đi lên chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, chúng tôi lạnh gáy vì nhiều chỗ đã bị mối mọt đục ruỗng, mái che nhiều chỗ... nhìn thấy trời. Không gian của ngôi nhà bị người dân tận dụng làm bếp, làm phòng ở kín mít. Khoảng sân được xem là giếng trời của biệt thự cũng bị các hộ dân biến thành khu vệ sinh bẩn thỉu, hôi thối và nhếch nhác do nước luôn tràn ra bên ngoài. Chưa kể ngay trong lòng ngôi nhà, nhiều hộ dân tận dụng làm nơi nấu nướng với khoảng 4 - 5 bếp than lớn, bé luôn đỏ rực.
Các mảng tường cả trong lẫn ngoài được bao bọc chằng chịt bởi dây điện. Ngay ở góc nhà, trụ điện chằng chịt dây quấn ngang, dọc. Để mở rộng diện tích sử dụng, một số gia đình còn cơi nới cả trên nóc ngôi nhà làm tầng lửng. Một số hộ khác thì cơi nới mở rộng diện tích xây thêm “ba lô”, “chuồng cọp”. Ông Hùng lắc đầu ái ngại khi nghĩ đến có hỏa hoạn xẩy đến thì cả trăm con người biết thoát lối nào?
Cùng cảnh ngộ, ngôi biệt thự số 57B, Phan Chu Trinh hiện cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của PV, nơi đây có hơn 30 hộ sinh sống. Trước đây, ngôi nhà này có cả sân, vườn song rồi vì lợi nhuận, vì nhu cầu, tất cả sân, vườn ở đây đều hóa thành nhà. Dãy cửa hàng ở con phố nhỏ Hàng Cá, những ngôi nhà hình ống mặt tiền chỉ khoảng 3m, không có cửa hậu. Phía trước những căn nhà này là hàng hóa xếp dày đặc. Những ngày lễ tết, ngày mồng một, ngày rằm người dân đều hóa vàng mã ngay trước nhà, thậm chí ngay trong nhà. Nếu hỏa hoạn xẩy ra ở tầng 1 thì những tầng phía trên không lối thoát, đồng thời những ngôi nhà bên cạnh chắc chắn phải chịu chung số phận.
Mọi tiêu chuẩn bằng… không!
Cửa hàng ở phố Hàng Cá, chật hẹp không lối thoát hiểm, dây điện đi lại chằng chịt phía trên. Ảnh: HP
Sự quá tải về diện tích dẫn đến tiềm tàng nguy cơ hỏa hoạn. Theo thị sát của chúng tôi ở phần nhiều các khu tập thể cũ, nhà nhỏ ở phố cổ, đồ dùng sinh hoạt từ quần áo, bếp than, bếp điện… trăm thứ phục vụ việc sinh sống của gia đình đều chất trong diện tích nhỏ bé chừng ấy mét vuông. Điều kiện sống chật hẹp, quá tải đó chính là cơ hội để ngọn lửa bùng phát lớn bất cứ lúc nào.
Phân tích của Phòng Cảnh sát PCCC số 1 – đơn vị phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm - thì nhà ở biến thành kho chứa hàng, làm cửa hàng là rất phổ biến tại phố cổ Hà Nội. Xét theo quy định thì tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy đều không đạt. Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, nhà ở lâu năm, chất lượng đi xuống trầm trọng, thêm vào đó hệ thống điện chằng chịt nên nguy cơ cháy nổ xẩy đến rất cao. Trong khi đó, đối với khu phố cổ, hầu hết nhà chỉ ở một phần còn lại mặt tiền cho thuê. Vừa sinh hoạt, vừa bán hàng, hàng hóa luôn chất cao đến trần nhà, đường đi lối lại không có, lối thoát nạn không, nên khi xảy cháy nếu có người phía trong thì chỉ còn cách chạy… lên trời.
Theo quy chuẩn an toàn đối với một cửa hàng kinh doanh, hệ thống điện phải được đấu nối riêng biệt, không thể sử dụng chung với điện sinh hoạt gia đình. Trên thực tế, đối với những căn nhà phố cổ thì không phải vậy, người ta chỉ biết cho thuê, và điện chỉ cần lắp thêm 1 chiếc công tơ nữa, chứ ít ai kéo một đường dây riêng biệt để đảm bảo không bị quá tải chập cháy.
Được biết, hiện Hà Nội có khoảng 1.600 biệt thự cổ và phần lớn đều xuống cấp nghiêm trọng do mỗi căn phải gánh hàng chục hộ dân sinh sống. Việc cải tạo, cơi nới thêm diện tích đã khiến các ngôi biệt thự đã cổ lại thêm quá tải, nguy cơ cháy nổ rất lớn. Năm 2016, phố cổ Hà Nội đã xảy ra 3 vụ cháy nhà: ngày 16/5, ngôi nhà số 86 phố Cầu Gỗ phát hỏa, đám cháy được xác định là ở tầng 4 - phần diện tích được cơi nới; ngày 19/6, cháy tại căn nhà hai tầng số 88 đường Hàng Khoai; ngày 29/6, căn nhà số 48 phố Hàng Than bốc cháy khói đen nghi ngút.
Hà Phương
Đăng nhận xét