Từ xóm nước đen của dân nhập cư đến phố ẩm thực Sài Gòn
20 năm về trước, lũ trẻ Sài Gòn chúng tôi rất sợ khi đi qua đường Phan Xích Long, con đường được xem là tập trung nhiều tệ nạn, mại dâm, trộm cắp nhất nhì thành phố vào thời kỳ đấy. Đường Phan Xích Long nằm song song với bờ kênh Nhiêu Lộc. Thời trước cải tạo, kênh Nhiêu Lộc là dòng kênh đen đặc quánh, bốc mùi kinh khủng, nên người ta rất ái ngại khi đi qua đây. Cũng vì thế mà nó có tên là "xóm nước đen" hoặc "xóm Cù Lao".
Nếu muốn tìm những hình ảnh nơi này 20 năm trước, bạn có thể xem lại bộ phim "Xóm nước đen" mà đạo diễn Đỗ Phú Hải đã lấy bối cảnh cuộc sống ở đây để làm vào năm 1996. 4 tập phim là những khung cảnh thật của thời kỳ ấy, khi mà những căn nhà lá, cầu khỉ, dòng kênh đen được đạo diễn lột tả cận cảnh.
Một cảnh trong phim "Xóm nước đen" vào năm 1996.
Bắt đầu từ những năm 2000, chính quyền quận và thành phố triệt để bài trừ các tệ nạn trên cung đường này, quy hoạch nhà đất và cải tạo toàn bộ dòng kênh Nhiêu Lộc. Sau cuộc đại cải tạo mà lãnh đạo TP.HCM hồi đó gọi là "dự án điểm của cả nước", khu Cù Lao này dần trở thành con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn.
Đường Phan Xích Long nằm giữa quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh, là con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn khi hội tụ tất cả các dịch vụ ăn uống, giải trí và mua sắm cho người dân.
Chỉ trên một con đường chừng hơn 1km, người ta có thể tìm thấy đủ mọi loại hình dịch vụ từ cafe đến nhà hàng, quán ăn, ngân hàng (có hơn 16 ngân hàng tại con đường này). Cafe thì cũng đủ loại hình, cafe cóc, cafe sang, cafe take away. Các thương hiệu cafe, trà sữa nổi tiếng cũng xuất hiện liên tiếp như Highlands, Starbucks, Gong Cha... Nhà hàng ăn uống thì quy tụ đủ ẩm thực các nước, đủ mọi vùng miền, đến nỗi người ta còn đùa nhau rằng, muốn thử hết tất cả các món ăn chơi ở Sài Gòn, chỉ riêng trên con đường Phan Xích Long cũng phải mất hàng tháng.
Một người dân sống lâu năm ở đây hài huớc chia sẻ: "Ở trên đường này, bước ra đầu hẻm là cái gì cũng có, bệnh viện, trường học, siêu thị, ngân hàng, trung tâm Anh ngữ, trung tâm thể thao, phòng gym... Còn ăn uống thì hôm nay ăn món Huế, mai món Quảng, mốt món Bắc. Ngán món Việt thì ăn món Thái, món Hàn, món Hoa, món Nhật, loại nào cũng có. Chỉ riêng đoạn giữa đường Phan Xích Long đã có đến 4 nhà hàng BBQ nổi tiếng nằm gần nhau. Nói đường này giờ là "phố Wall ở Sài Gòn" cũng chẳng sai đâu".
Bên cạnh các nhà hàng Thái, Nhật, Hàn và các quán ăn đủ mọi vùng miền, khu Phan Xích Long còn là nơi tập trung nhiều hàng quán ăn vặt hơn bất cứ nơi nào ở Sài Gòn.
13 con đường mang tên của 13 loài hoa
Điểm trừ duy nhất ở khu Phan Xích Long có lẽ là... số nhà. Số nhà trên đường không đồng bộ do người dùng số cũ, người đã đổi số mới. Đó là chưa kể những con đường bao bọc Phan Xích Long không đánh số thứ tự như đường số 1, số 2, mà lại được đặt tên ngẫu nhiên theo các loài hoa.
Có tất cả 13 loài hoa được đặt cho 13 con đường nhỏ giao nhau như một bàn cờ ở khu Phan Xích Long, đó là các đường: Hoa Hồng, Hoa Lan, Hoa Phượng, Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Cau, Hoa Cúc, Hoa Sứ, Hoa Huệ, Hoa Sữa, Hoa Lài, Hoa Trà, Hoa Thị... Các tên đường đặt ngẫu hứng, không theo thứ tự nên rất khó để những người dân khu khác tìm nhà ở đây.
Điều khiến nhiều người tò mò chính là những con đường nhỏ cắt ngang đường Phan Xích Long đều đặt tên theo các loài hoa. Có tất cả 13 con đường mang tên hoa như thế.
"Mình ở trọ trên đường Phan Xích Long cũng 5 năm qua, nhưng thật sự không nhớ hết vị trí các đường hoa ở đây. Nhiều người hỏi địa chỉ của đường hoa này hoa kia nhưng mình cũng phải mở google map ra để chỉ họ", Anh Thư, 28 tuổi, nhân viên văn phòng, chia sẻ.
Mỗi con đường hoa có độ dài chưa đến 1km, trong đó dài nhất là đường Hoa Lan cũng chỉ khoảng 650m, ngắn nhất là đường Hoa Huệ dài khoảng 130m. Các con đường hoa tập trung nhiều biệt thự đắt tiền và được trồng rất nhiều cây xanh cho bóng mát, lại ít xe cộ qua lại nên đây cũng là nơi nhiều người tìm đến để dạo bộ hoặc ngồi cafe vỉa hè trò chuyện cùng nhau.
Khác với vẻ ngoài náo nhiệt trên đường Phan Xích Long, các con đường bao bọc xung quanh tuyến đường này lại là những đường nhỏ rợp bóng cây, ít xe qua lại, không khí trong lành bất kể ngày đêm.
Vài năm gần đây, do lượng người đổ về khu Phan Xích Long để kinh doanh, thuê ở và giải trí ngày càng nhiều, phương tiện bắt đầu đông hơn, chính quyền đã lắp đặt các hệ thống đèn giao thông và cả camera an ninh trên toàn tuyến đường để hạn chế tệ nạn...
Ngay đoạn giao giữa đường Hoa Cúc và Hoa Sứ là một siêu thị lớn, bên dưới có đến hàng chục quán cafe, giải khát "bao vây".
Người dân sống lâu năm ở đây cũng không biết vì sao có nhiều loài hoa được đặt theo tên đường như thế.
Chú Hùng, sống ở đường Cù Lao cho biết: "Thay vì đặt theo số, thì các con đường ở đây mang tên hoa. Ai mới đến cũng thắc mắc hỏi rằng có phải trên đường có hoa gì thì mang tên loài hoa đó không. Nhưng thật sự không phải vậy, vì đa phần hoa trên đường là hoa do nhà dân trồng, đó là hoa giấy, các loại dây leo, hoa bông bụp... còn lại là cây xanh bóng mát".
Có nhiều "đường hoa" dẫn vào ngõ cụt nhưng tại cái ngõ nhỏ ấy, người ta vẫn có thể mở quán cafe cóc, đẩy xe hàng rong hay kinh doanh hàng ăn và đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày.
Đường Hoa Huệ được xem là con đường ngắn nhất Sài Gòn khi độ dài chỉ có hơn 100 mét.
Giao với đường Hoa Huệ là Hoa Cúc.
Những ai sở hữu nhà đất ở đây đều ăn nên làm ra do họ có thể cho dân kinh doanh thuê mặt bằng. Loại hình kinh doanh thịnh hành nhất ở khu vực này là cafe và khách sạn.
Trên đoạn đường này, người ta có thể dễ dàng thử nghiệm được những món ăn độc đáo.
Một quán cafe dễ thương trên đường Hoa Mai. Được che chắn bởi những tòa nhà văn phòng trên đường chính nên các "đường hoa" lúc nào cũng rợp bóng mát.
Có người đùa rằng, lẽ ra nên đặt tên đường theo cây, vì ở đây, cây xanh bóng mát lúc nào cũng át hẳn những loài hoa.
Theo Trí thức trẻ
Đăng nhận xét