Quê tôi ở vùng đồng bằng chiêm trũng, nhà thuần nông lại đông anh em nên từ bé tôi rất sợ nghèo khổ. Vậy nên, không như các anh em trong nhà tôi quyết chí học hành. Hết cấp 3, tôi thi đỗ đại học làm rạng danh cả nhà, sau khi ra trường bố mẹ tôi lại được dịp nở mày nở mặt với bà con lối xóm khi tôi có việc làm lại lấy được vợ Hà Nội.
Vợ là con một nên nghiễm nhiên sau kết hôn, tôi rời khỏi gian phòng trọ chật chội về ngôi nhà lớn của gia đình vợ. Những tưởng đây sẽ là khoảng thời gian hạnh phúc của tôi nhưng nó lại là chuỗi ngày vô cùng áp lực và mệt mỏi.
Những ngày bình thường không sao những ngày Tết mới là thời gian buồn chán và nhục nhã của người làm rể là tôi. Chẳng muốn so sánh làm gì nhưng cứ nhìn bạn bè làm rể sao mà sướng thế. Họ được bố mẹ vợ chiều chuộng nể trọng bao nhiêu thì tôi lại bị coi thường bấy nhiều.
Trong khi tôi bận trăm công nghìn việc ngày tết thì vợ chỉ việc hưởng thụ ngồi chơi.
Là người tỉnh lẻ, gia cảnh nghèo khó nên thân thế của tôi bị coi nhẹ trong nhà. Những ngày giáp Tết nào là đưa mẹ vợ đi chợ Tết, lái xe đưa bố vợ đi khắp các họ hàng để thăm hỏi biếu xén. Chưa kịp thở, về nhà tôi lại phải lau nhà dọn phòng để chuẩn bị cho Tết. Trong khi ấy, vợ muốn đỡ đần tôi thì bố mẹ vợ đã lên tiếng càu nhàu: "Con cứ ngồi yên đấy cho bố mẹ, từ bé con có phải làm gì đâu mà giờ đỡ với chẳng đần. Việc này thằng Quân làm được". Lúc ấy, tôi chỉ muốn quẳng cái chổi xuống và mở cửa bỏ đi nhưng cứ nghĩ đến hoàn cảnh của mình tôi lại kìm lòng xuống.
Tôi biết mình hèn kém nhưng cứ nghĩ đến niềm tự hào rạng rỡ của bố mẹ, tôi lại nín nhịn lại. Tết năm nào mà chẳng như vậy, tôi đã quen rồi nhưng cứ mãi như vậy tôi chắc khó chịu nổi. Ngày Tết ai cũng vui vẻ hạnh phúc còn riêng tôi nặng trĩu trong lòng.
Tết nhất ai cũng được về nhà sum vầy với bố mẹ, vì chiều vợ và nghe lời bố mẹ vợ tôi ăn Tết tại Hà Nội. Gọi điện về cho mẹ, mẹ chẳng nói gì nhưng tôi biết bà đang rất buồn. Tiếng thở dài ấy khiến lòng tôi đắng đót mà không biết phải làm sao cho mẹ vui.
Tôi cũng có ý kiến xin bố mẹ vợ để hai vợ chồng về quê ăn Tết ít hôm rồi lên Hà Nội sớm, mẹ vợ tôi thủng thẳng: "Người ta cố bám trụ mọi cách ở Hà Nội, người thì bám vào vợ, kẻ bám vào nhà chồng ở thủ đô thế mà lại có người cứ đòi về ăn Tết". Tôi nghẹn lòng vì những lời nói ấy, tôi biết bố mẹ vợ vẫn chê tôi "đũa mốc chòi mầm son". Vậy nên ông bà mới cay nghiệt như vậy.
Tôi hèn khi ở nhà vợ và không dám phản kháng bố mẹ vợ mắng nhiếc.
Tết nhất con rể người ta được trọng vọng, được cơm bưng nước rót, được nghe những lời ngọt ngào nhẹ nhàng từ bố mẹ vợ. Tôi thì từ sáng sớm đã vào bếp nấu món nọ, món kia cho bố mẹ vợ, riêng vợ lại phải chạy đi ra hàng để mua đúng món cô ấy thích. Những ngày Tết tôi có khác gì osin hết làm cơm để cúng, lại đến rửa bát khi khách ăn xong, chưa kịp ngồi nghỉ mẹ vợ đã vội vã bảo tôi đun nước pha trà.
Trong những ngày đầu xuân năm mới, tôi cứ như cái "đèn cù" làm đủ mọi việc luôn tay luôn chân, vậy mà bố mẹ vợ vẫn thở dài thườn thượt khi tôi "hầu hạ" không được như ý. Tôi nghĩ phận mình chẳng phải con rể mà là osin không lương thì đúng hơn.
HH
Đăng nhận xét