Cựu binh Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Chí Cường
Dấu chân cựu binh nơi phố nhỏ, ngõ nhỏ
Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng vào một đêm khuya của ngày cuối đông tôi mới gặp được ông. Vẫn khoác trên người bộ đồng phục bảo vệ dân phố, ông tiếp tôi trong căn phòng nhỏ ở phố Hoàng Văn Thái (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân). Ông bảo, giờ này vợ và các con ông đã đi ngủ, ông vừa đi tuần cùng các đồng nghiệp trong Tổ tuần tra chuyên trách của phường. Mặc dù công việc đang dang dở, nhưng ông về trước vì như ông nói: “Tôi luôn giữ đúng hẹn. Làm việc xong với nhà báo tôi sẽ tiếp tục đi tuần cùng anh em. Giờ này cũng muộn rồi, lát gặp cái gì thì ăn đấy thôi”.
Ông Hùng sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Năm 1976 ông nhập ngũ rồi sau đó ra quân. Ra quân chưa được bao lâu thì năm 1979 nghe theo tiếng gọi tổng động viên của Tổ quốc, ông lại nhập ngũ. Sau đó công tác tại Trung đoàn 28 Công binh của Lực lượng phòng không không quân.
Năm 2000 ông về hưu và sinh sống tại phường Khương Mai. Ông Hùng nhớ lại, đầu những năm 2000, trên địa bàn phường ông sinh sống, dân cư tuy chưa đông nhưng tệ nạn xã hội đã là vấn đề nhức nhối. Thấy sức mình còn khỏe, ông mong muốn đóng góp một phần công sức cho nơi mình sinh sống.
Nghĩ là làm ông mạnh dạn đề nghị với chính quyền phường Khương Mai, Công an phường Khương Mai thành lập tổ tuần tra chuyên trách. Ông cáng đáng với vai trò tổ trưởng cùng các thành viên là các cán bộ về hưu vốn trước đó công tác trong các lực lượng vũ trang để hỗ trợ chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Thời điểm những năm 2000 ý tưởng của ông là táo bạo và cũng là một trong những mô hình đầu tiên ở Hà Nội và của miền Bắc.
Với phẩm chất của người lính dám nghĩ, dám làm, 16 năm nay ông và các anh em trong tổ của mình đã ghi lại dấu ấn trong việc góp phần làm thay đổi tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, được người dân yêu mến.
Khi tôi hỏi kể từ khi làm cái việc “vác tù và hàng tổng” đến nay ông đã trấn áp được bao nhiêu đối tượng xấu? Trầm ngâm suy nghĩ một lúc, người cựu binh già này cười hiền nói rằng ông không nhớ rõ. Có lẽ nhiều lắm, ông đã tham gia cùng với cơ quan hữu trách địa phương triệt phá khoảng hơn 300 vụ trộm cắp, cướp giật, gây rối an ninh trật tự. Riêng cá nhân ông đã trực tiếp khống chế, bắt giữ hàng chục đối tượng, thu được nhiều tang vật trị giá hàng trăm triệu đồng trả lại người bị hại. Người cựu binh này cho biết, riêng năm 2014, ông tham gia tuần tra cùng công an phường trên 230 buổi, bắt giữ 11 vụ vi phạm pháp luật với 15 đối tượng.
Ông Hùng bảo, 16 năm nay ông luôn có những bữa cơm ăn vội cùng vợ con. Ngày nắng nóng hay mưa lạnh với ông cũng không khác gì nhau. "Mỗi một ngày bình yên trôi đi là mỗi một ngày thấy mình nhẹ nhõm. Vợ và các con phải chia sẻ, thấu hiểu cái máu người lính trong mình nhiều lắm thì mình mới có thời gian làm cái việc mà thiên hạ bảo là "vác tù và hàng tổng". Còn với mình đó đơn giản chỉ là trách nhiệm của một công dân thôi”.
Người dân phường Khương Mai, đặc biệt là những hộ bán hàng thuê, hàng rong không lạ gì hình ảnh người cựu binh này cùng với các đồng đội khác cũng là quân nhân về hưu hàng đêm vẫn luồn lách, lầm lũi có mặt từng ngõ ngách, con phố trên địa bàn để giữ gìn an ninh cho người dân sở tại. Họ làm công việc một cách bình lặng, không ồn ào khi ánh điện trong mỗi nhà dân đã tắt. Sự xuất hiện của họ giúp giấc ngủ trong những ngôi nhà nơi đây bình yên hơn.
Ông Nguyễn Văn Hùng nói, chỉ cần tôi đọc tên một hộ gia đình nào đó trong phường thì ông có thể đọc được ngay số nhà, gia đình họ gồm những ai, như thế nào.
Tai nạn không chùn bước
Ông Hùng vinh dự được lãnh đạo TP Hà Nội vinh danh tại Hội nghị biểu dương Công dân Thủ đô ưu tú. Ảnh: T.G
Do đặc thù công việc nên người cựu binh Nguyễn Văn Hùng và đồng đội trong tổ phải đối mặt với hiểm nguy là chuyện như cơm bữa. Nhưng những điều đó không làm nhụt ý chí của người cựu binh này.
Trong những lần bắt giữ tội phạm, ông đã hai lần phải điều trị phơi nhiễm HIV. Ông Hùng nhớ lại: Năm 2007, trong một lần bắt tội phạm, sau khi khống chế được đối tượng cả ông và đối tượng đều bị xây xát. Đối tượng đó nhiễm HIV và đã chuyển sang giai đoạn cuối, vì vậy ông phải điều trị phơi nhiễm HIV theo phác đồ. Lúc đó ông nghĩ rằng không được để lây sang vợ, lấy lý do công việc thường xuyên phải đi đêm về hôm, tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ, ông ngủ riêng giường, riêng phòng. Trong tháng đều đặn ông đến cơ sở y tế điều trị phơi nhiễm theo phác đồ. Ông bảo, những ngày đó làm sao để vợ không biết, không phải buồn phiền lo lắng cho sức khỏe của ông là điều khiến ông phải suy nghĩ nhiều nhất.
Vì điều trị phơi nhiễm phải tuân thủ tuyệt đối phác đồ, kiêng uống rượu bia. Thời gian đó thấy chồng đoạn tuyệt với rượu bia, linh cảm của người phụ nữ mách bảo vợ ông rằng, chồng đang có vấn đề về sức khỏe. Vợ gặng hỏi nhưng ông kiên quyết giấu nhưng cuối cùng vợ ông cũng biết chuyện. Thay vì ngăn cản chồng không được tiếp tục cái công việc "vác tù và hàng tổng" đầy nguy hiểm, bà đã sát cánh bên ông, động viên ông khi ông cần nhất. “Đó là hạnh phúc, sức mạnh hậu phương của tôi”, ông Hùng nói. Sau thời gian điều trị phơi nhiễm, các kết quả xét nghiệm đều âm tính phần nào giúp ông gạt bớt nỗi lo liên lụy đến vợ con. Lần thứ 2 cũng là tham gia bắt giữ đối tượng xấu có HIV ông cũng bị xây xát và một lần nữa ông lại phải bước vào cơ sở điều trị phơi nhiễm HIV.
Tôi hỏi rằng, sau những lần như vậy ông có thấy sợ không và có lúc nào ông nghĩ rằng sẽ về nhà nghỉ, thôi công việc mình đang làm không? Người cựu binh này mỉm cười: “Nhân dân tin tưởng mình, các đồng chí công an địa phương quý mến, mình lại có nhiệt huyết, làm sao có thể không làm”. Ông cũng nhớ lại rằng, có lần ông và lực lượng tuần tra phát hiện một đối tượng buôn ma túy. Trong quá trình truy đuổi, đối tượng ném cả một túi tiền về phía ông. Nhưng ông và lực lượng tuần tra phường Khương Mai đã quyết tâm bắt giữ đối tượng, mang cả túi tiền về giao nộp cho công an.
Trong căn phòng nhỏ của ông Hùng, những tấm bằng khen, danh hiệu Chiến sỹ thi đua treo kín tường. Ông Hùng bảo, những danh hiệu ấy ông luôn trân trọng và tự hào. “Trân trọng, tự hào không phải vì thành tích mình đạt được mà trân trọng, tự hào vì những gì mình đã làm và tiếp tục làm, sống đẹp, sống có ích, sống có trách nhiệm”, ông Hùng nói.
Khi tôi hỏi, với vai trò Tổ trưởng tổ tuần tra chuyên trách, Đội trưởng đội phòng chống tệ nạn xã hội ông phân bổ thời gian như thế nào để dành cho vợ con. Ông Hùng cho hay, rất may người phụ nữ của cuộc đời ông cũng là một người lính, các con ông cũng hiểu tính cách và chia sẻ với bố, vì vậy ông mới có thời gian để chuyên tâm vào công việc xã hội. Lâu lắm rồi ông ít được ăn bữa cơm với toàn thể gia đình. “Mình đi đêm về hôm gặp đâu ăn đó, ngày nào bà xã mình và các con cũng phần cơm. Về nhà mình vẫn ăn, mặc dù ăn một mình cũng buồn nhưng mãi rồi cũng thành quen”, ông Hùng cười nói.
Sống có ích là trách nhiệm của mỗi người
Ngày nào ông Hùng và các đồng đội cũng thay nhau đi tuần 2 ca sáng - chiều. Tổ có 5 người thì chỉ 1 người được nghỉ, còn lại là luân phiên nhau tuần đêm. Nói về kinh phí hỗ trợ cho công việc, ông Hùng bảo:Chúng tôi làm tự nguyện, một tháng mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng.“Mình làm vì nhiệt huyết, vì cộng đồng thôi”, ông Hùng nói.
Những nỗ lực, hy sinh không ngừng của cựu binh Nguyễn Văn Hùng đã được TP Hà Nội ghi nhận. Vừa qua, cựu binh Nguyễn Văn Hùng được TP Hà Nội vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú. “Cá nhân tôi được vinh danh còn có công lao của các anh em trong tổ chuyên trách. Như tôi nói sống có ích, sống có trách nhiệm với cộng đồng, giữ gìn bình yên cho người dân là trách nhiệm đã ngấm vào máu trong mỗi người lính chúng tôi...”, ông Hùng nói.
Chia tay tôi, cựu binh Nguyễn Văn Hùng lại lạch cạch dắt xe máy lặng lẽ ra khỏi nhà làm cái công việc “vác tù và hàng tổng”.
Hà Châu
Đăng nhận xét