1. Rượu:
Khi chúng ta uống rượu, chất cồn được hấp thu nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Toàn bộ lượng máu này đều đi qua gan trước khi đổ về tim, và hầu hết lượng rượu được uống vào cũng được "điều" đến gan để xử lý.
Tại đây, hệ thống enzym có nhiệm vụ chuyển hóa, biến đổi lượng cồn thành một chuỗi phản ứng hóa học để cho ra CO2 và nước, sau đó thải ra ngoài qua nước tiểu và phổi. Vì vậy, gan là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất so với các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.
Tuy nhiên, khả năng xử lý chất cồn của gan cũng có hạn. Mỗi giờ, cơ quan này chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định.
Do đó, nếu chúng ta uống quá nhiều rượu trong một thời gian ngắn, nồng độ cồn trong máu sẽ tăng cao, khiến gan không thể xử lý hết, thậm chí còn gây ra tình trạng "quá tải", khiến gan bị suy yếu và nhiễm độc.
Nếu thường xuyên duy trì thói quen uống nhiều rượu liên tục trong một thời gian dài, chức năng gan sẽ bị suy giảm nhanh chóng, dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Rượu cùng các đồ uống có cồn khác là "kẻ thù" số một của lá gan. (Tranh minh họa).
2. Đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn:
Những loại đồ ăn nhanh hoặc các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, mì ăn liền… mặc dù có thể giúp chúng ta tiết kiệm thời gian cho việc ăn uống nhưng lại không hề có lợi cho sức khỏe.
Các loại thực phẩm này thường chứa chất bảo quản và chất tạo màu nhân tạo. Hấp thụ thường xuyên những loại chất này sẽ làm tăng gánh nặng chuyển hóa và ảnh hưởng tới chức năng giải độc của gan.
Bởi vậy, chúng ta không nên ăn quá nhiều đồ ăn làm sẵn hoặc thức ăn nhanh, đặc biệt là những người có chức năng gan suy yếu.
Luôn có mặt trong thực đơn của những người bận rộn, nhưng đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn lại không hề được lá gan chào đón. (Ảnh minh họa).
3. Thực phẩm bị mốc:
Những thực phẩm có dấu hiệu của nấm mốc đều sinh ra chất aflatoxin. Đây là một loại độc tố vi nấm đã được chứng minh là có khả năng gây ung thư gan.
Các chủng nấm này phát triển mạnh ở các loại nông sản như gạo, ngô, lạc, đậu, hạt hướng dương, hoặc các thực phẩm khô như tôm khô, mực khô, trái cây khô... nếu chúng không được chế biến và bảo quản đúng cách.
Đối với những loại thức ăn đóng hộp và thực phẩm chế biến sẵn được đóng gói, nếu để trong tủ lạnh hoặc quá hạn sử dụng hay có dấu hiệu ôi thiu, các loại vi khuẩn và nấm mốc vẫn có thể phát triển.
Cần lưu ý rằng, không nên đem các thực phẩm nấm mốc, ôi thiu cho gia súc, gia cầm ăn. Khi đó, thịt của chúng sẽ bị nhiễm aflatoxin. Chất này hoàn toàn có thể truyền sang cơ thể con người nếu chúng ta ăn thịt từ những loại gia súc, gia cầm đó.
Thực phẩm đã mốc hoặc ôi thui cần được vứt bỏ và tránh sử dụng dưới mọi hình thức. (Ảnh minh họa).
4. Hạt hướng dương:
Là loại quà vặt phổ biến thường ngày, đặc biệt là những ngày Tết, nhưng ít ai biết rằng hạt hướng dương là một trong những loại thực phẩm gây hại cho gan.
Nguyên nhân là bởi loại hạt này chứa các acid béo không bão hòa. Ăn quá nhiều hạt hướng dương sẽ làm tăng lượng lớn choline lưu trữ chất béo trong gan, gây ảnh hưởng tiêu cực tới chức năng tế bào gan.
Ăn nhiều món quà vặt khoái khẩu này lại không hề tốt cho lá gan của bạn. (Ảnh minh họa).
Điểm mặt một số thói quen sinh hoạt "tàn phá" lá gan của bạn
Uống ít nước
Một trong những nhiệm vụ chính của gan là xử lý và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Việc uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu và tăng cường khả năng hoạt động của các tế bào gan, giúp quá trình đào thải chất độc hiệu quả hơn.
Ngược lại, nếu uống đủ nước, quá trình thải độc gan vẫn diễn ra nhưng không đạt được nhiều hiệu quả tối đa.
Chính vì vậy, hãy bổ sung đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe cho gan nói riêng và toàn cơ thể nói chung.
Hút thuốc lá
Mỗi năm, tại Mỹ có khoảng 480.000 người tử vong vì các hậu quả của hút thuốc lá, theo báo cáo của CDC. Theo một nghiên cứu vào năm 2011, thì hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần một nửa số ca ung thư gan.
Hút thuốc lá có hại cho gan là bởi thuốc lá có chứa rất nhiều chất hóa học độc hại và sẽ làm tăng mức độ stress oxy hóa trong cơ thể. Tình trạng stress oxy hóa này có thể ảnh hưởng đến gan, không chỉ gây tổn thương các tế bào gan mà còn gây tổn thương đến hệ thống tế bào nói chung của cơ thể.
Bỏ bữa sáng
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày bởi ăn sáng giúp cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể trong một ngày hoạt động.
Ăn sáng đều đặn và lành mạnh sẽ giúp bạn có được nguồn năng lượng tốt và bền vững, có lợi cho việc hỗ trợ gan không bị tổn thương. Nhưng nếu bạn thường xuyên bỏ ăn sáng, bạn đang tự làm hại lá gan của mình.
Theo Trí thức trẻ
Đăng nhận xét