Thời điểm sản phụ mới sinh con (ảnh tư liệu).
Đi tuần tra đêm gặp sản phụ
Một sáng cuối năm 2016, chúng tôi tìm đến trụ sở Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) để gặp lại Thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp, một trong hai "bà đỡ bất đắc dĩ" đã giúp sản phụ Phương “vượt cạn”ngay trên đê vào lúc rạng sáng.
Mặc dù đã nhìn qua ảnh Tiệp trên các tờ báo viết về anh, tôi vẫn ấn tượng với vẻ ngoài to cao đúng kiểu "lính hình sự" của Tiệp. Căn phòng tập thể nằm sâu trong dãy hành lang trụ sở Công an huyện Quốc Oai, nơi Tiệp cùng các đồng đội xa nhà vẫn nghỉ ngơi được bài trí đơn sơ, không thể tối giản hơn! Tiệp kể: Do đặc thù công việc là lính hình sự nên anh thường xuyên phải đi tuần tra vào ban đêm. Rạng sáng 22/6,Tiệp cùng Thượng sỹ Đoàn Văn Tùng được phân công đi tuần tra an ninh trên đoạn đường dài hơn 10km, từ thị trấn Sài Sơn (Quốc Oai) đến xã Xuân Hòa. Đây là cung đường đê khá vắng vẻ. Sau một hồi “quần thảo”các ngóc ngách xóm làng, Tiệp và Tùng chở nhau quay về đơn vị. Lúc này, gió bắt đầu thổi mạnh. Bầu trời tối đen xuất hiện nhiều ánh chớp xé ngang báo hiệu cơn dông sắp đến. Đang bon bon chạy xe, bất ngờ Tùng phát hiện thấy có hai người đang loay hoay bên chiếc xe máy cạnh đường. Khi đến gần, anh mới nhận ra đó là hai phụ nữ còn khá trẻ. Một người mang bầu đang có biểu hiện đau đớn dữ dội, người kia vừa đỡ lưng thai phụ, vừa dáo dác nhìn đường để tìm người giúp đỡ.
Hai chiến sỹ công an vội dừng xe lại hỏi: “Các chị bị sao thế?”. Hai người phụ nữ dường như đang rất lo lắng, lúng túng. Người chị cho biết em gái mình đang đau đẻ. Không kịp suy nghĩ, anh Tiệp xuống xe, đỡ bà bầu, đồng thời động viên: “Chị cố lên để em gọi taxi”. Lúc đó, anh Tùng đã rút điện thoại và gọi cho một lái xe taxi quen, đề nghị đến ngay để chở bà bầu vào bệnh viện. Tuy nhiên, có vẻ như người phụ nữ ấy không thể chịu đựng nổi, liên tục kêu đau. Trải vội chiếc áo mưa xuống triền đê cho sản phụ nằm, anh Tiệp ngồi cạnh nhẹ nhàng động viên. Sản phụ vừa được đỡ nằm xuống thì chỉ trong tích tắc, anh Tiệp phát hiện đầu em bé đã lộ ra. Anh bình tĩnh bảo anh Tùng và người phụ nữ đi cùng đỡ lưng cho sản phụ, còn mình thì tự tay đỡ lấy đầu đứa trẻ.
Lúc đó, sản phụ la hét khá to vì đau đớn, hai chiến sỹ công an vẫn liên tục động viên “Chị cố lên”. Khoảng 10 phút sau, trên tay anh Tiệp là một sinh linh bé nhỏ, cất tiếng khóc oa oa giữa lúc trời đang nổi cơn sấm sét. Bế trên tay đứa trẻ vẫn chưa được cắt dây rốn, anh Tiệp dường như không còn thời gian để thấy “ngại ngùng” nữa. May mắn lúc đó chiếc xe taxi quen do anh Tùng gọi đã đến nơi. Chẳng kịp cắt dây rốn, các chiến sỹ công an vội bế cả hai mẹ con sản phụ lên xe để vào Bệnh viện Quốc Oai.
Các bác sỹ tại Bệnh viện Quốc Oai đã thực sự “sốc” khi chứng kiến một ca đỡ đẻ “vô tiền khoáng hậu” như thế. Họ bảo, không thể tin là hai thanh niên trẻ, chưa vợ lại có thể làm được công việc vốn cần trình độ chuyên môn và kinh nghiệm như thế? Được các bác sỹ giúp đỡ, em bé nặng hơn 3kg cùng mẹ đều đã khỏe mạnh, an toàn.
Đội mưa, chịu rét vì lấy áo đắp cho em bé
Hơn một năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về "cuộc đi đẻ" hi hữu trên đê vẫn được các thành viên gia đình chị Hoàng Thị Phương nhớ như in.
Chị Nguyễn Thị Xuân (chị dâu sản phụ Phương) kể lại với chúng tôi: Khoảng 2h sáng, em dâu chị kêu đau bụng. Dù chưa tới ngày sinh, nhưng do chị Phương từng một lần sinh sớm nên gia đình rất lo lắng. Nhà lại khá xa Bệnh viện huyện Quốc Oai nhưng do đêm muộn, không gọi được xe taxi nên chị Xuân quyết định chở em dâu bằng xe máy lên bệnh viện.
Hai chị em chở nhau trên con đường vắng, tối đen, lần về phía thị trấn Sài Sơn. Khi đi được nửa đường thì chị Phương kêu đau dữ dội. Lo lắng, chị Xuân dừng xe đỡ em dâu xuống. Đang loay hoay thì chị thấy có hai thanh niên đi xe máy đến. Trong giây lát thoáng qua, chị giật mình lo sợ hai thanh niên trẻ có ý đồ xấu. Dù chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng, nhưng trong hoàn cảnh trớ trêu này chị Xuân vẫn không biết phải xử lý thế nào nếu gặp phải kẻ xấu. Nhưng khi đến nơi, một trong hai thanh niên cất tiếng: “Các chị bị sao đấy, có cần bọn em giúp gì không?”. Sau khi chị Xuân kể sơ qua hoàn cảnh, cả hai người xuống xe, một người động viên: “Chị cố lên”, người kia rút điện thoại gọi cho xe taxi yêu cầu đến ngay. Lúc này, chị Xuân đã yên tâm phần nào.
Chị Phương kể thêm, vào thời điểm đó, do đau quá nên chị không để ý được việc gì cả. Chỉ thấy hai thanh niên xuống xe và ngỏ lời giúp đỡ. Sau khi được đỡ nằm xuống chiếc áo mưa, chị Phương cảm nhận cơn đẻ đang đến gần. Hai người thanh niên lạ liên tục động viên, người đỡ lưng, người ngồi ngay trước mặt chị Phương. Khi thấy đầu cháu bé nhô ra, người thanh niên này không ngần ngại đỡ lấy một cách khéo léo, thành thục. Trong khoảng 10 phút, với sự giúp đỡ nhiệt tình của hai người lạ, chị Phương đã sinh nở an toàn.
Chị Xuân tâm sự: “Hai thanh niên ấy còn trẻ lắm, nhưng có lẽ bị đặt vào tình thế “không thể khác” nên đã làm cái việc mà phụ nữ như tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Sau khi đỡ đẻ xong thì xe taxi đến. Người thanh niên to cao cởi áo, ủ ấm cho em bé rồi đỡ chị Phương lên xe, cùng vào Bệnh viện huyện Quốc Oai. Thời điểm đó, cả nhà tất bật lo lắng nên cũng chẳng có thời gian để hỏi han. Khi hai mẹ con đã ổn định thì hai thanh niên kia đã ra về. Cả quãng thời gian em dâu ‘vượt cạn” suôn sẻ, tôi và gia đình không hề biết thông tin gì về hai thanh niên tốt bụng kia. Chỉ đến khi nghe bác sỹ nói: “Sao mà kiếm được hai cậu công an đỡ đẻ khéo thế”, mọi người trong gia đình chị mới biết họ là công an, còn công tác ở đâu thì cũng không rõ”.
Đến chiều 22/6, gia đình chị Phương nhận được thông báo có đoàn cán bộ Công an huyện Quốc Oai vào thăm. Dẫn đầu đoàn là Trưởng Công an huyện Quốc Oai, Thượng tá Phạm Danh Mạnh. Chị Phương, chị Xuân đến lúc này mới biết hai thanh niên lạ mặt đêm qua là chiến sỹ Đội Cảnh sát Hình sự, Công an huyện Quốc Oai, họ là Thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp (SN 1990) và Thượng sỹ Đoàn Văn Tùng (SN 1993).
Chị Nguyễn Thị Xuân cảm động: “Cứ hình dung cảnh hai người đàn ông lúi húi trên triền đê soi đèn đỡ đẻ cho sản phụ giữa ánh chớp nhằng nhịt và gió lạnh thì mới hiểu nó ám ảnh thế nào. Lúc đưa hai mẹ con vào nhập viện xong xuôi, hai anh công an ấy phải cởi trần đội mưa về đơn vị bởi chẳng còn cái áo nào mà mặc”.
Cháu bé được sinh ra trên triền đê trong đêm mưa gió ấy sau hơn một năm, "trộm vía" lớn nhanh và rất hiếu động. Chị Phương bùi ngùi: Nếu như đêm đó không có hai anh ấy thì chẳng biết mẹ con chị sẽ ra sao?
Thấy người bị nạn thì phải giúp đỡ thôi...
Tôi hỏi anh Tiệp nghĩ gì khi làm việc đó? Tiệp cười bảo, lúc đó có kịp nghĩ ngợi được gì đâu. Thấy người bị nạn thì phải giúp đỡ thôi! Tôi lại hỏi:“Lúc đỡ đẻ cho chị Phương, hai anh có bị sức ép vì mình là công an nên phải làm không?”. Tiệp nhẹ nhàng: “Là công an hay ai khác, trong tình huống ấy chỉ có một sức ép duy nhất là làm sao phải giúp đỡ mọi người. Đó là trách nhiệm với cộng đồng mà...”.
Tiệp hiện tại đã là Trung uý, vẫn là "lính Hình sự" của Công an huyện Quốc Oai, còn Tùng sau đó một thời gian đã chuyển đơn vị về Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội). Tuy vậy, hai anh vẫn thường xuyên qua lại gia đình chị Phương để thăm, chơi với cháu bé. Chị Phương bảo, đó không chỉ là "cơ duyên trời định" mà còn là minh chứng rõ nét về lòng tốt, về trách nhiệm của con người với đồng loại.
Thanh Sơn
Đăng nhận xét