Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ về cuộc sống bên góc cà phê quen thuộc ở phố Nhà Thờ. Ảnh: Phùng Bình
"Người quen" hàng ngày ở chốt cầu Chương Dương
Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên chiến sĩ cảnh sát giao thông Đội 1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP Hà Nội là cái tên mà khi nhắc đến, nhiều người luôn dành cho ông những tình cảm trìu mến. Những cái vẫy tay và nụ cười thân thiện của ông trong hơn 20 năm đứng chốt ở phía Nam cầu Chương Dương được coi như một nét đẹp trong ngành Công an.
Ngày 31/10/2014, ngày ông nhận quyết định nghỉ hưu, tôi gọi điện thoại để chúc mừng, bất giác nghe giọng ông nghẹn lại. Ông bảo nghỉ hưu thì vui đấy, nhưng tự nhiên “mình cảm thấy như xa rời một điều gì đó quá gắn bó, quá quen thuộc với mình”. Cũng đúng thôi, bởi cả đời người (ông SN 1959), cho đến khi nghỉ hưu, ông đã dành 2/3 thời gian cho công việc này. Và trong đó, có gần 20 năm ông đã gắn bó hàng ngày, hàng giờ với chốt phía Nam cầu Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Có lẽ hiếm một cán bộ CSGT nào mà khi nghỉ hưu, lại được chính thủ trưởng (Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, Công an Hà Nội và Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1) ra tận nơi đang làm nhiệm vụ để tặng hoa. Và, cũng hiếm một chiến sĩ CSGT nào, khi nhận quyết định nghỉ hưu, lại khiến nhiều người tiếc nuối đến thế.
Món quà mà một người lạ từ nước Nga gửi tặng ông. Ảnh: Phùng Bình
Tôi nhớ, ngày 31/10/2014 và những ngày sau đó, hàng loạt bài viết cảm động về ông tràn ngập trên mặt báo. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, cộng đồng cũng liên tục chia sẻ những trạng thái, phản hồi đầy cảm xúc, tình cảm và trân quý về một CSGT sẽ nghỉ hưu. Tôi không có thời gian để theo dõi hết, nhưng có những chia sẻ mà khi tôi cho ông xem, đôi mắt ông đỏ hoe vì quá xúc động. “Có lần đi qua cầu Chương Dương giữa trưa nắng, thấy bác điều tiết giao thông tự nhiên giơ tay chào với nụ cười thân thiện mặc dù tôi và bác chẳng quen biết nhau. Tôi bị "đơ" 3 giây mới vẫy tay chào lại vì tưởng bác vẫy ai nhưng nhìn lại trên đường, chẳng có ai cả. Lúc đi qua lòng cứ thấy lâng lâng. Lần nào qua cầu tôi cũng hướng mắt nhìn xem có thấy bác không. Chúc bác Đoàn sức khỏe và hạnh phúc!”, đây là một trong hàng nghìn dòng chia sẻ về ông trên mạng xã hội Facebook cách đây hai năm.
Ngày ông chính thức nhận quyết định về hưu, điện thoại ông đổ liên hồi, lúc thì cuộc gọi, lúc thì tin nhắn. Có rất nhiều người mà ông chưa từng gặp mặt cũng gọi điện hoặc nhắn tin chia sẻ và chúc ông niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe những ngày không còn phải “bám chốt” nữa. Ngày cuối cùng được nghỉ với tư cách là một “công dân hưu trí”, có rất nhiều người đã gọi điện mời ông đi uống cốc bia. Khi tôi gọi điện chúc mừng, ông cảm ơn và giọng nghẹn đi: “Hôm nay, chú về hưu rồi, cháu đi qua đó không có chú, có nhớ chú không?”.
"Đừng vô cảm với cuộc sống..."
Khi xem lại những hình ảnh ngày làm việc cuối cùng, mắt ông lại đỏ hoe. Ảnh: Phùng Bình
Từ ngày ông nghỉ hưu, dòng người vẫn tấp nập đi qua cây cầu Chương Dương nhưng không ai còn thấy một vị CSGT cứ “gọi con, xưng bố” với cái vẫy tay chào đầy gần gũi và nụ cười thân thiện nữa. Ngày ông nghỉ hưu, nhiều người tiếc nuối chia sẻ: “Khi bị vi phạm luật giao thông, liệu ai đó có được một chiến sĩ CSGT già chặn lại, dặn dò đầy trách nhiệm rồi “đi đi cho kịp công việc, kẻo muộn” không?”.
Hẹn gặp qua điện thoại, giọng ông vẫn ấm áp, chầm chậm và có gì đó rất thân thuộc như những lần trước, “ở quán cà phê cũ ngay phố Nhà Thờ nhé”. Ông bảo, ông thích ngồi đây bởi vừa gần nhà, vừa là nơi ông có thể nói chuyện, vừa ngắm dòng người đi lại “cho đỡ nhớ nghề”. Bên lề câu chuyện về thời kỳ đang công tác, khi tôi nhắc đến những trường hợp được ông giúp đỡ, ông vừa vui, vừa xen những nỗi buồn. Ông vui vì đã giúp nhiều người nhận ra sai lầm để trở về bên gia đình, con cái nhưng ông cũng buồn vì có nhiều người tìm đến cái chết chỉ vì những điều rất “ất ơ”.
“Tôi đã vào sinh ra tử nhiều lần, lúc nào cũng chỉ mong được khỏe mạnh, bình yên. Cuộc sống ai cũng khó khăn, bế tắc nhưng vì sao không tìm cách giải quyết, họ lại quyên sinh? Họ không biết rằng, chỉ một vài giây thiếu suy nghĩ là cả một nỗi đau chồng chất cho người thân, gia đình?”, ông thoáng buồn.
Bên cốc cà phê và câu chuyện dài, Thượng tá Lê Đức Đoàn ít nói về mình. Ông bảo, những việc ông đã làm không cần phải đưa lên mặt báo và bởi vì, ở vị trí đó, chắc chắn ai cũng làm như thế. Có những lúc ông bâng khuâng nhớ lại quãng thời gian dầm sương dãi nắng trên cầu Chương Dương để điều tiết giao thông. Ông nhớ hình ảnh những em học sinh đạp xe trên đường, cái vẫy tay chào của những người tham gia giao thông và nụ cười thân thiện của họ... Cuộc sống của ông ở thời điểm hiện tại có lẽ đã quá viên mãn: Bên vợ con và ngày ngày đưa đón cháu đi học.
Ông tâm sự, lúc về hưu, món quà lớn nhất có lẽ là tình cảm, sự yêu mến của mọi người dành cho mình. Khi đi ra đường, trong những chuyến du lịch từ Nam ra Bắc, có những người dù không quen biết nhưng vẫn nhận ra ông – người chiến sĩ cảnh sát giao thông năm xưa. Họ dành cho ông những cái bắt tay, cái ôm, những câu hỏi han chân tình. Mới đây ông còn nhận được món quà của một người bạn từ nước Nga (ông không quen biết, họ biết ông qua những bài báo trên mạng) là một chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Poljot và 1 chiếc điện thoại di động. “Tình cảm là thứ quý giá mà không tiền bạc nào mua được. Và tôi luôn trân trọng những tình cảm của mọi người đã dành cho mình cả trong những năm công tác và hiện tại”, ông Đoàn bộc bạch.
Ông không nhận mình đã làm những việc to tát mà chỉ là những công việc hết sức dung dị. “Khi làm bất cứ một công việc gì, tôi luôn nghĩ hãy làm hết sức mình, làm bằng đam mê, bằng nhiệt huyết. Sống ở trên đời, đừng trở thành những người vô cảm với cuộc sống, với những người xung quanh. Khi mình có khả năng làm được việc gì giúp mọi người thì hãy nên làm...”, ông Đoàn chia sẻ.
Trong hơn 30 năm công tác, Thượng tá Lê Đức Đoàn là chiến sĩ gương mẫu, có trách nhiệm trong công việc và được bầu là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012, được Thủ tướng tặng Bằng khen năm 2013 và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công năm 2014. Đồng thời, ông được tặng thưởng rất nhiều Bằng khen của Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và nhiều thành tích xuất sắc trong khi làm nhiệm vụ.
Nói về ông thì có nhiều điều đặc biệt và một trong những điều đó là trong hơn 20 năm đứng chốt, ông đã cứu gần 40 trường hợp nhảy cầu Chương Dương tự tử. Tất nhiên, như ông nói, việc cứu người chỉ là hi hữu, cũng là những điều ông chẳng mong mỏi nó xảy ra để mình ra tay “nghĩa hiệp”. “Nhưng với vị trí là một chiến sĩ công an, không chỉ việc cứu người nhảy cầu mà tất cả mọi thứ, mình cũng phải làm, cho dù đó không hẳn là nhiệm vụ mà mình được giao”, ông Đoàn nói.
Phùng Bình
Đăng nhận xét