Ngành Dân số đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Ảnh: hồng Quang
Sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị
Năm 2016 là năm bản lề của Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Chúng ta đã đi được hơn nửa chặng đường triển khai Chiến lược. Xin ông cho biết những giải pháp mang tính đột phá nào sẽ được Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 để về đích Chiến lược này?
- Quyết định phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành là đường lối, định hướng rất rõ nét cho những người làm công tác dân số trong nửa thập kỷ qua và những năm tiếp theo. Trong 5 năm qua (2011 – 2016), ngành DS-KHHGĐ đã nỗ lực bám sát đường lối của Chiến lược. Hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số cũng đạt được kết quả khả quan. Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được mở rộng từ 11 tỉnh, thành phố lên 63/63 tỉnh, thành phố. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Đề án đã góp phần tích cực trong việc giảm thiểu tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng, tăng tỷ lệ trẻ em được can thiệp điều trị sớm các bệnh, dị tật bẩm sinh… Ngành Dân số đã có những đề xuất tham mưu để phát huy lợi thế "cơ cấu dân số vàng". Đặc biệt là có sự uyển chuyển linh hoạt trong việc điều chỉnh tốc độ tăng dân số, tiếp tục giữ vững mức sinh thay thế. Với nỗ lực đồng bộ, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã bước đầu được khống chế. Những thành tích đạt được của ngành Dân số trong 55 năm qua đã tiếp tục được phát huy và góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần vào việc nâng cao sức khỏe nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới; góp phần đạt các Mục tiêu của Hội nghị Dân số và Phát triển (ICPD) của Liên Hợp Quốc và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Để về đích Chiến lược, ngành Dân số tập trung bám sát vào các mục tiêu của Chiến lược với giải pháp mang tính đột phá là: Truyền thông và cung cấp dịch vụ. Chú trọng việc chăm sóc SKSS, tránh mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên; tăng cường sàng sọc trước sinh, sơ sinh... Công tác vận động đã được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các kênh truyền thông, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội.
Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” đồng thời cũng trong tiến trình “già hóa dân số”. Theo ông, làm thế nào để tận dụng tốt cơ hội dân số vàng và chủ động đón những thách thức của giai đoạn già hóa dân số?
- Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi ở Việt Nam thay đổi một cách nhanh chóng. Nếu năm 1979, nhóm dân số tuổi từ 0-14 tuổi chiếm 42% thì đến năm 2015, tỷ lệ này giảm xuống còn 25%. Ngược lại, nhóm dân số tuổi từ 15- 64 có xu hướng tăng từ 53% lên 68,4%, nhóm dân số trên 65 tuổi cũng tăng từ 5% lên 7,6%. Điều này đã giúp cho số người trong độ tuổi lao động tăng lên, cws 2 người trong độ tuổi lao động “cõng” 1 người trong độ tuổi phụ thuộc.
Thời kỳ cơ cấu dân số vàng sẽ đem lại những lợi thế như: Cung cấp lực lượng lao động dồi dào; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như quá trình đô thị hóa; thu hẹp khoảng cách nông thôn, thành thị và các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiênViệt Nam cũng là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Do đó, nếu không thích ứng kịp thời với già hóa dân số, nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn người cao tuổi (NCT) nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, 70% không có tích luỹ vật chất. Trong khi đó, hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng, chỉ 30% số NCT có lương hưu hoặc được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, nước ta chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa bắt kịp với sự thay đổi này, tổ chức bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về NCT còn nhiều khó khăn, bất cập…
Để thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi cần có sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể cộng đồng. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là tận dụng cho được lợi thế “dân số vàng” để tăng năng suất lao động không chỉ là sự hô hào mà cần phải được hiện thực hóa càng nhanh càng tốt. Do đó, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội về NCT cũng như đẩy mạnh phát huy vai trò, lợi thế của NCT; tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, các dịch vụ y tế và chăm sóc NCT là những việc làm cần thiết để thích ứng với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.
Cuộc cách mạng trong chính sách
Tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 2016. Ảnh: Dương Ngọc
Theo các chuyên gia, dân số là mẫu số của mọi bài toán kinh tế - xã hội, quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó chúng ta cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển. Để đạt được thành quả, theo ông, nhiệm vụ chính của giai đoạn tiếp theo, ngành Dân số cần tập trung vào những hoạt động mũi nhọn nào?
- Hơn nửa thế kỷ qua, chính sách dân số là một dòng chảy liên tục, là điểm quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng. Nghị quyết TƯ 4 Khóa VII đã nhấn mạnh: “Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”.
Vấn đề cốt lõi hiện nay trong công tác dân số là phải chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển. Đây là cuộc cách mạng trong chính sách nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số với các nhiệm vụ chủ yếu như: Duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS); tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần; duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao. Duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển. Đây là những nhiệm vụ cấp bách mà ngành Dân số và các ban, ngành, cả cộng đồng cần chung tay...
Năm 2016 đi qua với những thách thức không hề nhỏ trong công tác DS-KHHGĐ. Để năm 2017 đạt được kết quả cao, ông có những dự báo và mong muốn gì?
- Năm 2016 là một năm công tác DS-KHHGĐ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh phí đầu tư cho Chương trình DS-KHHGĐ bị cắt giảm, dẫn tới không đủ nguồn lực để đảm bảo thực hiện các hoạt động thiết yếu nhằm đạt các mục tiêu Chương trình. Nhiều tỉnh, thành phố bị động trong việc bố trí kinh phí để triển khai hoạt động của Chương trình. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu và yếu...
Năm 2017, công tác DS-KHHGĐ vẫn sẽ tiếp tục đối diện với những khó khăn thách thức đã chỉ rõ ở trên. Công tác dân số cần tập trung giải quyết một số vấn đề chính, như duy trì mức sinh thấp hợp lý đối với những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế, đặc biệt tại những nơi có mức sinh thấp. Đồng thời, đẩy mạnh việc giảm sinh trên những địa bàn còn ở mức sinh cao; khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với những thách thức trên, chúng ta cũng sẽ phải đối diện với cả những khó khăn về nguồn lực. Để khắc phục khó khăn, tôi đề nghị các địa phương có sự chủ động, tham mưu ứng phó với tình hình; tạm ứng kinh phí, tham mưu đề xuất lấy được kinh phí đầu tư từ chính địa phương của mình.
Để làm tốt nhiệm vụ trong năm 2017 và trong thời gian tới, đòi hỏi hệ thống ngành Dân số phải củng cố ngày càng vững mạnh hơn, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số cần tiếp tục được nâng cao trình độ kỹ năng tuyên truyền vận động và quản lý. Bên cạnh sự đồng tâm hiệp lực của toàn ngành Dân số, sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục được đầu tư xứng đáng hơn nữa để công tác DS-KHHGĐ đạt được mục tiêu đề ra - từ số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng nhằm đạt kết quả, chỉ tiêu mà Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra; tiến tới thực hiện nhiều thành công trong lĩnh vực nâng cao chất lượng dân số.
Trân trọng cảm ơn ông!
Những định hướng đúng đắn, kịp thời
Ngày 04/01/2016, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành kết luận về công tác DS-KHHGĐ. Trong kết luận này, Ban Bí thư đã đề nghị Bộ Chính trị trình BCH TƯ Khoá XII nghị quyết về công tác Dân số; Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số với các nhiệm vụ chủ yếu như: Duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Cũng trong năm 2016, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BYT-BNV (ngày 15/04/2016) về việc qui định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức dân số. Sau 55 năm có ngành dân số, làm dân số chính thức được Nhà nước công nhận là một nghề.
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ:
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt
Ông Nguyễn Văn Tân- Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ Ảnh: Chí Cường
Với nhiều chính sách và chương trình cụ thể được thực hiện, chất lượng dân số Việt Nam đã được nâng lên đáng kể. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, hình thành lối sống lành mạnh, loại trừ dần các hủ tục, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... là những giải pháp cần được triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Chuyển đổi chính sách dân số từ việc điều chỉnh số lượng dân số sang chú trọng nâng cao chất lượng dân số; từ việc tập trung chủ yếu vào KHHGĐ, hướng đến mục tiêu giảm sinh sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số.., là những nhiệm vụ cấp bách mà ngành Dân số và các ban, ngành, cả cộng đồng cần chung tay...
Hà Thư (thực hiện)
Đăng nhận xét