Chuyện “cô bao cao su” của bản làng

Chị Hoàng Thị Thủy (ngoài cùng bên phải) tích cực tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ cho người dân trên địa bàn quản lý. Ảnh: N.Mai

Chị Hoàng Thị Thủy (ngoài cùng bên phải) tích cực tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ cho người dân trên địa bàn quản lý. Ảnh: N.Mai

“Gặp tôi, mọi người nghĩ ngay đến… bao cao su”

Quyết Thắng là một trong 5 xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Kinh tế chưa phát triển, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế... đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số của địa phương. Nhưng, theo chia sẻ của chị Nông Thị Phúc, cán bộ chuyên trách dân số xã: “Nhờ đội ngũ CTV dân số tâm huyết, nhiều năm trở lại đây, xã đã hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra”.

Đươc chị Phúc giới thiệu, chúng tôi đến gặp chị Lương Thị Hậu (48 tuổi), CTV dân số tại thôn Kép 3, một trong những CTV tiêu biểu. Chị Hậu đã có thâm niên hơn 10 năm "làm dân số". Chị kể, lúc mới nhận nhiệm vụ, chưa có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, chị cũng gặp không ít khó khăn trong việc tuyên truyền. Ngồi nghe chị kể về những lần đi tuyên truyền, từ cách “lân la” tiếp cận đối tượng ra sao đến việc lồng ghép kiến thức về kế hoạch hóa vào các câu chuyện gần gũi, tếu táo sao mà thấy vấn đề này đi vào lòng người nhanh đến thế!

Theo chị Hậu, để truyền thông hiệu quả, ngoài việc nắm kiến thức tốt còn phụ thuộc vào năng khiếu, cái "duyên" của từng người. Nghĩa là, không phải cứ “tua” kiến thức một cách cứng nhắc mà phải biết linh hoạt tạo không khí vui vẻ để bà con dễ “ngấm” hơn.

Để minh chứng, chị Hậu lấy ngay ví dụ về việc dùng “đòn tâm lý” vận động nam giới sử dụng bao cao su. Chị nói: “Tôi bảo cánh mày râu thế này: Thứ nhất, nếu phụ nữ phải sinh nhiều con, sinh liên tục sẽ nhanh bị xấu và già đi, như thế người ta sẽ bảo các ông chồng không biết cách chăm vợ - nghĩa là chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nên các anh để các chị ấy đẻ ít thôi, hai con là hợp lý nhất. Thứ hai, nếu vợ chồng không dùng các biện pháp tránh thai sẽ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Trong trường hợp nếu đã “lỡ” mà phải đi viện để “cho ra” sẽ rất hại đến sức khỏe. Mà hại sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, làm cho kinh tế trong gia đình không phát triển được, tức là bị nghèo đi. Thế chẳng phải là thiệt đơn thiệt kép hay sao?!".

May mắn vì có hậu phương vững chắc

Người ta thường nói phụ nữ làm hậu phương cho chồng công tác, còn gia đình chị Hậu thì ngược lại. Chị kể, chồng chị từng công tác trong quân đội hơn 10 năm. Trong khoảng thời gian ấy, chị nhận nhiệm vụ chăm sóc con cái và lo toan việc gia đình. Đến khi chồng xuất ngũ về địa phương, chị Hậu bắt đầu tham gia hoạt động xã hội. Được người dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của thôn rồi kiêm nhiệm là CTV dân số, nhiều lúc chị cũng "ngập đầu" trong họp hành rồi đi tuyên truyền, vận động. “Nếu chồng tôi không thông cảm cho người vợ suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì có lẽ tôi không công tác được đến bây giờ. Tôi cảm thấy may mắn khi luôn được chồng làm hậu phương vững chắc, tạo điều kiện để tôi yên tâm công tác”, chị Hậu chia sẻ.

Ngồi kế bên, chồng chị cười bảo: “Trong lúc mình đi công tác, cô ấy cũng đã hi sinh rất nhiều, giờ phải cho cô ấy thoải mái một chút. Vợ chồng thông cảm cho nhau, cùng nhau cố gắng thì cơm lúc nào cũng ngon, canh lúc nào cũng ngọt”.

Kiên trì “đến tận ngõ, gõ tận cửa”

Là người có 16 năm làm công tác dân số kiêm y tế thôn bản, chị Hoàng Thị Thủy (50 tuổi, tổ 2, phố B, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) được mệnh danh là “cánh tay nối dài” đắc lực của ngành Dân số tỉnh Cao Bằng.

Vốn là người xuất phát từ ngành Y nên chị nắm bắt khá nhanh những kiến thức trong công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, chị bảo, dù sống ở thị trấn nhưng do thành phần dân cư tương đối phức tạp nên công tác tuyên truyền dân số gặp không ít khó khăn. Chị Thủy đã phối hợp với các cơ quan khác như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên để lồng ghép tuyên truyền kiến thức về dân số. Ngoài việc tuyên truyền trong các buổi họp, chị còn kêu gọi chị em soạn ra các tiểu phẩm hài mang thông điệp truyền thông về các chính sách dân số để biểu diễn. Những tiết mục này thường được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình.

Hỏi về những khó khăn trong công tác truyền thông vận động người dân thực hiện chính sách dân số, chị kể lại một kỷ niệm mà có lẽ không bao giờ có thể quên: “Gia đình nhà này đã có 2 cô con gái. Vì muốn có người “chống gậy”, anh chồng đã ép vợ sinh thêm con trai. Thế nhưng, chị vợ lại đang bị bệnh, sức khỏe không cho phép để mang thai. Biết tin, tôi cùng một chị bên Hội Phụ nữ đã đến can thiệp. Tuy nhiên, ngay khi mới vào tới cổng, biết chúng tôi là cán bộ dân số, chúng tôi bị anh này đuổi “thẳng cổ” ra khỏi nhà, vừa đuổi vừa buông những lời nói rất khó nghe”.

Theo chị Thủy, lần đó, dù có một chút chạnh lòng vì bị xúc phạm nhưng chị không nản lòng. Biết là không thể thuyết phục ngày một, ngày hai đối với trường hợp này, chị đã nghĩ ra cách kêu gọi thêm “đồng minh” để giúp đỡ. Chị nhờ một anh bạn làm trong công tác đoàn để giúp thuyết phục cùng. Anh này cũng khá thân thiết với người chồng nên có phần dễ nói chuyện hơn. Áp dụng theo cách thức “mưa dầm thấm lâu”, chị và “đồng minh” đã làm cho anh chồng hiểu được tác hại của việc sinh con khi cơ thể người mẹ không đủ sức khỏe cho phép, rồi hệ lụy của việc cố sinh con trai. Sau lần đó, chị vợ đã được đi đặt vòng và chuyên tâm chữa bệnh.

Với những nỗ lực trong công tác DS-KHHGĐ, chị Hoàng Thị Thủy, CTV dân số của tổ 2, phố B, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã nhận được rất nhiều Giấy khen từ tỉnh, huyện cho tới địa phương. Năm 2015, chị vinh dự được Tổng cục DS-KHHGĐ tặng Giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ. Chị Thủy là một trong những CTV của tỉnh Cao Bằng được đề xuất nhận khen thưởng của Bộ Y tế nhân kỷ niệm 55 năm truyền thống của ngành Dân số.

Vợ chồng chị Lương Thị Hậu. Ảnh: N.Mai

Vợ chồng chị Lương Thị Hậu. Ảnh: N.Mai

Chị Nông Thị Phúc, cán bộ chuyên trách dân số của xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn cho biết: Một lòng tâm huyết với công việc, dù ở bất cứ cương vị nào, chị Lương Thị Hậu cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Suốt 10 năm qua, từ ngày chị Hậu đảm nhận vai trò làm CTV dân số của thôn Kép 3, thôn không có tình trạng sinh con thứ 3; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng.

Mai Thùy



Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget