TS Lê Cảnh Nhạc - Tổng Biên tập Báo Gia đình & Xã hội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ đã thay mặt trao tặng tấm lòng của quý độc giả đến gia đình bé Trang – MS 230. Ảnh: Nông Thuyết
Hồi sinh từ cửa tử
Tháng 6/2016, hình ảnh một bé gái 14 tháng tuổi, nặng 3,5kg bị đói lâu ngày đã lay động nhiều bạn đọc. Dường như bất kỳ ai nhìn thấy hình ảnh bé cũng phải rơi nước mắt bởi nước da bé đen nhẻm, đầu tóc bù xù, cơ thể ở mức suy dinh dưỡng nặng. Bé tên Thào Thị Yến Nhi ở đội 4, thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai). Lúc Nhi 4 tháng tuổi, mẹ và chị gái mất tích trong một lần đi chợ, mọi người tin rằng họ bị lừa bán qua biên giới nên từ đó một mình bố nuôi bé Nhi. Thời gian đầu không có sữa, anh Thào A Lư, bố bé chỉ biết lấy nước cơm cho con uống. Không có tiền, người bố bế con lên thị trấn xin sữa, quần áo cho con.
Do không được chăm sóc đầy đủ, bé bị suy dinh dưỡng nặng trên nền bại não thể co cứng khiến chân tay không cử động được. Một nhóm thiện nguyện phát hiện ra, họ cùng anh Thào A Lư đưa bé đi khám thì tình trạng đã rất nghiêm trọng. Hoàn cảnh của cháu Nhi được đăng tải trên chuyên mục Vòng tay nhân ái của báo GĐ&XH với MS 202 đã nhận được sự đồng cảm của rất nhiều tấm lòng hảo tâm. Trong những ngày tháng bé Nhi nằm viện, có rất nhiều ông bố, bà mẹ trên khắp cả nước đọc được tin đã tìm đến thăm và giúp đỡ bé. Nhờ dòng sữa của những người mẹ xa lạ, Yến Nhi đã hồi phục nhanh chóng.
Điều đặc biệt hơn cả là Yến Nhi đã tìm thấy người mẹ “thứ hai” của mình. Suốt hành trình cứu giúp Nhi, cháu luôn có một người lặng thầm chăm lo. Đó là người đã biết đến hoàn cảnh cháu từ đầu và giúp đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi Trung ương, cô gái 9X Phạm Thị Thanh Tâm ở huyện Sa Pa (Lào Cai).
Ông Nguyễn Ngọc Đức – Phó TBT Báo GĐ&XH, ông Phạm Lương An, Phó Giám đốc Bệnh viện K (ngoài cùng bên phải) trao số tiền độc giả ủng hộ cho gia đình cháu Công. Ảnh: P.T
Sau một thời gian được mẹ nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng, cô bé đã thay da đổi thịt kỳ diệu khiến nhiều người thực sự tin vào phép màu của tình yêu thương. Chị Thanh Tâm vui mừng nói: “Nhớ những ngày con mới nhập viện phải thở oxy, rất yếu, vừa có biểu hiện suy dinh dưỡng nặng vừa có biểu hiện của trẻ bại não chậm phát triển. Bây giờ con đã tiến triển tốt hơn, hồng hào, khỏe mạnh hơn. Con hiện được 9kg. Hai mẹ con đang thuê trọ ở Hà Nam để con được đi tập kích thích các cơ vận động, điều trị bằng phương pháp bấm huyệt, đốt thuốc. Mỗi ngày, con được bấm huyệt 2 lần vào buổi sáng và chiều. Tay chân con đã cử động như bình thường không còn co cứng như những ngày đầu”.
Tết này, Yến Nhi cũng sẽ có một cái Tết ấm cúng bên những người thân mới. Chị Thanh Tâm chia sẻ thêm: “Năm nay là năm đầu tiên có con ăn Tết cùng nên em thấy vui, hạnh phúc lắm. 23 tháng Chạp sau khi hết đợt điều trị ở Hà Nam, em sẽ đưa con về ăn Tết cùng với ông bà trên Sa Pa. Mọi năm vì tập chung với công việc lại ở xa nên em không có thời gian về thăm ông bà ngoại ở Thanh Hóa và nhà nội ở Vĩnh Phúc. Em sẽ dành ít ngày đưa con về thăm quê bên nội, bên ngoại để gặp mọi người. Sau đó, em sẽ đưa con về nhà ăn Tết với bố”.
Khi lòng tốt dệt nên điều diệu kỳ
Hình ảnh mới của cháu Dường Phúc Cường.
Gặp lại bé Dường Phúc Cường, 6 tuổi ở thôn Phật Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), chúng tôi mừng khi thấy nụ cười của cháu. Khác với vẻ tuyệt vọng khi còn nằm bất động trước kia vì bỏng nặng, nay Cường đã tự tin hơn, chạy nhảy bình thường, đã vào lớp 1 và có thể giúp đỡ bố mẹ chăm sóc em. Bởi hơn một năm trước, Cường với cơ thể bị bỏng tưởng sẽ không sống được vì lúc đó hầu hết các phần thịt đều hoại tử, lại không có tiền đóng viện phí điều trị. Trong cơn nguy kịch ấy, cháu đã nhận được sự góp sức của bạn đọc chuyên mục Vòng tay nhân ái qua bài viết “Xót xa cảnh mẹ vào viện tâm thần, con nguy kịch vì bỏng nặng”. Kỳ diệu thay, Cường vẫn ở lại với cuộc đời này.
Anh Tằng Dẩu Nhàn là người dân tộc Dao (SN 1993), bố của cháu Cường đến giờ vẫn không giấu được sự ân hận khi vô tình khiến con bị bỏng. Ngày hôm đấy Cường ở nhà một mình, trong nhà có một chai xăng dùng để đốt nương làm rẫy treo trên tường, không ngờ Cường nghịch ngợm không may bị chai xăng đổ vào người, xăng bắt lửa khiến cháu cháy bùng lên. Tai nạn khiến con bỏng 30% diện tích cơ thể, nặng nhất là vùng mặt, cổ, hai bên đùi và cơ quan sinh dục. Các vết thương của Cường bỏng sâu độ II và độ III. Sau một ngày điều trị tại bệnh viện tỉnh, do tổn thương bỏng rộng và sâu, tiềm ẩn nguy cơ sốc nhiễm độc, bỏng đường hô hấp nên Cường được chuyển lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia để tiến hành cấy ghép da, tái tạo tổn thương giúp bé hồi phục.
Bà Đỗ Thị Thúy, Trưởng phòng Gia đình, đại diện chuyên mục Vòng tay nhân ái (bên phải) trao tiền cho gia đình bé Bảo Hân – MS 189.
Éo le hơn, cùng lúc đó mẹ của Cường bị bệnh thần kinh điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Quang Hanh, Cẩm Phả. Hai mẹ con nằm viện khiến cuộc sống của gia đình đảo lộn. Ở huyện miền núi cái nghèo bám riết, cả gia đình không có lấy một đồng mà khi ấy nỗi lo viện phí điều trị dường như quá sức với gia đình anh Nhàn.
Từ sự chung giúp thiết thực và kịp thời của bạn đọc hảo tâm của báo GĐ&XH, chỉ trong một thời gian ngắn gia đình đã nhận được hơn 200 triệu đồng. Nhờ có số tiền đó mà Cường đã được điều trị tích cực, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cấy ghép da.
Những ngày Tết đang đến gần, lòng chúng tôi ấm áp hơn khi anh Tằng Dẩu Nhàn chia sẻ những niềm vui: “Giờ cháu Cường lớn lắm rồi cô ạ! Trên người cháu các vết sẹo vẫn còn nhưng không còn đau như trước. Thấy con vui cười trở lại, em cũng vui lắm. Em cũng đã xin được việc làm ổn định ở Công ty Cầu đường bộ 2 Quảng Ninh, mẹ của Cường sức khỏe tốt hơn nên cuộc sống bớt khó khăn hơn trước... ”.
Hiện thực những ước mơ
PV Phương Thuận cùng đại diện V-Star Club trao tiền cho cháu Lưu Thế Quyền. Ảnh: Nguyễn Mai
Đó là điều hạnh phúc mà những tấm lòng nhân ái qua chuyên mục Vòng tay nhân ái đã mang lại cho hai anh em Phạm Văn Hùng (SN 1994) và Phạm Quang Huy (SN 2001) ở thôn Ô mễ, xã Hưng đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương ngay sau khi hoàn cảnh được phản ánh với bài viết “Đau lòng cảnh hai anh em cõng nhau đi viện” – MS 210.
Nhận được thông tin từ Phòng Công tác xã hội của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương mong muốn chuyên mục Vòng tay nhân ái hỗ trợ làm cầu nối kêu gọi cho hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của hai anh em mắc bệnh máu khó đông (Hemophilia) nhiều năm nay phải tự dắt díu nhau đi viện, chúng tôi đã tìm đến viện. Nhìn hình ảnh hai anh em mang trên mình chiếc áo bệnh nhân, người anh trai bệnh tật đang phải gồng mình cõng em, lòng chúng tôi như thắt lại.
Hùng phát hiện bệnh khi 7 tuổi. Trong một lần không may bị ngã chảy máu răng, máu ra nhiều mà không cầm nổi, chân đau không đi lại được, Hùng được gia đình đưa lên Bệnh viện Bạch Mai khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận em bị bệnh Hemophilia. Lúc đó, mẹ Hùng cũng gần tới ngày sinh em bé và theo lời bác sỹ, khi bé chào đời nguy cơ mắc bệnh giống Hùng là rất cao. Điều bất hạnh thêm một lần nữa đến với gia đình em khi kết quả xét nghiệm cho thấy, em Huy cũng bị bệnh máu khó đông.
Cũng kể từ đó, bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của hai anh em bởi gần như tháng nào cũng phải vào viện. Lần nào đi viện, hai anh em đều tự bắt xe lên Hà Nội. Không phải vì mẹ của hai em vô tâm không chăm sóc cho Hùng – Huy mà hoàn cảnh gia đình không cho phép cả ba mẹ con lên Hà Nội chăm nhau. Bố Hùng mất vì căn bệnh ung thư vòm họng năm 2005. Mẹ em từ đó một mình tần tảo sớm hôm với việc bán hàng rau lo tiền chữa trị cho hai anh em Hùng. Không có đủ tiền để cho con đi viện, người mẹ đã phải bán đi chiếc xe máy, cầm cố sổ đỏ ngôi nhà.
Để phụ mẹ, Hùng từng làm công nhân may tại một nhà máy, nhưng công việc quá nặng, sức khỏe không đảm bảo nên Hùng bị xuất huyết dạ dày. Em cũng đi học cắt tóc, nhưng đầu gối thường xuyên đau nhức khiến em không thể đứng được lâu. Đến giờ, Hùng vẫn chưa thể làm gì để vơi bớt đi gánh nặng trên vai mẹ. Tâm sự với chúng tôi, em Hùng chỉ có một ước mơ nhỏ bé là có một chiếc máy khâu để ở nhà có thể may vá, phụ giúp mẹ kiếm tiền nuôi em trai ăn học.
Phó TBT Trần Tuấn Linh trao tiền cho em Hùng MS 210. Ảnh: Tl
Hoàn cảnh thương tâm của anh em Huy – Hùng đã lay động độc giả. Chỉ một tuần đăng tải về bài viết, hai anh em nhanh chóng nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Nhiều bạn đọc hảo tâm còn không quản ngại đường xa trực tiếp về nhà hai em ở Hải Dương. Gia đình đã nhận được hơn 80 triệu đồng. Số tiền này bao gồm các tổ chức, đoàn thể, cá nhân gửi đến trao trực tiếp và ủng hộ thông qua Báo GĐ&XH. Khi biết được ước nguyện của em, nhiều bạn đọc đã gọi điện trực tiếp mong tặng em chiếc máy khâu. Hùng đã nhận được 2 chiếc máy khâu bạn đọc trực tiếp mang về nhà tặng.
Vừa mới được vài tháng tuổi, cháu Lưu Thế Quyền ở xóm Trại Găng, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã sớm phải chịu đựng những thiệt thòi, những cơn đau đớn do bệnh rối loạn đông máu (Hemophilia) hành hạ. Đã thế, cháu còn bị điếc bẩm sinh không nghe, không nói được, phản xạ kém. Vì vậy mà cháu càng dễ bị chấn thương gây chảy máu nhiều hơn, mà mỗi lần chảy máu lại không sao cầm được. Cũng kể từ đó, cuộc sống của bé là chuỗi tháng ngày dài nằm điều trị ở bệnh viện. Đến tiền mua một chiếc máy trợ thính để hỗ trợ việc nghe và học nói của con bố mẹ cháu cũng không sao lo nổi.
Khi nhận thông tin về hoàn cảnh của cháu Quyền, chúng tôi đã tìm gặp gia đình cháu. Ngay sau bài viết “Bé trai 3 tuổi dân tộc vừa câm điếc, vừa mắc bệnh “ưa chảy máu” được đăng tải, cháu Quyền đã nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc với hy vọng mua cho cháu được máy trợ thính. Trân trọng hơn cả là V-Star Club (CLB Bóng đá của những anh em nghệ sỹ Hà Nội) khi được chuyên mục thông tin đã tổ chức một trận bóng quyên góp tiền cho cháu Lưu Thế Quyền. Kết thúc trận đấu, đã thu được hơn 20 triệu đồng. Số tiền từ trận đấu cùng tiền bạn đọc gửi về tòa soạn đã nhanh chóng được chuyển đến gia đình cháu. Ước nguyện có chiếc máy trợ thính cho cháu đã thành hiện thực.
“Nghe bác sỹ nói, để con nghe nói được cần phải có máy trợ thính và nhờ vậy việc điều trị của con cũng được tốt hơn. Dù rất muốn nhưng gia đình chưa dám nghĩ đến. Hàng tháng, lương hai vợ chồng cũng chẳng đủ tiêu, tiền điều trị cho con nhiều khi không biết xoay đâu. Nhờ mọi người, ước nguyện của gia đình đã thành hiện thực. Từ ngày có máy, cháu đã biết hơn nhiều. Gia đình xin cảm ơn rất nhiều sự quan tâm của mọi người”, anh Lưu Văn Hiền, bố của Quyền chia sẻ.
Cặp song sinh bé bỏng đang lớn khôn từng ngày
PV Cao Tuân trong lần trao tiền cho cặp song sinh dính liền MS 207. Ảnh: Tl
Cặp song sinh Trần Thảo Nguyên và Trần Thảo Quyên (thôn Bản Mẹt Ngoài, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, Lào Cai) là trường hợp gây nhiều thương cảm đặc biệt trên chuyên mục Vòng tay nhân ái. Ngày 7/7/2016, mẹ hai cháu là chị Triệu Thị Xuân (SN 1992) do bị sản giật nên đưa đi cấp cứu. Ngay lập tức, bác sỹ chỉ định mổ để cứu mẹ và 2 con.
Ca mổ thành công, hai bé gái song sinh chào đời cùng nặng 2,3 kg. Do sinh thiếu tháng, cặp song sinh được nuôi trong lồng kính, chị Xuân vẫn nằm lại ở phòng phẫu thuật. Tuy nhiên, sau ca mổ 4 tiếng, chị Xuân đã không thể qua khỏi. Cũng vì vậy mà đến giờ hai bé chưa một lần biết mùi sữa mẹ, phải ăn hoàn toàn sữa ngoài.
Anh Trần Văn Hùng, bố hai cháu bị bệnh hen nặng từ bé, người lúc nào cũng gầy gò, ốm yếu nhưng từ ngày mất vợ, đêm nào cũng ngồi thức canh cho hai con ngủ. Nhìn cảnh gà trống nuôi con vụng về về chăm sóc hai đứa con sơ sinh, bao người không cầm nổi nước mắt. Kinh tế khó khăn, cùng lúc nuôi hai bé song sinh phải dùng sữa ngoài hoàn toàn khiến việc nuôi nấng càng vất vả, tốn kém.
Ngay sau khi bài báo về hoàn cảnh của hai bé được đăng tải trên chuyên mục Vòng tay nhân ái với MS 207 “Xót xa cặp song sinh vừa chào đời đã mất mẹ”, bạn đọc ở khắp mọi miền Tổ quốc đã bày tỏ sự thương cảm trước hình ảnh người đàn ông vụng về hai tay chăm sóc hai đứa con sơ sinh. Để chia sẻ với hoàn cảnh éo le của bố con anh Hùng, rất nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã đến thăm, trao quà ủng hộ. Số tiền nhận theo gia đình tới giờ là gần 200 triệu đồng, gồm các tổ chức, đoàn thể, cá nhân gửi qua bưu điện, đến trao trực tiếp và ủng hộ thông qua Báo GĐ&XH. Ngoài ra, bố con anh Hùng cũng nhận được rất nhiều món quá như: Sữa, quần áo, đồ chơi do các nhà hảo tâm gửi.
“Hiện bé chị Trần Thảo Nguyên đã được 6,5 kg, còn bé em Trần Thảo Quyên nặng 5,5kg. Vừa rồi, do thời tiết thay đổi nên cháu hay quấy khóc nhưng giờ hai bé rất ngoan, chịu ăn chịu chơi rồi. Tôi cũng đón hai cháu ở nhà bà cô về để tiện chăm sóc. Chỉ ngày cuối tuần, nhà bà cô ở gần nhà lại vào đón cháu chăm đỡ”, bà nội Tạ Thị Thúy cho biết. Theo gia đình chia sẻ, có nhiều người thiết tha muốn nhận nuôi hai cháu. Có trường hợp ở bên nước ngoài muốn xin nhận nuôi một cháu, đến khi 18 tuổi sẽ để cháu về với gia đình ở Việt Nam nhưng gia đình không muốn. Dù việc nuôi nấng hai cháu có phần cơ cực nhưng gia đình sẽ cố gắng chăm sóc hai cháu.
Món quà của Bộ trưởng Bộ Y tế với em bé bất hạnh
1h 20 phút ngày 13/7/2016, có hai em bé chào đời tại BVĐK huyện Vị Xuyên, Hà Giang bị dính liền với nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn. Sau khi điều trị tích cực ở bệnh viện, các bác sỹ nhận thấy cần chuyển 2 cháu về Hà Nội để có hướng điều trị tốt hơn. Hoàn cảnh gia đình của hai cháu rất khó khăn, thậm chí không có đủ tiền để về Hà Nội. Chính vì thế, đích thân bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Vị Xuyên và nhóm y bác sĩ của bệnh viện đã đứng ra kêu gọi ủng hộ cho gia đình để có tiền chuyển tuyến cho hai cháu.
Ngay sau đó, với sự chung tay của chuyên mục Vòng tay nhân ái của Báo GĐ&XH và một số tờ báo khác, cặp song sinh đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của tấm lòng hảo tâm. Ngay khi biết thông tin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có văn bản yêu cầu các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức tìm mọi cách để cứu sống hai bé, đồng thời hỗ trợ về kinh phí để ca mổ sớm được tiến hành. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng TS Lê Cảnh Nhạc – Tổng Biên tập Báo GĐ&XH đã trực tiếp vào Bệnh viện thăm và trao tặng 65 triệu đồng cho cặp song sinh dính liền. Gia đình cũng đã nhận ủng hộ trực tiếp tại Bệnh viện được 162.700.000 đồng.
Phương Thuận
Đăng nhận xét