Theo sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ ghi chép, dưới triều Nguyễn, quan lại nhận hối lộ dù chỉ một lạng (10 đồng) cũng bị cách chức không được bổ dụng. Người môi giới bị xử tội nhẹ hơn người nhận hối lộ một bậc. Việc định tội căn cứ số tiền tang vật.
Dưới thời vua Minh Mạng, những viên quan sách nhiễu, nhận hối lộ bị trị tội rất nặng, có khi vượt qua cả khung hình phạt pháp luật. Nhà vua thường sử dụng nguyên tắc: “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (Giết một người để muôn người sợ mà tránh).
Theo sách Đại nam thực lục ghi chép, vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) Trần Công Trung làm việc ở kho Phủ Nội Vụ vì "gây khó dễ" để vòi tiền nên bị giao Bộ Hình tra xét. Án được tâu lên, vua Minh Mạng tuyên dụ: “Vụ án Đăng Văn Khuê năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đã theo luật nghiêm trị, thế mà bọn Trung còn dám công nhiên làm bậy, không kiêng sợ gì, tuy tang vật không quá 10 lạng, nhưng nếu nhu nhơ để sống một mạng thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra". Theo lệnh vua, Trần Công Trung bị xử chém ở chợ Đông.
Vào năm thứ 17 vua Minh Mạng (1836) Thủ ngự thủ sở An Thái (Vĩnh Long) Lê Văn Nhuận nhận hối lộ của các lái buôn nhà Thanh và tiếp tay chở gạo lậu ra biển. Chuyện bị phát giác, Lê Văn Nhuận bị nghiêm trị.
Các quan lại nhận hối lộ bị xử phạt rất nặng. Ảnh: Tư liệu.
Vào năm thứ 21 dưới triều vua Tự Đức, Điển ty vệ Trung bảo nhất Nguyễn Du đã bị xử chém ngay sau khi được xác định đã sách nhiễu nhận hối lộ 17 khoản, tang vật là 184 quan tiền. Nhằm răn đe các quan, vua Tự Đức thứ 34 (1881) ra dụ yêu cầu xử nặng với án "nhũng nhiễu" hay với "viên dịch sâu mọt, chấm mút không chỉ một lần".
Vụ án sách nhiễu nhận hối lộ của Thông lại huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên là một trong những vụ án triều Nguyễn xử lý nghiêm điển hình. Theo sách Khâm định Đại nam Hổi điển sự lệ ghi chép, vào năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), Thông lại huyện Quảng Điền là Lê Diệu mượn cớ mua bán thóc của triều đình để lấy tiền hối lộ của dân. Chánh tổng Long, Phó tổng Tiêm, lính lệ Sơn cũng theo hùa mà thông đồng. Chuyện bị phát hiện, chiếu theo luật thời vua Minh Mạng, Lê Diệu bị trảm quyết, đem thủ cấp đi rao 6 huyện, bêu lên để răn đe.
Triều đình cũng điều tra ra nhiều vị quan, hoàng thân quốc thích có liên quan đến việc nhận hối lộ trong vụ án Lê Diệu nên xử phạt, trong đó Phủ thừa Đinh Viết Tân bị cách chức, Phủ doãn Nguyễn Liên bị giáng xuống 4 cấp, Tham biện Đặng Huy Cát bị xuống 3 cấp, Thương biện Thân Trọng Dy bị giáng 2 cấp điều đi nơi khác. Vụ án được thông báo rộng rãi trong nhân dân.
Theo VnExpress
Đăng nhận xét