Trần Văn Uống giờ có thể tự tin bước đi mà không còn e ngại cái nhìn của người khác bởi anh đã được VKSND huyện Bình Chánh, TP HCM đình chỉ điều tra, xác định bị oan.
"Đây là cái Tết đầu tiên sau biến cố tù oan của thằng Uống. Nhà tôi sẽ ăn Tết lớn", ông Trần Văn Huỳnh, cha của Uống chia sẻ.
Cùng được minh oan như Uống còn có Khưu Khánh Sỹ và Ong Văn Sệt, hai người bạn cùng đi làm thuê, cùng lai rai, cùng ra hóng mát và đi tiểu bậy vào buổi chiều tối định mệnh. Tối hôm ấy, một người chạy xe trên đường, vừa nhác thấy bóng người (là Uống, Sỹ, Sệt) đã quay đầu xe báo tin "đoán là có cướp".
Uống, Sỹ bị công an, dân phòng truy lùng rồi bị các cơ quan tố tụng kết tội cướp tài sản với mức án đúng bằng thời hạn tạm giam. Hai bị cáo được trả tự do ngay tại tòa. Uống kháng cáo kêu oan, còn Sỹ lập tức đi làm thuê với suy nghĩ "không rảnh hơi đâu đi kháng cáo".
Anh Uống được đại diện VKSND huyện Bình Chánh trao quyết định đình chỉ bị can sau gần 4 năm kêu oan.
Khi vụ án bị cấp phúc thẩm tuyên hủy, yêu cầu điều tra lại, cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh đã bắt tiếp Sệt khi ngày Tết đã cận kề. Và không đủ chứng cứ kết tội, tháng 12/2016, VKSND huyện Bình Chánh phải ra quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận đã làm oan cả ba người .
Sắp tới đây, cơ quan tố tụng Bình Chánh sẽ về quê của cả ba người ở Sóc Trăng để công khai xin lỗi tất cả.
Tết này, Sệt nói: "Em sẽ về bên mẹ. Cha qua đời khi em đang bị tạm giam, mãi khi ra tù em mới biết tin".
Tết đầu tiên sạch tội Hiếp dâm
Tháng 7/2005, anh Nguyễn Tấn Đại ở huyện Tân Phú, Đồng Nai, bị cáo buộc hiếp dâm trẻ em và bị kết án 9 năm tù. Án bị hủy để điều tra lại, tại phiên sơ thẩm lần hai, VKSND tỉnh Đồng Nai tuyên anh Đại vô tội. Tòa cấp phúc thẩm sau đó cũng y án.
Khi anh Đại yêu cầu xin lỗi, bồi thường oai sai, VKSND tỉnh Đồng Nai đã từ chối, cho rằng bởi từ lời khai nhận tội ban đầu của anh mà đến nay người phạm tội thật sự chưa bị xử lý.
Đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai đọc lời xin lỗi và anh Đại (ảnh nhỏ). Ảnh: V.HỘI
Khi vụ án được đưa ra công luận, Quốc hội và VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai báo cáo. 8 năm sau khi tòa tuyên anh Đại vô tội, VKSND tỉnh Đồng Nai sửa sai, chấp nhận bồi thường 370 triệu đồng. Tháng 12/2016, cơ quan này tổ chức buổi xin lỗi công khai anh Đại tại quê nhà.
"Tôi sẽ đưa hết tiền bồi thường oan sai cho mẹ để sửa nhà, chữa bệnh. Cha qua đời khi tôi bị bắt oan. Giờ chỉ cần mẹ khỏe, mẹ vui là nhà tôi đã có xuân, có Tết rồi", anh Đại nói.
Chiếc áo đỏ oan nghiệt
Nhiều người vẫn nói vui sau này đừng có dại mà ra đường tè bậy, vì coi chừng bị quàng vào tội Cướp tài sản như Uống, Sỹ, Sệt. Nhưng ngay cả khi đang ngồi nhậu trong quán vẫn bị bắt oan như chuyện xảy ra ở huyện Cái Nước, Cà Mau.
Ba chàng trai Nguyễn Hoàng Khang, Nguyễn Minh Nhựt và Nguyễn Vũ Ca đang ngồi nhậu trong quán. Cùng thời điểm, một vụ cướp xảy ra cách đó chừng 3km. Nạn nhân xách xe đi lùng, nhìn vào quán nhậu thấy có người mặc áo đỏ giống kẻ cướp nên báo công an.
Khang, Nhựt, Ca bị bắt, khởi tố trong vụ án "chiếc áo đỏ", trong khi nhân chứng quan trọng là chủ quán khẳng định cả ba ngồi nhậu suốt thời gian xảy ra vụ án. Các cơ quan tố tụng lập luận, ba thanh niên đã bỏ dở cuộc nhậu, tranh thủ chạy đi cướp rồi về nhậu tiếp.
Từ trái qua, Nguyễn Hoàng Khang, Lê Minh Nhựt và Nguyễn Vũ Ca ngày rời trại tạm giam. Ảnh: PL
Tháng 8/2016, VKSND huyện Cái Nước đã đình chỉ vụ án, thừa nhận làm oan. Cha của Nhật, chàng trai mặc chiếc áo đỏ oan nghiệt hôm đó, chia sẻ: "Tết này là Tết vui đầu tiên của gia đình tôi sau thời gian dài lao đao mang tiện nhà có con vướng tội cướp".
Theo Pháp luật TP HCM
Đăng nhận xét