Xử đại án tham nhũng ở Vinashinlines: Giang Kim Đạt loanh quanh chối tội như thế nào?

Quanh co

Diễn biến phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Vinashinlines mà tâm điểm được chú ý là các hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Giang Kim Đạt - nguyên Trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines (từ ngày 16/2) - cho thấy bị cáo này nhiều lần lý giải quanh co nhằm tìm cách che đậy hành vi phạm tội.

Cùng bị xét xử với Giang Kim Đạt có Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinline, Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines bị đưa ra xét xử về tội tham ô tài sản. Bố đẻ của Đạt là Giang Văn Hiển (SN 1950, ở Quận 2, TP HCM) bị xét xử về tội rửa tiền

Theo cáo trạng, các bị cáo đã thỏa thuận lấy tiền hoa hồng hoặc gửi giá vào hợp đồng mua 3 tàu, cho thuê 9 tàu của Vinashinlines để chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng. Cụ thể, từ năm 2006 đến 2008, Liêm đã chỉ đạo Đạt tìm kiếm, thỏa thuận với các Cty môi giới để yêu cầu trích lại từ 1 - 5,75% tổng giá trị hợp đồng mua 3 tàu biển. Qua việc này, các bị cáo đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 11,4 tỷ đồng của Vinashinlines.

Cũng trong thời gian này, các bị cáo đã gửi giá vào hợp đồng của Vinashinlines cho đối tác thuê 9 tàu biển, chiếm đoạt gần 250 tỷ đồng. Về hành vi của Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt), CQĐT xác định bị cáo đã mở 22 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau nhằm giúp Đạt rửa tiền. Các Cty nước ngoài đã 92 lần chuyển tiền vào các tài khoản với tổng số gần 16 triệu USD. Sau đó, Hiển rút ra giao Đạt để Đạt đưa lại cho Liêm và Khương một phần. Còn lại, Hiển mua 40 bất động sản đứng tên mình và người thân, mua đi bán lại 13 ô tô…

 Giang Kim Đạt cuối cùng cũng phải đứng trước vành móng ngựa để trả lời về hành vi phạm tội đã gây ra. Ảnh: HC

Giang Kim Đạt cuối cùng cũng phải đứng trước vành móng ngựa để trả lời về hành vi phạm tội đã gây ra. Ảnh: HC

Trước vành móng ngựa, Trần Văn Liêm cho rằng cáo trạng có nhiều điểm không đúng. Theo lý giải của nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines, ông ta không phải chủ mưu, chỉ đạo Đạt như quy kết của cơ quan tố tụng. “Cáo buộc hoàn toàn oan sai, không đúng”, ông Liêm nói.

Đến lượt mình, bị cáo Giang Kim Đạt (40 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines) loanh quanh khi cho rằng: "Bị cáo xin được tiền từ công ty môi giới. Tiền lệ phí môi giới được trả từ 1- 5,75%, tùy theo thỏa thuận. Đó là theo thông lệ quốc tế. Bên bán tàu sẽ trả tiền cho công ty môi giới, sau đó công ty môi giới mới cho lại tôi tiền", Đạt khai.

Vẫn theo lời khai của Đạt, được công ty môi giới trích lại cho tiền hoa hồng nhưng Đạt không báo cáo lại cho ông Trần Văn Liêm (61 tuổi, nguyên TGĐ tổng công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin).

Sau khi nhận được tiền, Đạt chuyển cho bị cáo Liêm khoảng 150.000 USD. "Lúc đó bị cáo nói - đây là tiền công ty môi giới trích ra cho em thì em cho anh. Anh Liêm hiểu họ có quyền được hưởng tiền môi giới và họ có quyền cho mình", Đạt khai.

Trả lời câu hỏi, sao bị cáo nhận được số tiền lớn vậy nhưng lại trích lại cho sếp ít thế, bị cáo Đạt nói: "Vì đó là tiền người ta cho bị cáo". Việc khai báo này của Giang Kim Đạt tại tòa khiến những người dự khán bất ngờ vì sự quanh co của bị cáo này.

Theo cáo trạng, từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, thông qua các công ty môi giới, Liêm, Đạt và Khương đã thoả thuận, đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê 9 con tàu để chiếm đoạt của Vinashinlines 249 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn việc cho thuê 9 tàu, bị cáo Đạt khai không nhận được khoản tiền nào từ các hợp đồng cho thuê. Số tiền mà bố bị cáo nhận được qua tài khoản là tiền vật liệu trả lót kiểm dịch, khoản tiền môi giới thương mại, dịch vụ hàng hải... mà bị cáo đã ứng trước đó.

HĐXX dồn hỏi Đạt: "Sao khi chuyển tiền người ta lại ghi là tiền hoa hồng chứ không phải như bị cáo nói là tiền vật liệu trả lót kiểm dịch. Tại sao đây là việc chung của công ty mà bị cáo lại phải ứng ra?

Giang Kim Đạt khai: "Họ ghi là tiền thù lao. Tiền bố bị cáo được hưởng không liên quan đến các hợp đồng cho thuê tàu, chỉ là tiền bị cáo ứng trước đó, là các khoản tiền môi giới thương mại, dịch vụ hàng hải... Vì họ không chuyên nghiệp nên bị cáo phải hỗ trợ họ rất nhiều...".

Đề nghị một bản án nghiêm khắc

Đại diện cơ quan công tố tại tòa cho rằng các bị cáo không thừa nhận hành vi, phủ nhận toàn bộ lời khai trước đó ở cơ quan điều tra nhưng đủ căn cứ truy tố bị cáo Khiêm, Liêm và Đạt phạm tội Tham ô.

 Các tội đồ khiến con tàu Vinashinlines điêu đứng. Ảnh: HC

Các tội đồ khiến con tàu Vinashinlines điêu đứng. Ảnh: HC

Đây là vụ án nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài. Từ năm 2006 đến 2008, bị cáo Liêm điều hành Vinashinlines, chỉ đạo bị cáo Đạt thống nhất tiền hoa hồng, chênh lệch giá mua tàu, cho thuê tàu. Số tiền chiếm đoạt được các bị cáo để ngoài sổ sách.

Từ năm 2006-2008, bị cáo Giang Kim Đạt với chức vụ của mình đã trực tiếp tham mưu, tìm kiếm đối tác mua tàu, cho thuê tàu, lợi dụng chức vụ, thông qua công ty môi giới, chiếm đoạt 260 tỷ đồng. Bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho Vinashinlines hơn 249 tỷ đồng.

Cũng trong chiều 18/2, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đề nghị hình phạt cao nhất cho Giang Kim Đạt là tử hình.

Riêng bị cáo Trần Văn Liêm- nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines bị đề nghị án tù chung thân; Bị cáo Trần Văn Khương- nguyên kế toán trưởng Vinashinlines bị đề nghị phạt 20 năm tù vì tội Tham ô. Đề nghị xử phạt bị cáo Giang Văn Hiển (bố Giang Kim Đạt) từ 8-9 năm tù vì tội Rửa tiền.

Hà Châu

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget