Cháu bé Đỗ Tiến Dũng ở quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) mong được trở thành chú cảnh sát giao thông. Ảnh: TL
Trước đây, chỉ những người cao tuổi mới bị ung thư. Bây giờ, có lẽ vì tác hại do ô nhiễm môi trường và thực phẩm bẩn độc hại, nhiều đứa trẻ ngay từ trong bụng mẹ đã mắc bệnh ung thư. Nhưng bữa nay, ta không bàn về chuyện ung thư của các em bé nữa, mà bàn về “giấc mơ” của những em bé bị ung thư kia. Em bé nào chả có những ước mơ. Có lẽ cả một trăm em bé ung thư khi đã có ý thức là mình bị ung thư cũng đều có ước mơ thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Đơn giản nhất cũng là một tiếng kêu: “Mẹ ơi cứu con!”, “Chú ơi cứu con!” làm thắt gan thắt ruột chúng ta!
Nhưng cháu bé Đỗ Tiến Dũng ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng lại không nghĩ đến bệnh ung thư mà chỉ mong được trở thành chú cảnh sát giao thông. Nhà Dũng rất nghèo. Ông bố mất cách đây hai năm vì bệnh tai biến. Bà mẹ phải bán căn nhà để lo chữa bệnh cho con, dù biết có bán cả nhà đi cũng khó mà cứu được con. Anh trai Dũng vẫn còn học phổ thông, ở tá túc trong trường. Còn mẹ con Dũng bám bệnh viện. Người điều trị Dũng - bác sĩ Lê Na, người không chỉ tận tuỵ chăm sóc Dũng điều trị bệnh tật mà còn quan tâm đến những khát khao của cháu. Biết ước mơ của Dũng, bác sĩ đã viết một bức thư gửi Giám đốc Công an TP Đà Nẵng.
Thông thường, gặp những trường hợp thế này, cách ứng xử đẹp nhất là đồng chí Giám đốc công an thành phố sẽ đến thăm cháu, tặng cháu quà và một phong bì với lời chia sẻ chân thành. Đại loại: “Chú chúc cháu khỏi bệnh. Chú rất sung sướng đợi cháu trở thành đồng đội của chú. Chú mong cháu từng ngày...”. Chỉ thế đã tuyệt đẹp rồi. Đẹp và cảm động. Nhưng Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng không chọn phương án ấy. Ông đồng ý giúp cháu bé thực hiện ước mơ. Ông giao cho Phòng Cảnh sát giao thông thành phố tổ chức một hoạt cảnh và cùng thực hiện với bệnh nhân đặc biệt này. Làm sao để cháu bé cảm nhận được công việc của một chú cảnh sát giao thông trên đường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn cho người dân thực hiện luật an toàn giao thông.
Một bộ quân phục cảnh sát giao thông lập tức được chuyển đến cho Dũng, rồi một thành viên trong Hội từ thiện Vu Lan đã nhận mang sửa cho vừa với thân hình của cậu bé 10 tuổi. Người thợ may là vợ của một chiến sĩ công an đã không lấy tiền công mà còn gửi quà cho Dũng. Vào đúng ngày sinh nhật 10 tuổi của mình, Dũng xúng xính trong bộ trang phục cảnh sát giao thông đi từ phòng bệnh xuống sảnh bệnh viện rồi ngồi trên xe dẫn đường. Gặp Dũng, các chú cảnh sát giơ tay chào như chào một người đồng đội. Và Dũng cũng đứng nghiêm trên xe rành rọt nói qua máy bộ đàm: "Hôm nay con đến đây để tuyên truyền với tất cả mọi người về an toàn giao thông. Theo luật giao thông đường bộ, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy và kể cả xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm và cài quai theo đúng quy cách...".
Cậu bé cười rất vui khi thấy mình thực sự là một chú cảnh sát giao thông, cũng tuýt còi hai chiếc xe máy "vi phạm" luật giao thông rồi nhắc nhở, lập biên bản xử phạt. "Từ nay con chỉ làm cảnh sát giao thông thôi!", Dũng hồn nhiên nói. Nói rồi cười. Cười với gương mặt rạng rỡ. Còn các chú cảnh sát cùng tham gia tuần tra với Dũng thì ứa nước mắt. Nhiều người cũng không cầm được nước mắt, kể cả người dân bị phạt vì “vi phạm luật lệ”.
Một tiết mục văn nghệ trong Chương trình Hướng về miền Trung. Ảnh: TL
Cuộc vui này chắc không có lần thứ hai. Tiếng hát của bạn bè, những món quà của mọi người, đặc biệt là món quà các chú cảnh sát giao thông TP Đà Nẵng dành tặng để Dũng có được một buổi sinh nhật trọn vẹn nhất trong đời. Đại tá Lê Văn Tam bảo, chính khát khao làm cảnh sát giao thông để giữ bình yên cho người dân của bé Dũng khiến bản thân ông và những chiến sĩ cảnh sát giao thông ý thức hơn nữa về vai trò, nhiệm vụ của mình đối với xã hội.
Xin cảm ơn các bạn ký giả đã “chớp” được câu chuyện cảm động mà tôi vừa kể lại này. Ngày 3/11 vừa rồi, cháu Dũng đã trút hơi thở cuối cùng và ra đi mãi mãi. Dũng đã mang theo vào cõi vô cùng câu chuyện cổ tích hiện đại thấm đượm tình người này. Nhiều chú cảnh sát giao thông cũng đến dâng hương tiễn đưa Dũng, như tiễn đưa một người đồng đội của mình. Trên linh cữu của Dũng là bức ảnh cháu trong sắc phục cảnh sát đang hướng dẫn giao thông.
Cuộc sống của chúng ta đấy. Đẹp biết bao nhiêu câu chuyện của Dũng và cách ứng xử tuyệt đẹp của cán bộ, chiến sĩ công an cùng Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Trước vẻ đẹp ấy, ta thấy những chuyện tiêu cực đã trở nên tầm thường, nhỏ bé và thảm hại biết bao nhiêu!
Và ta lại nhớ đến những trận thiên tai. Đồng bào miền Trung bị bão lũ tàn phá rất nặng nề, đang cần một sự giúp đỡ của người dân cả nước. Đài Truyền hình Việt Nam làm một chương trình trực tiếp quyên góp ủng hộ bà con. Cả nước hướng về miền Trung ruột thịt. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ đã có gần hai chục tỷ đồng được quyên góp.
Tôi thật sự xúc động khi thấy trên sân khấu trường quay có sự xuất hiện của một em bé đánh giầy. Trong dáng vẻ lập cập, hổn hển của em, với bộ quần áo tỏa đầy mùi cống rãnh vỉa hè, tôi biết chuyện thật, chứ không phải em đang “diễn”. Em đã nhờ nhà đài chuyển cho các bạn nhỏ miền Trung 100.000 đồng. Người dẫn chương trình đã “Cảm ơn em, dù món quà của em có giá trị rất nhỏ”. Tôi đã nói với ông bạn đồng nghiệp rằng, món quà của em không nhỏ đâu. Mà rất lớn đấy. Lớn lắm đấy. Bởi đó là tiền thực của em. Đồng tiền em làm lại ra vất vả. Giá đánh giầy hồi ấy chỉ có 2.000 đồng. Em phải làm đến mấy ngày mới tích cóp được số tiền 100.000 đồng ấy. Tiền của người nghèo bao giờ cũng rất to. Không phải “lá lành đùm lá rách” mà “lá rách đùm lá rách hơn”.
Ở đâu cũng có những người tốt. Một thầy giáo về hưu ở Nghệ An đã bỏ tiền riêng làm cầu cho cả làng đi. Rồi một cháu bé mới có 3 tuổi ở Tây Ninh mà đã thành anh hùng Nguyễn Bá Ngọc, lấy thân mình che cho em khỏi bầy ong dữ, rồi ra đi một cách thanh thản. Những tấm gương ấy đã làm hàng triệu người đọc rơi nước mắt.
Cuộc sống thường ngày trong đời sống bụi bặm của chúng ta là thế đấy. Có biết bao những trang cổ tích có thật đang diễn ra trên khắp thế gian. Nhờ bầu khí quyển trong lành ấy mà trái đất của chúng ta vẫn quay. Chim vẫn hót và hoa vẫn nở…
Trần Đăng Khoa
Đăng nhận xét