Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) Ảnh: hanotour.com.vn
Sắc xuân từ biển đến rừng
Trong tôi vẫn còn dào dạt cộng hưởng với buổi chào cờ ở Sa Vĩ, khi khối người đứng nghiêm trang với sắc màu áo xanh của Bộ đội Biên phòng Trà Cổ và màu áo đồng phục trắng, xanh của các em học sinh với những sắc áo khác bên nhau cùng hướng lên lá cờ Tổ quốc lộng bay trong gió biển. Cảm giác về Tổ quốc bấy giờ thật thiêng liêng và gần gũi biết bao. Đây chính là nơi địa đầu Tổ quốc tính từ phía biển.
Sau đó mấy hôm chúng tôi lên Hà Giang đến Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc tính từ đất liền. Chúng tôi đã hăm hở trèo qua 839 bậc thang, để lần đầu tiên chạm tay vào cột cờ Tổ quốc ở nơi cao vời vợi này. Lá cờ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em lộng bay trong gió núi giữa trập trùng màu xanh của những chóp núi như những cánh buồm trôi trong thung lũng với những thửa ruộng bậc thang vào mùa tam giác mạch đẹp hơn cả tranh vẽ, đẹp đến mê hồn. Và những ngọn khói mỏng bay la đà trên những mái nhà nằm cheo leo vách núi như ngọn khói sóng ở Sa Vĩ tạo cho tôi một cảm giác nhẹ nhõm bình yên…
Sắc xuân đất nước bắt đầu từ màu áo quân phục của những chiến sĩ quân hàm xanh. Các anh đang ngày đêm canh giữ biên phòng, ngày đêm nếm cái rét lạnh cắt da và thường xuyên phải trèo đèo lội suối không quản gió mưa, bão tố. Các anh như những cột mốc sống tiền tiêu vững chãi và kiên nhẫn. Tôi lại nhớ cách đây 75 năm, khi Bác Hồ kính yêu của chúng ta sau bao năm bôn ba trở về nước đến cột mốc số 108 ở Pắc Bó (Cao Bằng), Người đã cúi xuống hôn lên hòn đất Tổ quốc. Hòn đất đó tượng trưng cho máu thịt của đất nước đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã thấm đẫm biết bao sự hy sinh.
Tôi hình dung bấy giờ Bác Hồ - Người từng “Đi tìm hình của nước” qua năm châu bốn biển đã lặng đi phút giây khi “Hình của Đảng lồng trong hình của nước” (Chế Lan Viên). Bác đã về một sáng hoa mơ trắng nơi biên giới mang theo cả một trí tuệ tích lũy được qua những năm hoạt động ở nước ngoài. Người chính là linh hồn dân tộc, để rồi từ hang đá Pác Bó “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” Bác đã lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta giành bao thắng lợi vẻ vang. Tên của Bác đã được đặt cho Chiến dịch đại thắng mùa xuân 30 tháng 4 và đã được đặt thành tên cho thành phố Sài Gòn giải phóng và “Việt Nam – Hồ Chí Minh” luôn ngân vang trìu mến, tự hào trong mỗi trái tim của nhân dân thế giới…
Sắc cờ trên mọi miền quê
Lễ chào cờ Tổ quốc của Bộ đội biên phòng Trà Cổ, Quảng Ninh. Ảnh: NP
Sắc xuân đất nước hồng hào từ ánh lửa hàn như muôn sao chớp sáng trên các công trình dựng xây. Mỗi ngày mới là một thay đổi lớn lao. Những chiếc cầu hiện đại như dáng rồng Thăng Long bắc qua bao con sông rộng như khát vọng dựng xây bắc qua bao gian khó. Để mở ra những con đường cao tốc như những động mạch phập phồng trên cơ thể cường tráng của Tổ quốc thân yêu đang trỗi dậy sức sống, sức xuân. Nhà máy vào ca vọng tiếng còi ngân vang với những tiếng còi của những con tàu lướt sóng ra khơi, của những chuyến tàu đường sắt Việt Nam lăn bánh trên hàng ray như phím đàn tơ rưng.
Sắc xuân đất nước đã thắm tươi, khởi sắc thêm với năm 2016 có bao sự kiện chính trị trọng đại, đặc biệt là năm bắt đầu thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII. Làm sao quên được bao người Đảng viên trung kiên đã ngã xuống để dành lại trọn vẹn non sông cho đất nước. Vẫn còn âm vang tiếng trống Xô Viết Nghệ Tĩnh và lá cờ đỏ búa liềm, lá cờ của công nông cùng lá quốc kỳ sao vàng năm cánh mang sắc đỏ như sắc ấm nóng của mặt trời, của vẻ đẹp lý tưởng đã tung bay trên các ngả đường đất nước, tung bay ở Bắc Bộ Phủ tại Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là sắc cờ tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-Cát. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lá cờ quân giải phóng sắc đỏ - sắc xanh lại tung bay trên Dinh Độc Lập theo bước xích những chiếc xe tăng còn lấm bao bụi đất đường trường qua bao chiến trường, bao địa hình. Sắc cờ tượng trưng cho ý chí thống nhất niềm kiêu hãnh vinh quang với hành khúc reo vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Và tôi bỗng cảm nhận sắc cờ ở Sa Vĩ, ở Lũng Cú phần phật bay cũng thắm màu với sắc cờ những năm tháng ấy. Đó chính là hồn Tổ quốc đã nhuộm bao máu đào…
Những dòng chảy mang hồn đất nước
Sắc xuân của đất nước bắt đầu từ những dòng sông. Mỗi con sông mang tên một miền quê, mang dấu ấn của địa văn hóa từng vùng đất, là nơi bắt nguồn từ những điệu dân ca. Ta vẫn còn nghe nhịp “Dô tả, dô tà…” của con sông Mã băng mình như vó ngựa tung bờm. Ta vẫn còn nghe điệu dân ca quan họ mời trầu với nón quai thao của liền anh, liền chị từ con sông mang tên Thương, tên nhớ: “Người ơi người ở đừng về..”. Ta vẫn còn nghe điệu ví dặm của miền quê xứ Nghệ mà tên sông là sắc màu (Sông Lam) là tên của nốt nhạc (Sông La) nhưng điệu hát đâu có xuôi dòng mà trải qua bao thăng trầm luyến láy để thắt lưng buộc bụng, để bộc bạch lòng mình trong cái nghĩa ân tình chung thủy.
Nhưng khi lên đến cực Bắc đất nước, tôi lại bắt gặp dòng sông Nho Quế mảnh mai uốn lượn dưới tận thung sâu len lỏi qua bao trầm tích, đá núi như một sợi dây đàn căng khi đứng trên đỉnh “Mã - Phì - Lèng” nhìn xuống. Dây đàn có bao âm vực thăng giáng; dây đàn còn vọng âm tiếng khèn Mèo, tiếng đàn tính. Dây đàn không bao giờ đứt, chắt chiu nước ngọt cho những người lính biên phòng, cho đồng bào dân tộc cõng nước trên lưng mà có lần nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết: “Nước dồn lại những đôi vai ấy/ Mấy năm qua đủ tưới cả cánh đồng”. Ôi nước sao mà hiếm mà quý như thế ở vùng cao nguyên đá đất này - quý như máu. Tôi đã nhận ra đất nước của chúng ta bắt đầu từ đất và từ nước của bao dòng sông như thế.
Khi viết những dòng này, tôi vẫn còn chưa thể nào quên được những cơn lũ ập vào miền Trung quê tôi nơi thắt lưng, nơi hẹp nhất đất nước. Lũ chồng lên lũ như là “tái lũ” và ngấn lũ lại chồng lên ngấn lũ thắt vào ký ức như một cái vòng định mệnh. Trong những ngày đó mới biết tình làng, nghĩa nước thật gắn bó ân tình biết bao. Hai chữ “chia sẻ” mới thấm đậm biết bao. Những chuyến hàng cứu trợ, không chỉ cứu trợ bằng vật chất mà bằng cả tình người, bằng những vòng tay thân ái, những ánh mắt yêu tin.
Sắc xuân của đất nước rào rạt ra đến biển khơi, đến với những hòn đảo mang bao cái tên như một khát vọng sống: Đảo Sinh Tồn; như một tiếng reo ca lảnh lót: Đảo Sơn Ca; như một dáng hình trên hoa văn trống đồng: Đảo Thuyền Chài; như một cổ tích thời nay: Đảo Trái Thị… Thật bất ngờ khi trên đảo Song Tử Tây lại có lớp học mà học sinh còn rất nhỏ tuổi. Các em mặc bộ đồng phục hải quân đánh vần những chữ cái đầu tiên nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi cứ hình dung tiếng trẻ học bài như một chùm dây leo quấn quanh cột mốc chủ quyền thật xanh tươi, thật mượt mà, thật thanh khiết, trong trẻo át đi cả bão gió mà đến cái cây ở nơi này cũng mang tên phong ba đến vân gỗ cứ xoắn vào nhau như dây thừng bền chặt. Và nghiêng xuống bên mái trường, bên cột mốc là mái chùa Việt, là lũy tre Việt, là tiếng chuông Việt cứ ngân nga.
Tôi mới hiểu vì sao thông lệ đầu tiên của những người ở đất liền ra đảo là lễ thượng cờ. “Thượng cờ” để tôn vinh vẻ đẹp thiêng liêng, trang nghiêm khi hồn Tổ quốc đã neo lại nơi này. Lại nhớ những người lính giữ đảo Cô Lin, Gạc Ma dùng ngực mình che chắn là cờ Tổ quốc. Máu các anh đã nhuộm đỏ thắm mặn. Buổi lễ tưởng niệm các anh có muôn sắc hoa. Rất nhiều hoa cúc vàng như màu ngôi sao vàng và rất nhiều sắc hoa đỏ được ròng ròng từ từ thả xuống biển bồng bềnh trôi. Hỡi linh hồn các anh đã về với biển thẳm, về với đất mẹ để tô thắm thêm sắc xuân đất nước…
Tùy bút của nhà văn NGUYỄN NGỌC PHÚ
Đăng nhận xét