Chuyện nhóm “nhân sĩ Hà Đông” tìm sắc phong cho làng

Anh Nguyễn Đức Nhân trao tặng một số đạo sắc phong cho đại diện nhóm “nhân sĩ Hà Đông”.

Anh Nguyễn Đức Nhân trao tặng một số đạo sắc phong cho đại diện nhóm “nhân sĩ Hà Đông”.

Vì đạo sắc phong mà nảy ra hiềm khích

Trong giới “chơi” cổ vật, đạo sắc phong được quy ước như một giá trị quý báu về cả tinh thần lẫn vật chất. Đó là văn bản cổ do vua ban tặng cho những người có công với đất nước và mỗi địa phương đều coi đó như xác nhận tối cao về mặt văn hóa, lịch sử, hành chính lẫn tâm linh. Có đạo sắc phong trong tay, người chơi cổ vật có thể mua bán, đổi chác, coi đó như một xác tín cho những món đồ cổ cùng thời, cùng xuất xứ. Từ hấp lực ấy, rất nhiều sắc phong của làng Việt đã lọt vào tay “đạo chích”, bị bán ra cả nước ngoài. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tiết lộ, có ngôi làng tìm ra sắc phong, được nhà tài trợ tặng hẳn cho một bộ khóa “hiểm hóc”, rốt cuộc vẫn bị cắt khóa, lấy trộm.

Ý tưởng tìm sắc phong cho làng quê Việt được nhóm “nhân sĩ Hà Đông” khởi động cách đây 3 năm khi một vài thành viên trong nhóm sưu tập khoảng hơn 200 đạo sắc phong. Xót xa trước những giá trị quý báu bị tản mạn, trở thành hàng hóa, cả nhóm đã bàn nhau rồi quyết định thuê dịch hàng trăm sắc phong với giá khoảng 2 triệu đồng/bản, hợp tác với chuyên gia phân loại, liên hệ về địa phương bị mất.

Kể về hành trình gian nan này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Hầu hết, những nơi mất sắc phong đều rơi vào những trường hợp: Không có khả năng đi tìm, chấp nhận bỏ rất nhiều tiền để chuộc lại và cũng có những làng quê nghèo, họ thật lòng không muốn nhận vì sợ giữ ở đình làng tiếp tục mất trộm lại mang “tội”. Nhóm chúng tôi gồm có 7 người, hầu hết làm văn chương, nghệ thuật, một vài người là doanh nhân và tự ý thức được mình không đủ sức làm một việc lớn như thế suốt quá trình lâu dài nên chúng tôi đưa lên Facebook, kêu gọi ai đang giữ sắc phong hoặc hãy dâng tặng, hoặc trước đây mua bao nhiêu thì để lại giá ấy cho dân làng. Một số người buôn bán, sưu tập đã trao trả, nhiều nhà nghiên cứu cũng vào cuộc dịch “công đức”. Nhóm “nhân sĩ” nhận nghĩa vụ kết nối, làm việc với địa phương để trao trả lại bằng nghi lễ long trọng về văn hóa, tinh thần. Nơi nào không có kinh phí, chúng tôi cùng chung tay hỗ trợ”.

Trò chuyện với nhóm “nhân sĩ Hà Đông” mới thấy câu chuyện về đạo sắc phong nhiều ly kì. Gần nhất, nhóm “nhân sĩ” đã tìm và trao lại đạo sắc phong cho làng Gòi Thượng (xã Xuân Lôi, Bình Lục, Hà Nam). Đối chiếu với tên xã trong địa giới hành chính thì tên xã ở sắc phong đã mất 70 năm. Tìm được xã rồi ấy vậy mà đạo sắc phong suýt lạc. Năm 2007, thông tin sắc phong làng Gòi Thượng bị mất cắp đã khuấy động đời sống yên bình vốn có. Sự việc bị đẩy lên thành rắc rối khi làng Gòi Hạ kế bên được tỉnh Hà Nam công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. “Một mất mười ngờ”, dân làng Gòi Thượng truyền tai nhau đồn thổi chuyện làng bên đánh cắp phong làng mình mới đủ tiêu chuẩn công nhận di tích. Bên quán nước, trong quán rượu… lời đồn thành ra cạnh khóe, gây gổ dẫn đến mối “thâm thù”.

Giữa tháng 5/2016, nhóm “nhân sĩ Hà Đông” tìm về làng Gòi Hạ để báo việc đang giữ 7 đạo sắc và ngỏ ý muốn dâng cho làng. Oái ăm thay, bô lão trong làng dịch lại, phát hiện đó là 7 sắc phong của làng Gòi Thượng. Gạt bỏ hiềm khích, làng Gòi Hạ thông báo, cung cấp bản sao cho làng bên để họ liên hệ nhận về. Tìm được đạo sắc phong trong niềm xúc động, mối “thâm thù” cũng được hóa giải, dân làng Gòi Thượng mang những bao gạo lên bày tỏ tấm lòng với nhóm “nhân sĩ”. Biết làng nghèo khó, cả nhóm đề nghị sẽ tài trợ kinh phí để địa phương tổ chức lễ đón rước.

“Từ nay đình mới có hồn!”

Theo chân nhóm “nhân sĩ Hà Đông” về làng Hậu Xá (xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội) trong những ngày cuối năm khi chính quyền, nhân dân nơi đây vừa đón về 4 đạo sắc phong, cụ thủ từ đình làng Hậu Xá Đặng Văn Thao xúc động nói: “Bao năm nay kể từ ngày đình mất sắc phong, nhân dân đã tìm kiếm khắp nơi mà vô vọng. Từ khi nhóm “nhân sĩ” thông báo về sự tồn tại của 4 đạo sắc phòng, địa phương tổ chức lễ rước, chúng tôi như trút bỏ được tâm tư dằn vặt bấy lâu nay. Từ nay, đình làng đã có hồn, văn hóa địa phương đã có xác tín về nguồn cội”.

Hiện tại, 4 đạo sắc phong của làng Hậu Xá đã an vị trong két sắt lớn nhưng kí ức của các bô lão vẫn như còn vẹn nguyên nỗi ám ảnh lần “đạo chích” cuỗm sạch 10 đạo sắc phong đựng trong hộp gỗ duối cùng bộ chấp kích (lỗ bộ), lư đồng, khí tự tại đình làng. Liên tiếp những cuộc họp bàn được tổ chức những mong tìm lại sắp phong rơi vào vô vọng. Tình cờ, một thành viên nhóm “nhân sĩ Hà Đông” mua được 4 đạo sắc phong, khi đem dịch mới biết đó là đạo sắc thần hoàng làng Hậu Xá (tên cũ của làng là Bạch Xá Trang). Người dân làng này kể lại, ngày làm lễ đón rước, họ “đặt tiền xăng cộ” cho nhóm “nhân sĩ” vì biết họ bỏ tiền túi ra mua, mất công thuê dịch, đi lại nhưng nhóm nhất quyết dâng biếu làng và thỉnh thoảng trở về như những người con tình nghĩa.

“Sống đẹp” không khó!

Nhóm “nhân sĩ Hà Đông” xuất thân mỗi người một ngành nghề, nơi ở nhưng đều gặp nhau ở tinh thần “sống đẹp”, hướng đến đạo làm người với nền tảng căn cốt là văn hóa. Tên gọi mang địa danh Hà Đông nhưng không phải tất cả thành viên trong nhóm đều cư trú ở đó. Người sống ở phố cổ, người từ Cao Bằng về định cư, người bán nhà chuyển cả gia đình về Hà Đông sinh sống… nhưng hễ có công việc, sự kiện thì đều “tụ tập”. Nơi ấy, họ có nhiều sinh hoạt văn hóa, thường xuyên tiếp đón những đoàn khách nước ngoài về nghe chèo cổ, chầu văn, xem múa rối nước.

Các thành viên nhóm “nhân sĩ” cho rằng, nét đẹp văn hóa văn hóa ấy trước hết mang lại giá trị cho chính đời sống của họ, giúp họ đón vào lòng mình năng lượng lớn lao của văn hóa, thu nạp được những bài học giáo dục con cái sau đó mới đến sức lan tỏa, mong muốn đóng góp một phần nào đó vào cách bảo tồn vẻ đẹp đời sống người Việt dựng lên suốt bao thế hệ.

Nói về tinh thần “sống đẹp”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định, đó là giá trị mà đa số con người muốn vươn tới. Một hình ảnh, hành động đẹp sẽ đánh thức cộng đồng, ủng hộ sự thiện chí.

“Nhiều khi, chúng ta bi quan, tưởng rằng đời sống hiện đại chỉ xoay quanh mỗi tiền bạc, tội ác, tham vọng, vô cảm... nhưng nếu biết khơi gợi, vẻ đẹp đời sống vẫn trỗi dậy, lan tỏa. Ở đời sống đương đại, khi sự vô cảm đang xâm lấn, chúng ta có quá nhiều cơ hội để sống đẹp. Từ việc lớn như kêu gọi cứu trợ cho hàng nghìn người đến chăm sóc một người già, bảo vệ trẻ em, nhường nhau miếng cơm manh áo, chút đường đi cũng là sống đẹp”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Lữ Mai

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget