PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế: “Tất cả vì sức khỏe người dân, sự hài lòng của người bệnh”

Những điểm sáng trong công tác Y tế năm 2016

Thưa Bộ trưởng, trong năm 2016, ngành Y tế đã có những đổi mới gì mang tính toàn diện được người dân và toàn xã hội ghi nhận?

- Năm 2016, được sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ y tế, ngành Y tế đã đạt được một số thành tựu như: Đề án đổi mới phong cách, tinh thần phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã đạt hiệu quả khích lệ. Kết quả khảo sát độc lập tại một số bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, huyện, sự hài lòng của người bệnh chung là trên 80%, có những cơ sở còn đạt trên 90%. Song song đó, ngành Y tế cũng triển khai một loạt các giải pháp khác như: Yêu cầu các bệnh viện xây dựng cơ sở mình xanh, sạch, đẹp, đồng thời quản lý chặt chẽ các dịch vụ ở bên ngoài vào bệnh viện (trông giữ xe, bảo vệ, vận chuyển cấp cứu…) nhằm mục đích hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, hàng loạt cơ sở y tế được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp khang trang, to đẹp và sạch sẽ hơn, giường bệnh được tăng lên...

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện hiệu quả Đề án Bệnh viện vệ tinh, chuyển giao nhiều công nghệ, kỹ thuật cao cho tuyến dưới, tình trạng nằm ghép, quá tải tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối của TP HCM, Hà Nội đã “hạ nhiệt”, tỷ lệ chuyển tuyến giảm hẳn. Tại tuyến Trung ương có tới 80% số bệnh viện khẳng định cũng như qua theo dõi, giám sát không còn tình trạng người bệnh nằm ghép.

Ngoài ra, năm 2016, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân của Việt Nam cũng đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao trong năm (79%). Chúng ta cũng thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, theo Nghị định 16 của Chính phủ cũng như các Nghị quyết của Quốc hội, đưa lương và phụ cấp vào giá dịch vụ đối với những đối tượng có thẻ BHYT, đến nay đã thực hiện được tại 37/63 tỉnh, thành.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt và sắp ký ban hành Đề án thành lập Trung tâm Đấu thầu thuốc tập trung, thực hiện Luật Đấu thầu, Nghị định Đấu thầu, giúp việc quản lý giá tốt hơn. Cùng với đó, trong năm qua, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Dược sửa đổi, giúp quản lý, điều hành giá thuốc, quản lý dược liệu chặt chẽ và hội nhập tốt hơn, đảm bảo cung ứng thuốc an toàn, giá hợp lý cho người dân.

Một điểm nổi bật khác là đổi mới toàn diện đào tạo cán bộ y tế, gắn với hai đề án về đào tạo được Chính phủ phê duyệt, giúp mô hình đào tạo y khoa, chuyên khoa đối với ngành Y đặc thù được hội nhập, đảm bảo đội ngũ thầy thuốc có chất lượng, rành mạch giữa hệ hàn lâm nghiên cứu và hệ thực hành, giúp lương khởi điểm của cán bộ y tế được nâng lên một bậc so với thời gian trước.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã thực hiện đổi mới, kiện toàn bộ máy tổ chức y tế tuyến huyện, giảm bớt đầu mối, hình thành trung tâm y tế hai chức năng, vừa dự phòng vừa điều trị. Trung tâm hai chức năng này sẽ đảm bảo khám, chữa bệnh, vừa đảm bảo phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm. Tại một số bệnh viện ở tuyến tỉnh, theo thẩm quyền của họ đã nhập một số trung tâm thực hiện dự phòng không có giường bệnh thành trung tâm kiểm soát bệnh tật. Những đổi mới này thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước giảm bớt đầu mối, tinh giảm biên chế và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Nhiều người bệnh đã cảm nhận được sự thay đổi bước đầu trong ngành Y tế, thời gian chờ đợi khám bệnh đã giảm, cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ, hướng dẫn người bệnh tận tình, chu đáo hơn trước. Ảnh: Dương Ngọc

Nhiều người bệnh đã cảm nhận được sự thay đổi bước đầu trong ngành Y tế, thời gian chờ đợi khám bệnh đã giảm, cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ, hướng dẫn người bệnh tận tình, chu đáo hơn trước. Ảnh: Dương Ngọc

Như Bộ trưởng đã trao đổi, một trong những điểm đột phá của ngành Y tế thời gian qua là đổi mới toàn bộ phong cách, tinh thần phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Chia sẻ của Bộ trưởng về kết quả đã đạt được và những dự định tiếp theo để bảo đảm sự thay đổi này có thể tồn tại lâu dài, chuyên nghiệp?

- Dựa vào đánh giá độc lập của các đoàn đánh giá, trong đó có kết quả đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại 22 bệnh viện (ở cả 3 tuyến), chúng tôi thấy ngành đã có biến chuyển rất lớn. Số thư khen ngợi tinh thần thái độ tăng lên, số cuộc điện thoại phê bình cán bộ y tế đã giảm. Qua trao đổi, phỏng vấn trực tiếp, nhiều người bệnh đã cảm nhận được sự thay đổi bước đầu trong ngành Y tế, thời gian chờ đợi để khám bệnh của người bệnh đã giảm, cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ, hướng dẫn người bệnh tận tình, chu đáo hơn trước. Điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp tại khu vực khám bệnh cũng như tại bệnh phòng trong các bệnh viện đã ngày càng được cải thiện và nâng cấp hơn. Dịch vụ căng tin và các dịch vụ hỗ trợ khác trong bệnh viện cũng đã được cải tiến theo xu hướng vừa đảm bảo chất lượng vừa hợp lý về giá cả…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, còn những tồn tại cần giải quyết. Nguyên nhân một phần do một số lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự thấy hết tầm quan trọng của công tác này, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ và chưa triệt để với quyết tâm cao nhất. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý “xin - cho”, chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ nên còn có thái độ chưa đúng mực với người bệnh. Tôi cũng phải đề cập đến nguyên nhân thuộc về phía người dân. Có nhiều người bệnh, gia đình người bệnh có tâm lý sốt ruột, không quen xếp hàng, chờ đợi (kể cả khi chờ làm các xét nghiệm cần phải có đủ thời gian mới có kết quả); không thông cảm với ngành Y tế về sự thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đôi khi còn có thái độ coi thường cán bộ y tế, không chấp hành nội quy, quy định và chỉ định, y lệnh của thầy thuốc…

Để thực hiện một cách triệt để, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ thực hiện đẩy nhanh tiến độ Đề án giảm tải bệnh viện, triển khai thực hiện bệnh viện vệ tinh… Đổi mới cơ chế tài chính trong bệnh viện; đề xuất ưu tiên chế độ chính sách cho cán bộ y tế: Phụ cấp thâm niên, lương khởi điểm của các bác sĩ… Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung trong Quyết định số 2151/QĐ-BYT. Triển khai hoạt động nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện, đội tình nguyện tiếp sức vì người bệnh. Ngoài ra phải tiếp tục đẩy mạnh, duy trì hoạt động đường dây nóng, hòm thư góp ý, quy định trang phục y tế và tổ chức các phong trào thi đua trong bệnh viện, xây dựng phong cách, văn minh thân thiện. Công tác thi đua khen thưởng xử lý vi phạm phải được thực hiện nghiêm minh, đúng theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất với các biện pháp kiểm soát hiệu quả.

Năm 2017, Bộ trưởng ấp ủ những đột phá gì trong chỉ đạo điều hành để toàn ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân?

- Có thể nói mục tiêu lớn nhất là tất cả dịch vụ y tế hướng tới chăm sóc toàn diện sức khỏe người dân, sự hài lòng của người bệnh.

Trong thời gian qua, tôi đã đi hết 63 tỉnh, thành phố, nhiều nơi đã đi 2 - 3 lần, tìm hiểu hoạt động của các trạm y tế xã, trung tâm y tế/bệnh viện huyện, trung tâm dân số, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh và thấy rằng đúng là ngoài những kết quả, thành tích đã đạt được, ngành Y tế vẫn còn một số vấn đề sau cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết.

Trước hết, hiệu quả hay công suất hoạt động của các cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến người dân phải vượt tuyến lên tuyến trên, vừa tốn kém, lãng phí vừa làm quá tải tuyến trên. Ngoài ra, mặc dù chúng ta nói phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng cả người dân và hệ thống y tế vẫn chưa thực hiện tốt chủ trương này, chưa nói đến hiện nay là phải nâng cao sức khỏe để hạn chế bệnh tật, tư tưởng “có bệnh mới chữa” vẫn còn. Nhiệm vụ của ngành Y tế là làm thế nào để mọi người dân và toàn xã hội đều hiểu là phải nâng cao ý thức, tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe trước, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, dự phòng tích cực.

Chúng ta có hệ thống hơn 11.000 trạm y tế xã nhưng chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả. Do đó, trong thời gian tới phải đổi mới toàn diện hoạt động của trạm y tế xã để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phấn đấu để mọi người dân đều phải được theo dõi và quản lý sức khỏe ngay tại trạm y tế xã.

Điều quan trọng khác là cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các bệnh viện cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không thể để tư duy quản lý bệnh viện thời bao cấp trong khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bệnh viện phải xanh – sạch – đẹp, là cơ sở để cung cấp dịch vụ, để phục vụ người bệnh chứ không phải là nơi “ban ơn” cho người bệnh.

Ngoài ra, với một xã hội phát triển, tôi mong ước rằng mọi người dân đều có BHYT, khi đi khám, chữa bệnh chi phí do BHYT chi trả. Người nào không có khả năng mua BHYT thì nhà nước mua hoặc hỗ trợ, người có khả năng kinh tế thì phải tự bỏ thu nhập, tiền túi để mua BHYT…

Còn nhiều vấn đề nữa nhưng tôi nghĩ rằng không thể làm ngay hết được. Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, theo đúng phương châm: Chủ trương một, biện pháp mười, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra, để bảo đảm phát triển hệ thống y tế Việt Nam hướng tới Công bằng – Hiệu quả và Chất lượng bền vững.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số... là một trong những điểm chính tại Kết luận 119 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về chính sách dân số. Ảnh: P.Vĩnh

Điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số... là một trong những điểm chính tại Kết luận 119 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về chính sách dân số. Ảnh: P.Vĩnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

Nỗ lực giải quyết toàn diện các vấn đề dân số

“So với thời điểm hoạch định chính sách DS - KHHGĐ vào năm 1961, dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm và những xu hướng mới, khác biệt, tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Việt Nam đã đạt được kết quả giảm sinh vững chắc, nhưng chúng ta vẫn là quốc gia đông dân số.

Bên cạnh đó, cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh, Việt Nam đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tuy nhiên cũng đã bước vào quá trình già hóa và chúng ta sớm trở thành nước có dân số già. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng nếu không được cải thiện sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững về mặt xã hội. Ngoài ra còn các vấn đề về tỷ lệ dân thành thị thấp nhưng di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số đang diễn ra khá mạnh. Chất lượng dân số tăng nhưng chưa cao, việc kế hoạch hóa phát triển ở Việt Nam còn ít chú ý đến xu hướng biến đổi dân số. Những vấn đề dân số này đòi hỏi chúng ta phải tìm được hướng giải quyết nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của đất nước.

Nhận thức được những đặc điểm và những xu hướng mới, khác biệt của dân số nêu trên, ngày 4/1/ 2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Trong đó, “Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số” và “cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”.

Việc chuyển trọng tâm này nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”. Kết luận 119-KL/TW chỉ rõ các nội dung như sau: Duy trì mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Tận dụng cơ cấu dân số vàng; Thích ứng với quá trình già hóa dân số; Điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số.

Như vậy, nếu trước đây, chính sách DS-KHHGĐ, chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với nhiều nội dung hơn, tức là với phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Ở đây cần lưu ý: Chúng ta chuyển trọng tâm, chứ không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới. Rõ ràng, xây dựng và thực hiện chính sách dân số mới mà trọng tâm là “Dân số và phát triển” là một chủ trương mới và rất lớn của Đảng. Thực hiện điều này thực sự là một bước ngoặt lớn cho chính sách dân số của Việt Nam kể từ năm 1961. Đồng thời đòi hỏi nỗ lực lớn trong việc đổi mới tư duy về chính sách dân số và cách triển khai thực hiện”.

Võ Thu (thực hiện)

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget