Nụ hôn hạnh phúc của cô dâu chú rể trong đám cưới tập thể tại TP HCM. Ảnh: TL
Bây giờ đám cưới, cỗ cưới lại to tát và nhạt nhẽo hơn nhiều. Thuê làm cỗ, đặt làm cỗ, bàn đóng sáu, năm mươi bàn, một hai trăm bàn là thường. Bởi vì nhà có việc tính toán: khách mừng phong bì năm ba mươi đồng, một hai trăm ngàn đồng, được chục triệu, có thể là vừa chi, là lãi, có thể là lỗ, nhưng chắc chẳng đám nào lỗ. Cái lo trước tiên và cái sau cùng là ăn thua lỗ lãi. Tính toán lần đầu mỗi đám cưới vẫn là như thế.
Tôi đi dự một đám cỗ cưới mới đây. Anh bạn trước ở cùng cơ quan cưới con trai có lời mời khẩn khoản. Cũng là nể, cũng là lâu không đi đâu, tôi đi chơi cho vui. Tôi gọi anh xe ôm quen. Anh này có tuổi, đi thong thả, anh bảo tôi ôm hai tay lên bụng, cười bảo: “Vô tư đi, cụ ạ”.
Quái, bây giờ như các nhà khách của cơ quan đủ loại đều trở thành phòng cưới cho thuê. Thời buổi cái gì cũng tính thành tiền, thật ngang nhiên.
Tôi đến một phố trung tâm, ba tòa nhà cơ quan đều làm đám cưới – không biết buổi chiều, buổi tối có không. Ngoài sân sáu cái bảng cắm để tên cô dâu chú rể. Khốn nỗi tôi bằng trạc tuổi cụ, tuổi ông cô dâu chú rể, mà thiệp mời quên bố ở nhà. Tôi nghĩ ra sáng kiến thong thả đi từ dưới nhà lên gác, đến từng đám, lên đến gác hai thì gặp mấy anh quen ở cơ quan. May quá không phải đi bách bộ cả sáu đám!
Ở hai đầu bàn mỗi phòng tấp nập người lên xuống, mỗi phòng bày một cái hộp hình trái tim giấy hồng kẻ chữ quấn quít chắc hai chữ Tầu tên đôi vợ chồng mới. Trên đầu trái tim hở một khe rộng mọi người đến bỏ phong bì tiền mừng như bỏ tiền vào hòm công đức ở nhà chùa.
Tôi đi qua chỗ trái tim tiền, không bỏ cái phong bì nào, thế là nhà chủ thất thu đấy!
Cũng lại một cái mới, trên bục cao đáng như mọi khi có ông ăn nói hai họ ra chúc tụng và cảm ơn khách khứa. Bây giờ có một anh chàng mặt bềnh bệch, chít khăn mặc áo gấm trần, lại đi đôi hài vẹt gót, rõ mặt đồng cô bóng cậu, lên nói luyên thuyên chọc cười. Đám cưới đã thuê anh hề làm trò cười đỡ các cụ hai họ khỏi trổ tài đối đáp như nếp cũ.
Trong khi các bàn đã vào bàn ăn rào rào. Cứ đóng cỗ sáu người một bàn kéo vào cho đủ, sốt ruột thì thấy ai đi qua cũng kéo vào.
Tôi được đưa vào một bàn còn thiếu một người, may có tôi thì vừa hay. Không quen biết ai, chỉ được cái ông nọ ông kia cũng sàn sàn tuổi nhau. Các ông gắp thức ăn cho tôi, sốt sắng, tíu tít. Tôi cũng đã gắp kháo một lượt qua các món, miến măng, miếng thịt nướng, miếng bầu dục dởm của nhà chùa, chẳng miếng nào nhai được, vì cái răng móm của tôi.
Tôi đành gật gù vài hớp bia Hà Nội.
Rồi tôi tự nhiên đứng lên ra về. Không phải mình tôi, mà mọi người xung quanh cũng nhẹ nhàng từ từ ra về, không ai phải chào ai, bởi vì cũng không ai biết ai.
Việc nền nếp đón khách, mời khách, tiễn khách láo nháo.
Tôi phàn nàn với một ông bạn về việc đám cưới chẳng ra làm sao. Ông bạn cười to, nói:
- Thế là còn khá đấy, ông còn ngụm bia và miếng thịt nhắm ra mâm cỗ. Đằng này đám cưới to thật sang đặt ở khách sạn thượng hạng Đai-U (Deawoo), Mê-Li-A (Melia) cơ.
- Thế rồi thế nào?
- Khai mạc xem pháo hoa, phun nước màu ngũ sắc, phim cô dâu chú rể từ lúc tuổi còn thơ đến trưởng thành.
- Thế thì ăn vào lúc nào?
- Chiếu phim xong mới ăn. Vừa đúng một tiếng đồng hồ.
Hai ông già cùng cười tủm.
Tô Hoài
Đăng nhận xét