Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại chợ hoa xuân TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương). Mới 23 giờ đêm, các quầy bán hàng đã đóng cửa, căng bạt che chắn cẩn thận. Cạnh đó, nhiều chủ hàng dựng lều và chọn cho mình chỗ ngủ thuận lợi để trông hàng.
Anh Bùi Văn Kiên (46 tuổi) quê huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) cho biết: "Hơn 6 năm nay tôi đều bán hàng ở hội hoa xuân này và mỗi năm đều có nhiều chuyện đáng nhớ, đặc biệt là canh trộm ban đêm".
Theo lời kể của anh, thông thường mỗi hội chợ diễn ra khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Những ngày đầu mọi thứ diễn ra bình thường, nhưng khi khách hàng đến mua đông cũng là thời điểm trộm cắp bắt đầu hoạt động khiến cho anh và các chủ hàng nhiều đêm không dám ngủ vì sợ mất hàng, tài sản.
“Cách đây 2 ngày, tôi bị trộm vào tận chỗ ngủ lục tìm tiền bạc và những đồ có giá trị. Lúc đó, tôi nghĩ là bạn bán hàng ở bên vào nằm. Khi phát hiện không phải, tôi đã hô hoán thì tên trộm đó bỏ chạy”, anh Kiên cho biết.
Các chủ hàng phải căng bạt, dựng lều trông hàng về đêm vì sợ mất trộm. Ảnh: Đ.Tuỳ
Ngoài bị mất tiền bạc, thì trộm còn lấy cây cảnh và các mặt hàng đang bán là chuyện thường ngày xảy ra ở mỗi hội chợ xuân. Vì vậy, mỗi khi đi bán hàng ở hội chợ Tết là nỗi lo thường trực của các chủ hàng.
Anh Trần Minh Trung (30 tuổi) ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang cho hay, nhiều năm nay cứ vào cuối năm anh đi buôn các loại mặt hàng phục vụ Tết. Trong thời gian bán hàng, anh phải tự lo sinh hoạt, ăn nghỉ và bảo quản các mặt hàng buôn bán.
“Bình thường buôn bán đã vất vả, đến chỗ sinh hoạt, ngủ nghỉ càng khó khăn hơn, cứ bạ đâu là chúng tôi ngủ đó. Hầu như không có đêm nào tôi chợp mắt được vì mình bỏ ra một đống tiền, vốn liếng mà chỉ mất một vài thứ là hết lãi, coi như bán hàng lỗ vốn, trong khi ở hội chợ an ninh phức tạp vô cùng”, anh Trung cho biết.
Cũng theo lời anh Trung, đa phần trộm ở những khu vực hội chợ hoa xuân là đối tượng nghiện hút và những thanh niên lang thang đến xin tiền. Nếu cho, thì đêm sau họ lại đến mà không cho thì kiểu gì cũng có chuyện xảy ra. Khi đông người vào xem mua hàng thì không sao, nhưng khoảng sau 12 giờ đêm thì các đối tượng này bắt đầu hoạt động và chỉ cần thiếu cảnh giác thì mất hàng.
Nhiều mặt hàng không bán được đã được chủ hàng mang về. Ảnh: Đ.Tuỳ
“Tối hôm qua, tôi mệt ngủ thiếp đi, khi giật mình tỉnh dậy thì đã bị trộm cắt bạt và dây chằng lấy đi ít cành đào, quất, chậu cam, còn đồ đạc bị lục tung. Chỉ mất như vậy thôi là tôi đã không còn tiền lãi rồi”, anh Trung chia sẻ.
Theo các chủ hàng cho hay, chuyện bị trộm hàng ở chợ tết năm nào cũng diễn ra. Cho nên, mọi người phải dựng lều ngủ tại chỗ để trông. Những chủ hàng thuê được nhà bạt thì không sao, còn lại nhiều người ngủ tại vỉa hè, nề đường, thậm chí dưới trạm biến áp. Sau những đợt tham gia bán hàng và ngủ vạ vật đó, hầu như ai về cũng ốm và gầy rộc.
Ông Vũ Văn Tuấn (chủ hàng) ở huyện Gia Lộc (Hải Dương) tâm sự, đến Tết chẳng ai muốn đi làm và phải vạ vật cả đêm nhưng vì hoàn cảnh và cuộc sống khốn khó, cho nên ông tranh thủ ít ngày cuối năm để kiếm thêm lo cho gia đình Tết lo đủ. Tuy nhiên, năm nào ông và các chủ hàng cũng lo về an ninh mỗi khi đêm về.
"Bản thân chúng tôi ngủ ở đây biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác vì tình trạng trộm cắp ở hội chợ nhiều. Nếu như BTC nhận trông đêm chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền để trả công vừa đảm bảo an ninh và chủ hàng không lo mất hàng hoá", ông Tuấn cho biết.
Một số hình ảnh về những chủ hàng ngủ vạ vật ở chợ hoa xuân TP Hải Dương:
Hội chợ hoa xuân TP Hải Dương Xuân Đinh Dậu 2017
Khoảng 23 giờ đêm, các chủ hàng căng bạt vì sợ trộm viếng thăm
Những bữa ăn lúc nửa đêm của các chủ hàng
Vì sợ mất trộm hàng hoá, nên các chủ hàng ngủ luôn tại chỗ bán để trông
Từ ngủ vỉa hè
đến ngủ giữa những hàng hoá
và dựng lều ngay dưới các trạm điện biến áp
Thậm chí, họ còn mắc võng ra giữa trời đề trò chuyện cho hết đêm
Nhiều người thay phiên nhau ngủ
Nhưng cũng có người không dám ngủ để canh hàng
Bài, ảnh: Đức Tuỳ
Đăng nhận xét