Người Việt tại Mỹ tổ chức gói bánh chưng chuẩn bị cho dịp Tết. Ảnh: N.Nam
Vẫn cơm tất niên, phong bao lì xì
Năm nay đã là năm thứ 3 Phương Anh ở lại và đón Tết năm mới tại Pháp - nơi chị học đại học ngay sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam. Phương Anh cho biết, mỗi dịp Tết đến, dù không được nghỉ học, nhưng chị và nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại Pháp lại đổ về Paris để tổ chức một lễ đón giao thừa Âm lịch thật ấm cúng. Dịp Tết, các cửa hàng của người Việt bày bán khá đầy đủ hàng hóa sử dụng, có cả giò, bánh chưng, xôi, miến, các loại phong bao lì xì…
Theo chị Phương Anh thì: “Dịp Tết dù xa quê hương, xa người thân nhưng vào thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, được ăn bữa cơm tất niên cùng bạn bè, được nhận và chúc nhau một năm mới an lành hạnh phúc, được nhận những phong bao lì xì cũng bớt nỗi buồn. Nhớ năm đầu, đón giao thừa ở Pháp buồn đến nao lòng, chờ xem Táo quân trên Internet vui, hài đó mà trong lòng cồn cào khó tả. Chỉ đến khi gia đình gọi điện sang chúc Tết, lúc đấy mới vơi đi nỗi buồn. Tết năm nay là năm thứ 3 rồi, không còn buồn nữa vì có khá nhiều hoạt động đón Tết của du học sinh”.
Gắn bó đã 8 năm nay, anh Trần Song Bách (28 tuổi, đang làm việc tại Paris) đã quen với cuộc sống nơi đất Pháp, song mỗi độ xuân về vẫn không nguôi nỗi nhớ gia đình, bạn bè ở quê nhà. Anh chia sẻ: "Hồi đi học, dịp Tết thường là vào dịp thi nên ai cũng bận, nhưng sinh viên Việt Nam vẫn tổ chức đón Tết cùng nhau, cùng gói bánh chưng, làm nem, giao lưu văn nghệ, thể thao. Bây giờ dịp Tết vẫn còn duy trì chương trình đón Tết cùng các bạn sinh viên và cựu sinh viên các thế hệ của trường với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và tổ chức quyên góp để gửi về Việt Nam làm từ thiện”.
So với không khí đón Tết ở Pháp, các du học sinh, người lao động Việt Nam ở Nhật Bản trầm lắng hơn do đặc thù riêng là bận rộn bởi ở Nhật khá nghiêm khắc chuyện đi học, đi làm. Nhưng không vì thế mà với những du học sinh người Việt ở đây quên hẳn Tết cổ truyền, bởi đây là dịp mà nhiều người mong đợi để bạn bè gặp gỡ, chia sẻ những buồn vui khi du học xa nhà. Một cái Tết không được tổ chức quy mô, chỉ là những bữa tiệc nhỏ, cùng tới một địa điểm nổi tiếng nào đó ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm để gửi về cho người thân...
Đón Tết lần thứ 2 tại Nhật, Thu Trang, sinh viên đại học ở Tokyo (Nhật Bản) tâm sự: “Ở Nhật Bản, ngoài thời gian học tập là chúng em đi làm thêm để có tiền trang trải học tập. Dù rất bận, nhưng những du học sinh đều cố gắng sắp xếp một ngày để đón Tết, chứ các công ty họ chỉ cho nghỉ một ngày âm lịch. Mọi khi nấu ăn thì cũng chỉ là mỗi người tự nấu những món thông thường chứ không có làm bánh chưng, nem giò. Nhưng năm nay, dịp Tết chúng em cũng dự kiến tổ chức thi nấu ăn, chương trình giao lưu âm nhạc, mời các bạn du học sinh quốc tế khác cùng giao lưu. Nhắc đến Tết, ai cũng vui và háo hức, lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng dù chỉ diễn ra trong khoảng 1 ngày”.
Khắp nơi đi chùa, bán hàng Việt
Không chỉ ở Việt Nam, Tết Việt cũng được tổ chức mang đậm nét cổ truyền tại nhiều quốc gia trên thế giới, nơi có người Việt Nam học tập, định cư từ lâu. Giống như mọi năm, Tết Âm lịch năm nay cộng đồng người Việt Nam tại Australia cũng rất tưng bừng. Từ những chiếc bánh chưng tự gói, đĩa xôi tự đồ, bát canh măng ngút khói cùng khoanh giò xào của nhà làm được, đến tục lệ đi lễ chùa đầu năm, tất cả đang tạo ra một xuân quê hương vô cùng đặc trưng, làm ấm lòng người xa xứ. Ở Australia, ngày Tết dù không được nghỉ làm nhưng hầu hết người Việt vẫn bố trí thời gian nấu một bữa cơm để đại gia đình sum họp. Các quán ăn Việt đã nghỉ một ngày kinh doanh để vui Tết.
Cũng giống tại Australia, cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập ở Vương quốc Anh cũng khá đông, nên không khí tấp nập chuẩn bị đón Tết cổ truyền, đặc biệt là tại Thủ đô London, nhiều khu phố tại đây đèn hoa rực rỡ bắt mắt với các biển hiệu tiếng Việt mang đậm không khí Tết. Tại phía Nam London nơi có đông người Việt sinh sống, dịp Tết các cửa hàng của người Việt trang trí lộng lẫy, bày bán rất nhiều sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán như: Nguyên liệu làm các món ăn, bánh trưng, bánh tét, mứt Tết, bánh kẹo truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, có cả những chậu quất, hoa đào bắt mắt cùng với các loại quả Việt Nam, đồ thờ cúng dịp Tết.
Những ngày xuân Đinh Dậu, dù ở nhiều con phố, hay trong các ngôi nhà của người Việt tại Mỹ tràn ngập sắc hoa, nhưng trong tâm hồn của những người con xa xứ vẫn không nguôi nhớ đến những kỷ niệm đón Tết ở quê nhà. Hầu hết những người Việt đang sinh sống ở các thành phố của Mỹ đều chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc một cách tinh tươm. Trước đó, các khu chợ của người Việt hoa ngập tràn trong khu hội chợ. Mai, đào, cúc, huệ, hồng, lay ơn, phong lan, thược dược, đào, quất. Tại một số nhà hàng của người Việt, hầu như không còn chỗ trống vì các tổ chức, hội đồng hương tiến hành họp mặt tất niên.
Trong khi đó, tại Đức, cộng đồng người Việt chủ yếu sinh sống nhiều tại các thành phố như: Berlin, Leipzig, Chemnitz và Dresden... Nhiều gia đình mua cây quất xum xuê về trưng bày, quất cảnh và cả cành đào được bán ở các vườn cây cảnh, trong các chuỗi siêu thị lớn. Gà luộc còn nguyên đầu mỏ cắm bông hồng, bánh chưng xanh, bát canh miến là những món ăn mà hầu như gia đình nào trên đất Đức đều cố gắng sắm sửa cho mâm cỗ cúng giao thừa và có mặt ở nhà đúng giao thừa theo giờ Việt Nam.
Nới rộng vòng tay với bạn bè quốc tế
Học trung học tại Vương quốc Anh, hiện tại đang là sinh viên của Đại học Bournemouth, Thu Phương chia sẻ: “Dịp Tết ở các trường trung học, đại học có nhiều học sinh người Việt được tổ chức như một lễ hội thực sự, nhà trường còn cho học sinh, sinh viên được nghỉ học để tổ chức hoạt động. Em và các bạn, anh chị người Việt đều tổ chức các món ăn Tết của người Việt mang đến trường mời thầy cô, bạn bè cùng thưởng thức. Mọi người ai cũng thấy ngạc nhiên khi lần đầu được nhận lì xì, nhưng vào dịp Tết sau em rất vui khi nhận được lì xì lại. Ai cũng vui mừng tham gia hoạt động Tết Việt và được nghe kể về Tết, nhiều người bày tỏ mong muốn một ngày nào đó sang Việt Nam vào dịp Tết”.
Như thông lệ hàng năm, vào dịp Tết, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thường tổ chức các đoàn văn nghệ sang biểu diễn phục vụ bà con cộng đồng tại một số quốc gia trên thế giới. Những người tham dự đã được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc chào Xuân do các nghệ sỹ từ Việt Nam sang biểu diễn. Những lời ca tiếng hát với các ca khúc về đất nước, biển đảo quê hương và những khúc nhạc Xuân đã phần nào làm vơi đi nỗi nhớ quê hương của những người con đất Việt xa xứ. Đây cũng là dịp để đồng bào đang sinh sống tại nước sở tại giao lưu, gặp gỡ, tiếp tục chung tay xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Dù đời sống, xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hóa, song Tết là sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng của người Việt. Năm hết Tết đến, ai cũng chuẩn bị khá công phu và chu tất để có sự khởi đầu no đủ và hạnh phúc. Đối với những người Việt xa xứ, dù có đi đâu, làm gì, trong những thời khắc giao thời giữa cũ và mới lại gợi nhắc trong lòng họ nỗi nhớ quê hương, nhớ những cái Tết sum vầy bên gia đình, rộn ràng bên phố đông, ấm áp trong tình làng nghĩa xóm. Dù xa xứ, nhưng ngày Tết vẫn vẹn nguyên trong lòng mỗi người con dân đất Việt, họ cùng lưu giữ nét đẹp truyền thống để con cái, thế hệ mai sau gìn giữ phát huy.
Dịp Tết Nguyên đán với những du học sinh, người lao động hay người Việt Nam định cư ở nhiều nơi trên thế giới dù cách xa Tổ quốc - xa đất mẹ, nhưng ngày Tết vẫn mang đậm nét đẹp cổ truyền được gìn giữ từ ngàn đời nay. Dù “thèm” không khí đón Tết sôi nổi đầm ấm, quâyquần bên gia đình nhưng những ngày Tết vẫn được tổ chức ở khắp nơi, dịp này để gia đình, cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc xích lại gần nhau hơn, gìn giữ văn hóa cha ông và giới thiệu văn hóa Tết cổ truyền với bạn bè quốc tế.
Quang Huy
Đăng nhận xét