Tháng 9/2016, trên phố Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội), ngay dưới gầm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, một hàng cây xanh được trồng mới. Ngay từ lúc này, cây đã có độ cao khoảng 4m và gần chạm vào tuyến đường.
Khi đó, nhiều người dân sống ven đường không khỏi ngạc nhiên và lo ngại cây sẽ khó phát triển. Hơn nữa khi cây lớn rễ sẽ mọc lan ra đường gây hư hại.
Thậm chí, còn có nhiều người dân thắc mắc vì cách đây hơn 1 năm, Hà Nội chặt gần 500 cây xà cừ cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi với lý do đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt trên cao, nay lại trồng cây mới ngay dưới gầm đường sắt. Bên cạnh đó, một số chuyên gia cây xanh lo ngại cây sẽ không thể phát triển dưới chân đường sắt thiếu ánh sáng và không gian sinh trưởng cho cây.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Kiên Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV công viên - cây xanh Hà Nội cho biết, loại cây trồng dưới gầm cầu đường sắt trên cao ở tuyến trên là cây chiêu liêu. Đây là loại cây như bàng lá tán nhỏ đẹp và việc trồng cây như thế đã được nghiên cứu.
Được biết, cây chiêu liêu còn được gọi là cây bàng Đài Loan. Đây là loại cây tán đẹp, lá nhỏ và có thể hoàn toàn khống chế được chiều cao. Cũng theo nhiều chuyên gia về cây cảnh, loại cây này thường được trồng nhiều ở phía nam và phù hợp với khí hậu Hà Nội. Cây này mới đây được đưa vào trồng ở các đô thị.
Đối với cây chiêu liêu, việc cắt tỉa cành, lá và rễ có thể điều chỉnh sự sinh trưởng của cây. Bên cạnh đó, cắt tỉa rễ cây là biện pháp kỹ thuật được sử dụng phổ biến hơn.
Theo quan sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, hiện tại hàng cây chiêu liêu đã ra lá. Tuy nhiên, một số cây đã bị chết và chưa được trồng lại. Cũng có nhiều cây có biểu hiện vàng lá, chậm phát triển.
Một số hình ảnh về hàng cây từng gây tranh cãi:
Hàng cây đã bắt đầu sinh trưởng.
Đây là một trong những cây phát triển tốt nhất.
Bên cạnh đó có một số cây đã bị chết.
Một số cây không chết nhưng vàng lá, chậm phát triển.
Ngọc Thi
Ảnh: Ngọc Thi
Đăng nhận xét