Lễ hội làng Giá xưa và nay.
Làng Giá trước đây, nay gọi là làng Yên Sở, là một địa danh gắn liền với những dấu ấn văn hóa cổ xưa của vùng xứ Đoài thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) nay là thuộc TP Hà Nội. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều di tích văn hóa có giá trị như hệ thống giếng cổ có niên đại từ rất sớm, cùng với những di tích kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu mạo, nhà từ đường của các dòng họ. Đặc biệt, tại đây vẫn còn giữ được di tích Quán Giá, tức là Đình Giá, một quần thể kiến trúc nghệ thuật hết sức độc đáo, thờ đức thánh Lý Phục Man, người đã có công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ nước nhà.
Đã thành thông lệ hàng năm, Quán Giá lại tổ chức lễ hội, chính hội vào ngày mùng 10 và kéo dài đến ngày 12 tháng 3 Âm lịch để tưởng nhớ công ơn các vị thành hoàng làng đồng thời giáo dục cho thế hệ con cháu truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc. Cũng giống như nhiều lễ hội dân gian khác, lễ hội Quán Giá gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Vào ngày 10/3 Âm lịch ngay từ sáng sớm, đám rước lễ của các làng cùng tề tựu để dự lễ hội Quán Giá, tiếp theo sau là đám rước của các làng thờ vọng Đức thánh Lý Phục Man. Theo phong tục thì ngày đầu tiên diễn ra lễ hội thì dân làng tổ chức lễ dâng hương để trình Thánh. Lễ này do các Thủ từ cùng các vị chức sắc trong làng hành lễ. Bắt đầu là tiết mục múa cờ và múa sư tử với sự tham gia của các trai đinh trong làng. Chiều cùng ngày diễn ra lễ Nghiềm Quân, đây là thời điểm rất quan trọng và linh thiêng trong lễ hội Quán Giá.
Trong khi ở sân ngoài đang tiến hành Nghiềm Quân thì ở sân trong đang chuẩn bị nghi thức rước kiệu. Sau khi Nghiềm Quân xong mọi người chuyển vào khớp với đám rước. Số người tham gia đội rước có đến 500 người, gồm đàn ông tuổi từ 50 đến 69 cùng thanh niên trai tráng trong làng. Dẫn đầu đám rước là đội múa sư tử, tiếp theo là áp đám có nhiệm vụ bảo vệ, trấn an cho đội rước được quy củ và trang nghiêm, sau đó là cờ thần, chiêng, trống cái, hoa roi, cờ trượng, bát âm rồi đến Tổng cừ, hàng kiệu, tàn, tán… theo sau là đèn lồng, kiệu văn cùng các phụ lão và nhân dân trong làng. Đi cuối đoạn rước là cờ thần và trống hậu. Rước trong lễ hội Quán Giá là một trong những nghi thức rước nổi tiếng, góp phần làm nên bản sắc văn hóa rất riêng của xứ Đoài. Đám rước làng Yên Sở là rước Văn đi dọc từ Quán Giá theo đê sông Đáy tới Văn chỉ rồi về Quán tế thần. Lễ vật đặc trưng trong lễ hội Quán Giá là bánh giày, bánh cuốn, xôi gà, oản quả, trầu rượu, thể hiện ước muốn phồn thực, ước muốn về một cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc của người dân trong làng.
Sau khi kết thúc phần nghi lễ linh thiêng là mở ra phần hội tưng bừng, vui vẻ để mọi được thỏa thích vui chơi, giải trí với các trò chơi thể hiện trí tuệ uyên thâm và tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam như đấu cờ người, đấu vật cổ truyền…
Nếu như trước đây chỉ có một hai đám rước lớn của cả làng thì nay mỗi thôn đều tổ chức lễ rước quy mô và các nghi thức hầu như vẫn được giữ nguyên theo nghi lễ truyền thống. Vào buổi tối hôm trước ngày rước, người dân trong thôn tụ họp tại nhà văn hóa cùng nhau chuẩn bị lễ dâng lên Quán. Trước đây do tư tưởng trọng nam kinh nữ mà các thành phần chính trong đám rước chỉ có nam giới nhưng ngay nay với tư tưởng nam nữ bình đẳng, phụ nữ cũng tham gia vào đám rước kiệu. Nhân dịp này, các hội đồng tuổi, hội cùng xóm, cùng ngõ đều tổ chức ăn uống, là dịp để mọi người cùng nhau chia sẻ, gắn kết tình bạn bè, tình làng nghĩa xóm.
Lễ hội làng Giá mặc dù chỉ diễn ra trong ba ngày nhưng thật sự đã để lại ấn tượng tốt đẹp và những trải nghiệm thú vị đối với toàn thể dân làng và du khách thập phương. Bởi vì lễ hội không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng làng xóm để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc trong mỗi gia đình và trong cả cộng đồng.
Như Quỳnh
Đăng nhận xét