Biến thành bà lão ở tuổi 34
Chị là Đinh Thị Nâu (dân tộc Ba Na, sinh năm 1983, ở làng Tà Điêk, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Thời thanh niên, chị Nâu là ước mơ của bao chàng trai trong khu bởi ngoại hình xinh đẹp.
Như bao cô gái, chị Nâu lấy chồng sinh con. Nhưng rồi, hạnh phúc chẳng vẹn toàn khi cô con gái lên 2 tuổi thì cơ thể chị bắt đầu có những chuyển biến lạ. Lúc đầu, cơ thể chị Nâu bỗng nhiên sưng phồng, đỏ tấy. Kế đến là những chấm trắng nhỏ xuất hiện lốm đốm trên vùng da cổ.
Chị và gia đình cứ tưởng ăn trúng gì bị ngộ độc hoặc dị ứng nên mua thuốc về uống tạm. Trong một thời gian, những triệu chứng trên tạm thời lắng xuống.
Vào thời gian đầu bị bệnh, chị luôn thấy cơ thể mình mệt mỏi, không lầm động chân, động tay vào việc gì. Chồng chị chưa hiểu sự tình nghĩ vợ lười, la mắng vì không giúp được gia đình công việc nương rẫy. Về sau, thấy vợ bệnh, mệt mỏi người chồng mới hiểu và không quát mắng.
Chị Ninh Thi Nâu biến thành một con người khác từ ngày bệnh. Ảnh: Tâm Ngọc
Bệnh tình mỗi ngày thêm nặng, vợ chồng đi xuống thành phố khám. Bác sĩ kết luận chị bị bệnh xơ cứng bì toàn thể, rồi kê đơn thuốc. Tuy nhiên, mặc dù uống rất nhiều mà bệnh không đỡ. Nghe có người nói rằng bệnh của chị Nâu phải cúng mới khỏi, gia đình chị liền mời các cụ già trong làng đến nhà cúng bái. Từ cúng từ gà, vịt rồi đến lợn nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
4 năm phát bệnh, cơ thể chị Đinh Thị Nâu sụt ký nghiêm trọng. Từ một người khoẻ mạnh bình thường hơn 42 kg sụt còn 24 kg. Ngày trẻ, mái tóc chị dài đen nhánh thì giờ chỉ còn lơ thơ vài cọng xơ xác. Gương mặt cũng đã biến dạng khá nhiều, những chiếc răng hàm trên chìa ra khiến chị không ngậm nổi miệng.
Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết, chứng bệnh chị mắc phải là xơ cứng bì. Đây là bệnh tự miễn, cơ thể tự tạo các kháng thể chống lại chính cơ thể của người bệnh. Bệnh có 2 loại: xơ cứng bì khu trú (mắc bệnh ở một số vị trí) và xơ cứng bì toàn thể - thể bệnh rất nặng, tổn thương trên da toàn thân và các cơ quan nội tạng.
Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, mà chỉ có thể dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch điều trị lâu dài, điều trị tấn công trong những đợt nặng và điều trị duy trì khi nhẹ, giảm đau đớn cho bệnh nhân.
Cách phòng bệnh xơ cứng bì?
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Duy Hưng, bác sỹ chuyên Khoa Da liễu, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Bệnh xơ cứng bì là nhóm các bệnh hiếm gặp gây ra xơ cứng da và các mô kết nối. Triệu chứng của xơ cứng bì phần lớn thường dễ thấy trên da. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp bị phá hủy các bộ phận khác trong cơ thể như mạch máu, cơ quan nội tạng và ống tiêu hóa. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh rất đa dạng tùy thuộc vào bộ phận nào bị ảnh hưởng”.
Người mắc phải bệnh này sẽ có da nhìn trơn bóng do các mô dày và cứng gây ra, thường xuất hiện ở tay và mặt. Ngón tay ngón chân lạnh và bị chuyển màu đỏ, trắng hoặc xanh, đau và lở loét đầu ngón tay. Trên người sẽ xuất hiện đốm đỏ nhỏ trên mặt và ngực. Đồng thời người bệnh khô mắt, khô miệng, thở gấp, sụt cân nghiêm trọng.
Chị Nâu ngày còn khỏe mạnh. Ảnh: Tâm Ngọc
Nguyên nhân gây ra bệnh xơ cứng bì hiện vẫn chưa rõ. Một số nhà khoa học cho rằng nguyên nhân bệnh do một số sai sót của chức năng của hệ miễn dịch. Thông thường, bệnh xảy ra ở nữ giới từ 30 đến 50 tuổi.
Hiện chưa có phương pháp điều trị cho bệnh xơ cứng bì, nhưng vẫn có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng cách dùng thuốc. Tuy nhiên, những người mắc bệnh này phải chữa trong thời gian dài, tốn kém kinh phí. Theo bác sỹ, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt tích cực, khoa học sẽ giúp phòng chống bệnh.
Các bài tập thể dục rất quan trọng để giúp cơ thể khỏe mạnh và chống lại nguy cơ mắc nhiều bệnh. Thể dục thúc đẩy tuần hoàn máu và ngăn cản sự cứng cơ cũng như giúp cho các khớp xương linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, việc không hút thuốc lá vì nicotine có thể tăng nguy cơ làm cho các mạch máu và mô phổi cứng lại. Mỗi người nên tự kiểm soát ợ nóng do ợ nóng tạo ra axit có thể phá hủy thực quản.
Ngọc Thi
Đăng nhận xét