Vỉa hè có như không ở đường Phương Mai và Đê La Thành. Ảnh: HP
Lòng đường bị chiếm bất thường
Điều tích cực trong đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng thực hiện theo kế hoạch của Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội là vỉa hè các tuyến phố chính đã có vạch sơn bố trí không gian cho người đi bộ. Kèm theo đó, hàng loạt bậc tam cấp lấn chiếm bị phá bỏ.
Tuy nhiên, ở các tuyến phố nhỏ, phố có vỉa hè nhỏ hoặc phố có hoạt động kinh doanh hàng hóa đặc thù như quán ăn, vật liệu xây dựng… thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè, thậm chí lấn chiếm lòng đường vẫn ngang nhiên như chưa hề có đợt ra quân dọn dẹp vỉa hè quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các phố nhỏ, ngõ, ngách ở tất cả các quận đều có lượng ô tô đậu nhiều bất thường. Anh Nguyễn Xuân Toàn ở Linh Đường (quận Hoàng Mai) cho biết: “Nhiều bãi đậu xe bị rút giấy phép, bãi đậu tự phát thì bị giải tán, người đi làm bằng ô tô khu vực này (Linh Đàm) tá hỏa gửi vào các bãi xe chung cư nhưng rồi cũng quá tải hoặc đi bộ rất xa mới đến chỗ làm. Tôi thấy nhiều người đậu ở ngõ Linh Đường nên cũng đánh xe vào đó đậu. Được hơn chục ngày rồi!”.
Quả đúng như anh Toàn nói, với việc "thu hồi" vỉa hè đồng thời nhiều bãi trông xe ô tô trái phép bị dẹp đã biến những ngõ ngách trở thành bãi đậu ô tô. Ngoài ra, còn khá nhiều đường phố ngõ ngách quá hẹp, ô tô do không có chỗ đỗ nên đã phải "chiếm" các khu vực để xe máy trên vỉa hè. Hiện tượng này diễn ra không chỉ ở quận Hoàng Mai mà còn xuất hiện ở các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm.
Nhằm xử lý triệt để tình trạng này, lực lượng chức năng đã tiếp tục triển khai chiến dịch đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, đặc biệt tập trung vào các ô tô dừng đỗ sai quy định. Mặc dù, tại một số điểm vi phạm lấn chiếm vỉa hè làm điểm dừng đỗ phương tiện cá nhân trên phố Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm), Xã Đàn (Đống Đa)… đã có hàng chục ô tô bị lập biên bản xử phạt. Tuy nhiên, tình trạng đậu xe dưới lòng đường vẫn diễn ra tràn lan.
Tại đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), nhiều xe thu gom chứa đầy rác tập kết dọc các vỉa hè, thậm chí đậu dưới lòng đường đoạn gần cổng Trường Đại học Điện lực (235 Hoàng Quốc Việt). Vỉa hè bị lấn chiếm, buộc người đi bộ phải tràn xuống lòng đường. Trên tuyến phố Trần Cung đoạn qua Bệnh viên E, tình trạng kinh doanh, buôn bán, để phương tiện… lấn chiếm vỉa hè, lòng đường một cách ngang nhiên. Không những vậy, vỉa hè gần cổng Trung tâm Đo lường miền Bắc (117 Trần Cung) tồn tại điểm tập kết rác thải lớn, rất mất vệ sinh và phản cảm.
Nỗi khổ ở phố không vỉa hè
Tại quận Đống Đa, rất nhiều tuyến phố mà vỉa hè chỉ rộng vừa một chiếc xe máy dựng ngang, hoặc hẹp hơn, rất khó để lực lượng chức năng giải quyết triệt để trong việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Tại phố Phương Mai (quận Đống Đa) vỉa hè được trưng dụng làm chỗ để xe máy. Thậm chí, có đoạn xe máy còn tập kết dưới lòng đường khiến người đi bộ muốn vượt qua phải tiến ra gần... giữa lòng đường.
Ông Nguyễn Văn Tốn, người dân sống tại khu tập thể Phương Mai cho biết: “Có bao giờ vỉa hè có lối cho người đi bộ đâu. Kể cả tháng vừa qua, nghe đài báo nói rất nhiều đến việc ra quân dọn dẹp vỉa hè. Ở đâu ấy chứ, ở Phương Mai vỉa hè vẫn chật kín xe máy, có nơi biển quảng cáo thấp, thò ra vỉa hè sát đầu người”.
Ông Tốn cho biết, thời gian gần đây, có nhiều ô tô vào ngõ đậu. “Vừa chật chội vừa rất khó coi. Mỗi khi tôi đón cháu đi học về qua đoạn này cứ phải thập thò bước ra thụt vào để tránh ô tô, xe máy đậu. Lộn xộn lắm”, ông Tốn nói.
Cách đó không xa, ngay ngã 3 Lương Đình Của - Đông Tác, chợ tạm họp ngay dưới lòng đường. Giờ cao điểm, khu chợ này thường gây ách tắc giao thông, đến bây giờ khi “cơn lốc” dọn dẹp vỉa hè đi qua 1 tháng nhưng chợ này vẫn chưa được dọn dẹp triệt để.
Ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội mới đây công bố kết quả khảo sát lòng đường, vỉa hè trên địa bàn một số quận, thị xã. Đại diện Ban Đô thị cho hay, việc phân định ranh giới để phương tiện xe đạp, xe máy ở nhiều tuyến phố chiều rộng còn lại dành cho người đi bộ nhỏ hơn diện tích quy định tối thiểu. Vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè vào mục đích kinh doanh dịch vụ, nhiều phương tiện xe đạp, xe máy dừng đỗ, để trên vỉa hè thuộc phần dành cho người đi bộ, nhất là vào khung giờ cuối buổi sáng, cuối buổi chiều và buổi tối; bán hàng rong trên các tuyến phố chưa giảm.
Không thể phủ nhận, 1 tháng sau khi đồng loạt ra quân lập lại trật tự đô thị, Hà Nội đã có những kết quả khả quan. Các chuyên gia nhận định, thành phố cần có các giải pháp căn cơ, đồng bộ, mà quan trọng nhất là đảm bảo quy hoạch. Có quy hoạch tốt, bố trí không gian hợp lý, người dân mới có nền tảng ổn định cuộc sống, không lấn chiếm, vi phạm. Lối tư duy của nhiều người sinh sống tại Thủ đô cần được tác động để thay đổi. Sinh sống, kiếm tiền đời này qua đời khác trên vỉa hè, một bộ phận người dân nghiễm nhiên coi là đất của mình, tự do sử dụng, tự do lấn chiếm. Khi phải phá dỡ, họ không chủ động dọn dẹp gạch đá mà chờ đợi công nhân môi trường đến chở đi. Khi vắng lực lượng chức năng họ lén lút tái phạm.
Hà Phương
Đăng nhận xét