Hàng chục tỷ “đắp chiếu” hàng nghìn dân khát nước

 Nhà máy nước sạch tại xã Phú Thành đắp chiếu chờ đợi. Ảnh: V.ĐỒNG

Nhà máy nước sạch tại xã Phú Thành "đắp chiếu" chờ đợi. Ảnh: V.ĐỒNG

Thế nhưng một nhà máy thì sai thiết kế, nhà máy kia thì thiếu vốn nên cùng cảnh “đắp chiếu” khiến hàng nghìn người dân ngày đêm khát nước.

Nhà máy nước 11 tỉ đồng chỉ để... ngắm

Nhà chị Hồ Thị My trú xóm 7, xã Quỳnh Lộc cách Nhà máy nước Quỳnh Lộc khoảng 10m, bức xúc: "Khi có dự án xây dựng nhà máy nước người dân mừng lắm. Vùng này, đến mùa khô hạn người dân sống rất vất vả vì thiếu nước. Xã yêu cầu mỗi hộ đóng 500.000 đồng để xây dựng nhà máy nước, chúng tôi đồng ý ngay. Thế nhưng từ khi khởi công là năm 2007 đến nay chúng tôi chưa được dùng giọt nước nào". Nói đoạn, chị My chỉ tay xuống một đoạn ống nước còn sót lại, phân trần tiếp: “Ống nước này cũng chạy tận vào sân nhà nhưng gia đình tôi chưa một lần thấy nước. Hầu hết, đường ống dẫn này bị vỡ hoặc bị đào trộm. Họ trộm từ ống nước đến đồng hồ nước”.

Chúng tôi đến nhà máy nước thấy cổng nhà máy khép hờ. Bên trong khuôn viên cỏ mọc um tùm. Nhiều hạng mục như ống nước, van khóa nước đã gỉ sét. Riêng hai nhà điều hành thì cửa khóa kín mít giữa bốn bề cỏ hoang. Quang cảnh một nhà máy nước nằm phơi trơ trọi dưới nắng trời. Được biết, nhà máy nước Quỳnh Lộc có tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước. Chủ đầu tư là UBND xã Quỳnh Lộc. Công ty TNHH Phú Hải (trụ sở TP Vinh, Nghệ An) là đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Văn Bắc, nguyên Chủ tịch xã Quỳnh Lộc (hiện là Trưởng phòng Thương binh và Xã hội thị xã Hoàng Mai) cho PV Báo Gia đình & Xã hội biết, công trình này được khởi công từ năm 2007 đến năm 2008 thì hoàn thành giai đoạn 1. Lúc đó, ông Nguyễn Sỹ Hữu là Chủ tịch xã (hiện đã mất). Giai đoạn này, vốn Nhà nước là 80% còn lại là đóng góp của người dân hai xóm 6,7. Sau khi hoàn thành, nhà máy nước đã chạy cấp nước thử cho hai xóm này trước, nhưng nước đến các hộ dân rất phập phù, nhà có, nhà không nên phải dừng lại để kiểm tra.

Nguyên nhân lúc đó được xác định là thiết kế nhà máy chưa hợp lý. Cụ thể, nhà máy phải dùng bơm lấy nước ngầm ở độ sâu gần 30m đổ vào bể chứa khoảng 200m3 nước để xử lý. Máy bơm tiếp theo phải đẩy nước đến 12 xóm, mà ống nước chính kéo từ đầu đến cuối xã là 12km (chưa kể các ngóc ngách đến từng hộ dân). Độ dốc lại cao nên nước khó tiếp cận đến từng nhà dân.

Ông Bắc trầm ngâm: "Khi bơm nước đến toàn xã thì nước trong bể chứa lại hết. Máy bơm dừng hoạt động, nước trong ống lại chạy ngược về bể chứa. Quy trình vận hành của giọt nước oái ăm như thế thì dân sao có nước dùng".

Khi vận hành thử giai đoạn 1, dân đã không dùng được nước nhưng chính quyền xã Quỳnh Lộc vẫn tiếp tục mở rộng nhà máy từ năm 2009 đến tháng 6/2010. Vốn Nhà nước lúc này là 90% còn 10 % người dân các xóm còn lại đóng góp. Khi vận hành thử thì người dân vẫn không dùng được nước nên người dân đã không đóng số tiền 10% này. Kiểm tra thì đường ống chính đã hư hỏng nhiều, do chỗ hở, chỗ vỡ. "Khi tôi làm Chủ tịch xã (2010 - 2014) đã rất cố gắng để khắc phục nhà máy nước này nhưng không thành. Lý do cốt yếu là nhà máy đã làm sai thiết kế từ ban đầu. Nếu muốn khắc phục thì số vốn sẽ “đội” lên rất lớn, vượt ngoài khả năng của xã nên nhà máy "đắp chiếu" từ đó", anh Bắc nói.

Ông Nguyễn Văn Thảo – Phó Chủ tịch MTTQ, kiêm Trưởng ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Quỳnh Lộc, bức xúc: “Nhà máy nước này từ đầu đã sai thiết kế, không hiệu quả, rõ nhất là những hộ dân ngay cạnh nhà máy cũng không có nước sạch để dùng. Thế nhưng, đơn vị thi công vẫn được quyết toán".

Cũng theo ông Thảo, nhà máy không hoạt động, người dân đã thắc mắc nhiều tại nhiều lần họp Hội đồng nhân dân xã và được Chủ tịch xã lúc này là ông Lê Duy Trung (nhiệm kỳ 2014 đến nay) thừa nhận dự án không có tính khả thi và hiện không thể sửa chữa được. Còn nếu đầu tư lại thì phải nâng cấp làm mới gần như toàn bộ hệ thống, nguồn lực của xã không đáp ứng nổi. Nhà máy nước nhiều tỷ đồng qua ba đời chủ tịch xã vẫn phơi mưa, phơi nắng trong khi dân khát nước sạch.

 Nhà máy nước sạch xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) 10 năm nay trơ dưới nắng trời.

Nhà máy nước sạch xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) 10 năm nay trơ dưới nắng trời.

Nhà máy nước đầu tư 23 tỷ đồng rồi… bỏ hoang

Cũng như người dân xã Quỳnh Lộc, người dân xã Phú Thành (huyện Yên Thành) cũng mỏi mòn chờ nước sạch khi nhà máy nước tại xã này bỏ hoang từ khi khởi công (6/2013) đến nay. Khi PV báo Gia đình & Xã hội có mặt tại nhà máy nước chỉ thấy công trình giữa ngổn ngang đất, đá. Nhà để thiết bị và nhà điều hành không có cửa nên trâu bò vào phóng uế khắp nơi.

Anh Võ Hữu Hòa trú ở xóm 4, xã Phú Thành cho biết: "Gia đình tôi đã đóng 3 triệu để xây dựng nhà máy nước nhưng 4 năm nay nhà máy vẫn bỏ hoang. Chúng tôi vẫn phải lấy nước ao về lắng để dùng". Còn anh Võ Duy Mại (người cùng xã) bức xúc: “Gia đình tôi chậm nộp tiền xây dựng nhà máy nên phải đóng lãi. Khi nộp xong vẫn không có nước sạch dùng, thật quá vô lý".

Nhà máy nước này nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015, được khởi công từ tháng 6/2013. Theo kế hoạch thông báo hôm làm lễ khởi công nhà máy nước là sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2014. Tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng, trong đó 60% ngân sách Nhà nước, 40% vốn đối ứng của địa phương. UBND xã Phú Thành làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Phú Hải. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp nước cho 9.000 hộ dân của 15 xóm.

Trao đổi về cảnh hoang phế của nhà máy nước xã Phú Thành, ông Phạm Minh Chuân - Chủ tịch xã Phú Thành nói: "Công trình mới làm được 2 nhà chức năng, bể chứa và đường ống nước đến nhà dân. Kể từ đó, công trình dừng hẳn từ tháng 2/2015 với lý do thiếu vốn. Chính quyền địa phương cũng rất sốt ruột và đã có báo cáo lên cấp trên để tìm phương án giải quyết".

Nhiều dự án nước sạch dở dang

Ông Phan Bùi Mỹ - Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Nghệ An (Sở NN&PTNT) cho biết, “14 công trình nước sạch của Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch giai đoạn 2011-2015 với tổng số vốn là 293 tỷ đồng. Sau 5 năm Trung ương mới cấp cho các dự án 95 tỷ. Hiện chúng tôi đã có báo cáo cụ thể đến Chi cục Thủy lợi Nghệ An”.

Trong lúc đó, ông Nguyễn Sỹ Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho hay: "Chỉ 2/14 công trình nước sạch của Chương trình mục tiêu quốc gia mới hoàn thành. 12 công trình còn lại thì 6 cái đang gắng gượng thực hiện, 6 cái đang còn "đắp chiếu".

Vũ Đồng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget