Kiểm tra hoài, dân vẫn “xài” rượu lậu?

 Đoàn kiếm tra liên ngành số 1 của Hà Nội đi kiểm tra rượu ở nhà hàng Gà Mạnh Hoạch (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: T.Vân

Đoàn kiếm tra liên ngành số 1 của Hà Nội đi kiểm tra rượu ở nhà hàng Gà Mạnh Hoạch (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: T.Vân

Mới giải quyết được “phần ngọn”?

Sau một thời gian ngắn tình hình bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol được cho là tạm lắng thì mới đây (6 - 7/4), lại có thêm 2 người đàn ông ở Hà Nội nhập viện vì ngộ độc methanol. Trong đó, bệnh nhân Bùi Duy Ph (50 tuổi, ở phường Ngọc Khánh, Ba Đình) hiện vẫn trong tình trạng hôn mê. Ông Nguyễn Minh Tú – Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh thông tin: Người nhà cho biết bệnh nhân này nghiện rượu, uống thường xuyên và trung bình mỗi ngày uống tới…1 lít rượu. Bệnh nhân này hay uống rượu tại quán nước H.Q (ngõ 575 Kim Mã) và quán nước B.V ở 1050 Đê La Thành (quận Ba Đình).

Hiện cơ quan chức năng quận Ba Đình, phường Ngọc Khánh đã kiểm tra 2 địa chỉ trên để truy tìm nguồn gốc rượu gây ngộ độc.

Đến thời điểm này, Hà Nội đã ghi nhận 28 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó có 4 ca tử vong. Qua xác minh, hầu hết các trường hợp ngộ độc đều uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, uống tại các quán cơm, tại nhà…Để ngăn chặn các ca ngộ độc rượu methanol, Hà Nội đã tổ chức hàng trăm đoàn kiểm tra, rà soát cơ sở kinh doanh rượu. Qua kiểm tra 5.560 cơ sở, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý 726 cơ sở, niêm phong gần 54.000 lít rượu chưa rõ nguồn gốc, tiêu hủy 1.870 lít rượu không có nguồn gốc, phạt tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Các cơ quan chức năng đã ra quân kiểm tra quyết liệt, tuy nhiên, số vụ ngộ độc rượu methanol vẫn xảy ra. Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Nguyễn Quang Trung thừa nhận việc quản lý rượu thông qua những vụ kiểm tra, tịch thu, tiêu huỷ rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, chỉ là “chặt cây từ ngọn”, cần các biện pháp quyết liệt, cụ thể hơn. Còn Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh Nguyễn Minh Tú cho biết, qua kiểm tra trên địa bàn, vẫn còn tình trạng các cửa hàng lén lút bán rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, đây là vấn đề rất khó cho cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin, hiện 77% nam giới nước ta có uống rượu bia, trong đó 45% người sử dụng rượu bia ở mức nguy hại, tức uống rất nhiều trong một lần. Theo ông Phong, có 2 nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn người ngộ độc rượu, rượu methanol: Trước hết vẫn còn một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tiếp tục lén lút kinh doanh, thứ 2 vẫn còn người tiêu dùng sử dụng loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ này.

Ai chịu trách nhiệm chính?

Nhiều ý kiến đặt ra là muốn quản lý rượu có methanol phải quản lý “gốc” là cồn công nghiệp methanol – chất cấm cho vào thực phẩm, vốn chỉ được sử dụng vào công nghệ làm sơn, tẩy rửa vệ sinh công nghiệp... Tuy nhiên, quản lý cồn công nghiệp như thế nào, khi nhiều người dân ra mua cồn lại khai là về làm sơn hoặc để đánh verni bàn ghế, chứ không ai khai là về pha rượu?

Ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương) đề xuất nên pha thêm màu để phân biệt cồn công nghiệp và cồn thực phẩm vì hiện giờ hai loại cần này bằng mắt thường không phân biệt được.

Hiện Chính phủ, Bộ Công thương, các sở, ban ngành đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn, quy định về kinh doanh, sản xuất rượu. Nhưng các vụ ngộ độc methanol, hay bắt được các cơ sở lưu hành rượu methanol vẫn xảy ra? Phải chăng chúng ta không thể quản lý được? Theo ông Cường, để nói quản lý thế nào thì đầu tiên phải xem chính sách quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh rượu ra sao. Trước hết, sản xuất kinh doanh rượu là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích. Nghị định 94 của Chính phủ viết rõ là không khuyến khích sản xuất rượu nên vì thế cũng quy định rất rõ điều kiện sản xuất, kinh doanh, bán buôn bán lẻ và cả trách nhiệm của người tiêu dùng.

Ở nước ta, ngoài rượu sản xuất công nghiệp thì rượu người dân tự nấu hoặc sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, làng nghề. Rượu hộ dân tự nấu được chưng cất thủ công, lên men rất đơn giản nên không loại bỏ được các tạp chất. Cũng vì thế, rượu do dân sản xuất thường có các nồng độ tạp chất cao, ngoài cồn thực phẩm ethanol còn có thể phát sinh cả cồn công nghiệp methanol.

Cũng theo ông Cường, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị 03 trong đó có nêu rõ trách nhiệm của lực lượng Quản lý thị trường, các Sở Công thương, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương phải thực hiện để tăng cường quản lý, giảm thiểu tác hại của ngộ độc rượu. Bộ Y tế, Bộ Công thương cũng đã phối hợp chặt chẽ trong thời gian vừa qua, cả về việc tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh rượu, các hóa chất có nguy cơ bị lạm dụng trong việc sản xuất kinh doanh thực phẩm lẫn kiểm tra rượu.

“Đặc biệt, vừa rồi chúng tôi đã phối hợp với Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi điều luật liên quan đến xử lý vi phạm hình sự đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm trong Bộ luật Hình sự theo chiều hướng tăng nặng. Trước đây, Bộ luật Hình sự cũng đã có quy định về việc này nhưng việc thực hiện còn một số khó khăn trong xử lý, cũng như chưa phân định rõ trách nhiệm. Ngoài ra, tới đây chúng tôi cũng sẽ rà soát lại các hệ thống quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo chiều hướng xử lý tăng nặng trước khi chuyển sang xử lý hình sự”, ông Cường nói.

Tại Hội thảo “Tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử trí, điều trị ngộ độc rượu có methanol cao” (diễn ra ngày 10/4), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, thực trạng những cái chết tức tưởi do uống phải rượu pha methanol, hoặc được cứu sống nhưng di chứng nặng nề đã hiện hữu, đang xảy ra và sẽ tiếp tục gia tăng. Muốn quản lý được, không thể chỉ trách nhiệm thuộc về một bộ, ngành mà tất cả các bộ ban ngành đều phải vào cuộc với trách nhiệm cao, một cách bài bản, khoa học với những biện pháp hợp lý.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, hiện các quy định về quản lý rượu đã có nhiều nhưng chưa thật chặt chẽ, rõ ràng. “Ngay cả trong những vụ ngộ độc rượu gây tử vong nhưng ai là người chịu trách nhiệm chính vẫn chưa thật rõ. Ngành Y tế, Nông nghiệp hay Công thương, Công an phải chịu trách nhiệm chính? Điều này cần phân định rõ ràng hơn. Chúng ta không thể cấm uống rượu, vậy quản lý và sử dụng rượu như thế nào là vấn đề phải đặt ra”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.

Sau 1 tháng (từ 16/3-15/4) cao điểm tổng rà soát, kiểm tra rượu, trong Tháng hành động về an toàn thực phẩm (15/4-15/5), Hà Nội tiếp tục lấy việc tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề là mục tiêu kế hoạch, trong đó, sẽ công khai tên các cơ sở cung cấp rượu, không đảm bảo an toàn.

Võ Thu

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget